Nhiều bố mẹ lo lắng khi thấy con đặt câu hỏi về giới tính, tình dục vì cho rằng trẻ chưa đủ lớn. Tuy nhiên, không bao giờ là quá sớm để bố mẹ trao đổi với con về chủ đề này.

Nói chuyện với trẻ về giới tính, tình dục ở mức độ phù hợp với nhận thức lứa tuổi của trẻ là một trong những cách tốt nhất bố mẹ có thể làm để bảo vệ con. Ảnh minh họa: INT
Nói chuyện với trẻ về giới tính, tình dục ở mức độ phù hợp với nhận thức lứa tuổi của trẻ là một trong những cách tốt nhất bố mẹ có thể làm để bảo vệ con. Ảnh minh họa: INT

Thực tế, tò mò về giới tính là điều bình thường và xