Qua khảo sát hàng trăm công trình, sử gia kiến trúc Mel Schenck đưa đến một hình dung rõ nét về kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam, một nền kiến trúc không mô phỏng các thiết kế truyền thống hay tiếp nối lối kiến trúc thuộc địa mà tạo dựng được bản sắc riêng mãnh liệt.

Khởi đi từ tâm thức

Tác giả
Tác giả Mel Schenck. Nguồn: saigoneer.com

Các đặc điểm như kiến trúc chia khoang, cấu trúc vỏ kép, bố cục biểu hiện và trừu tượng, hệ lam gió, các thuộc tính, mức độ chi tiết, bố cục, thành phần... ở các công trình dinh thự, biệt thự, nhà phố, công sở cụ thể tại Sài Gòn và các đô thị miền Nam được tác giả cuốn sách ghi nhận, trình bày khá chi tiết. Đó xem như là những dấu chân thực địa làm nền tảng thuyết phục cho cuốn sách. Phần nội dung này chiếm gần 2/3 cuốn sách.

Tuy nhiên, với tôi, tác phẩm này giá trị ở một chỗ khác: diễn giải lịch sử kiến trúc. Với 50 năm kinh nghiệm quản lý thiết kế và xây dựng các dự án xây dựng và quy hoạch phức tạp, sử gia kiến trúc người Mỹ Mel Schenck đã có những dẫn giải đầy thuyết phục và bất ngờ trên cơ sở chuyên môn về một khoanh vùng nghiên cứu vì nhiều lý do tế nhị có tính lịch sử như ông nêu trong trang 9 của cuốn sách mà chưa được chú ý và nhìn nhận đầy đủ bởi chính người Việt.

Qua các bài viết ngắn, tác giả đưa người đọc trở về với mối liên hệ đặc biệt giữa kiến trúc miền Nam hiện đại với bối cảnh lịch sử sinh ra nó. Ngọn nguồn, từ ban đầu, trong ý đồ thiết lập đô thị của người Pháp thời thuộc địa, Sài Gòn được quy hoạch lý tính kiểu phương Tây, kiến trúc sau đó mang dấu ấn “tái hiện” nét thân quen của các đô thị Pháp quốc. Một “Paris phương Đông” là mỹ từ thể hiện rõ nhất mong muốn của người Pháp về Sài Gòn và những thành phố mang dấu ấn Pháp thời thuộc địa ở Đông Dương. Phong cách Đông Dương cũng được sinh ra từ đây, khi có những tiếp biến với văn hóa tìm kiếm sự tương thích với điều kiện sinh thái bản địa.

Nhưng đến giữa thập niên 1940- 1950, cùng với các xáo trộn chính trị, bộ mặt của kiến trúc hiện đại ở Sài Gòn lại hình thành một bước ngoặt khác, nó không dừng lại ở trên các bản vẽ thuần túy, mà nói một cách đầy đủ, các bản vẽ đã mang trong nó một ý thức, khát khao độc lập của người Việt. “Khi người Việt bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân và giành độc lập vào năm 1954, họ đã bày tỏ nguyện vọng trở thành một nước công nghiệp hiện đại thông qua việc thực thi lối kiến trúc đại diện cho thời đại công nghiệp. Ngay trước Thế chiến II và trước khi bị Nhật chiếm đóng, các kiến trúc sư người Việt đã cùng các nhà hoạch định người Pháp và người Việt, thay đổi diện mạo thành phố bằng cách xây dựng các khu chung cư với công năng hiện đại, trở thành nền tảng cho các công trình công cộng khác về sau.” (trang 30).

Cuốn sách công phu của sử gia kiến trúc người Mỹ Mel Schenck dày gần 650 trang. Ảnh: NVN
Cuốn sách công phu của sử gia kiến trúc người Mỹ Mel Schenck dày gần 650 trang. Ảnh: NVN

Những dịch chuyển trong lòng xã hội cũng là yếu tố tạo nên hoàn cảnh kiến trúc tân kỳ. Cụ thể, nhu cầu nhà ở của người nhập cư trong và sau các cuộc chiến tranh Đông Dương, gây áp lực lên các đô thị, tạo ra các đơn vị cư trú nhỏ hẹp, không gian giao thông hạn chế. Sự phát triển mạnh mẽ của giới trung lưu ở đô thị miền Nam đặc biệt sau năm 1954 cũng tạo ra một bản sắc mãnh liệt để hình thành cốt lõi của trào lưu kiến trúc hiện đại.

Về phía các kiến trúc sư thì ý thức tự cường trong nghề nghiệp và phẩm giá trí thức được thể hiện qua các công trình. “Các kiến trúc sư Việt Nam đã vượt qua kiến trúc thuộc địa và kiến trúc Art Deco của các kiến trúc sư Pháp để tiến thẳng đến kiến trúc hiện đại, vì nó thể hiện quyền tự chủ và khát vọng trở thành một đất nước hiện đại trong thời đại công nghiệp”. Theo tác giả, việc Ngô Viết Thụ thiết kế lại Dinh Độc Lập theo phong cách hiện đại được khánh thành vào năm 1966 là một điển hình “khẳng định rõ nguồn năng lượng và khát vọng của một quốc gia độc lập”.

Từ chỗ tiếp nhận kiến trúc hiện đại, miền Nam đã biến nó thành phong cách của miền Nam Việt Nam. Không có nhiều nhấn nhá đáng chú ý về mặt trang trí, hoa văn như thời kỳ kiến trúc thuộc địa trước đó, các công trình kiến trúc hiện đại không gây chú ý vì tính quy mô cầu kỳ, mà chú trọng tính đơn giản, nhẹ nhàng.

Nhưng nói miền Nam là trung tâm của kiến trúc hiện đại, không có nghĩa đó là trung tâm duy nhất, mà là một trong những trung tâm có tính bản sắc trên toàn cầu. Đó là lý do mà các chương sách, bên cạnh khảo sát, phân tích các công trình, tác giả cũng đặt kiến trúc hiện đại Sài Gòn bên cạnh kiến trúc hiện đại đồng thời của các thành phố khác trên thế giới để cho thấy tính riêng biệt, quy mô tập trung, diện mạo ưu trội và giá trị thời đại.

Tác giả cho rằng đô thị miền Bắc vẫn xuất hiện kiến trúc hiện đại, song nó không phổ biến, bởi sức kéo của truyền thống và một số điều kiện xã hội khác biệt, nên tính bản địa, tân cổ điển hay “phong cách Pháp mới” đậm hơn.

Nhẹ nhàng và thực tiễn

Trong khảo sát các công trình cụ thể, tác giả có những kết nối khá thú vị, ví dụ như khi đặt tòa nhà đại sứ quán Hoa Kỳ bên cạnh các công trình Đại học Sư phạm Huế, Đại học Y Dược, Dinh Độc Lập... của Ngô Viết Thụ. Ông đưa ra một gợi mở: “Nhiều khả năng là kiến trúc sư Mỹ cũng đã chịu ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại Việt Nam” (trang 108).

Cuốn sách được minh họa sống động bởi nhiếp ảnh gia Alexandre Garel. Ảnh: NVN
Cuốn sách được minh họa sống động bởi nhiếp ảnh gia Alexandre Garel. Ảnh: NVN

Nhìn vào bản chất kiến trúc hiện đại Việt Nam, cuốn sách cung cấp thật rõ nét một đặc điểm (có thể nặng tính suy diễn xã hội học, song phải thừa nhận là thú vị) gọi là “chủ nghĩa khu vực phản biện” (theo cách nói của sử gia kiến trúc Anh Kenneth Frampton khi cho rằng chủ nghĩa khu vực phản biện là sự phản kháng tích cực đối với ưu thế của kiến trúc hiện đại quốc tế nói chung). Theo đó, các kiến trúc sư theo chủ nghĩa khu vực phản biện một mặt cực lực phản đối những ảnh hưởng định hướng của kiến trúc hiện đại quốc tế, mặt khác vẫn tuân thủ những nguyên tắc cơ bản, từ những hoàn cảnh biện chứng đó đã sinh ra những lối kiến trúc phản ánh tính địa phương và bối cảnh địa lý.

“Kiến trúc hiện đại Việt Nam phản ánh rõ nét bối cảnh này, đặc biệt trong những cân nhắc cần thiết nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới. Nhưng các kiến trúc sư và người dân miền Nam không chống lại chủ nghĩa hiện đại, họ tích cực đón nhận và sửa đổi để đáp ứng nhu cầu và bản sắc địa phương. Chủ nghĩa khu vực Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu thực tế của đời sống miền Nam, trong điều kiện kinh tế bấy giờ. Người dân miền Nam đón nhận lối kiến trúc mới vì nó phản ánh nguyện vọng của họ. Do đó, không thể áp đặt chủ nghĩa hiện đại phổ quát lên người Việt – họ đón nhận kiến trúc hiện đại nhưng đồng thời phủ lên nó tính khu biệt của Việt Nam” (trang 86-87).

Cuốn sách được minh họa sống động bởi nhiếp ảnh gia Alexandre Garel. Ảnh: NVN
Cuốn sách được minh họa sống động bởi nhiếp ảnh gia Alexandre Garel. Ảnh: NVN

Các kiến trúc sư thời kỳ này cố gắng thoát khỏi cái bẫy của chủ nghĩa khoái lạc qua việc tìm kiếm những hình ảnh giàu sức gợi chứ không mô phỏng cái đã có trong truyền thống, cũng không tái tạo, gợi nhắc truyền thống, mà tạo ra những sản phẩm sáng tạo cách điệu có giá trị cao và đáp ứng công năng tốt. Từ tính không đối xứng, các tòa nhà có mái bằng, mái dốc, sự truyền tải tính thanh thoát trong kết cấu, sự tiết chế các hình thức trang trí mà chuyển dịch sang tính năng trừu tượng giữa không gian, hình học và ánh sáng, công trình là sự nối kết đều đặn của các mô đun, không nhiều tính nhịp điệu hay thể hiện tính chân thực tự nhiên của vật liệu... của các công trình, tác giả đánh giá kiến trúc hiện đại Việt Nam đạt đến sự “nhẹ nhàng và tính thực tiễn sinh hoạt” (trang 80).

Một lịch sử kiến trúc mà ở đó, từng phong cách, chủ nghĩa thể hiện rõ ràng và súc tích nhất về hoàn cảnh xã hội nơi nó xuất hiện, được tác giả lược thuật khá ngắn gọn nhưng đầy đủ và thú vị. Như tác giả viết, “lịch sử đang dần biến mất khỏi thế giới nhanh hơn những gì chúng ta có thể học được từ nó”. Việc nhìn lại kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam thấu đáo hơn, đã đến lúc, không chỉ vì tình cảm với một khu vực hay thời kỳ lịch sử, mà là cách nhận diện đầy đủ hơn về lịch sử, hiểu cặn kẽ hơn về những bước đi của chính mình trong hiện tại.


TẠI SAO CÂU CHUYỆN NÀY TRƯỚC ĐÂY CHƯA TỪNG ĐƯỢC NHẮC ĐẾN?

Đối với người Mỹ, Việt Nam gợi nhắc đến một cuộc chiến hơn là một đất nước. Và không ai nhận thấy trong lúc chiến tranh diễn ra, người Việt Nam cũng tất bật xây dựng các khu chung cư, nhà ở, công trình công cộng nhằm kiến thiết một quốc gia mới. Tất cả đã không dự đoán được phong cách kiến trúc này lại mang phong màu sắc chủ nghĩa hiện đại hơn là phỏng theo các thiết kế truyền thống Việt Nam, hay tiếp nối lối kiến trúc thuộc địa.

Sau ngày thống nhất đất nước vào năm 1975, miền Nam Việt Nam trước đây được cho là nền văn hóa suy đồi, và phản ánh cái gọi là chính quyền bù nhìn của người Mỹ. Vì vậy, bất cứ thứ gì phát triển từ đây, kể cả lối kiến trúc hiện đại miền Nam, cũng đều bị cho là không đáng được nghiên cứu. Cũng chính vì lẽ đó, các học giả và kiến trúc sư Việt Nam đã không có bất kỳ tác phẩm nào về thời kỳ kiến trúc này, mãi đến vài năm trở lại đây, các học giả Việt Nam mới bắt đầu nghĩ đến việc trình bày vấn đề này trước thế giới.

Quyển sách này ghi nhận thành tựu xuất sắc của người miền Nam trong việc phát triển một nền kiến trúc hiện đại Việt Nam độc đáo trên thế giới”. [Trích Lời nói đầu, trang 9]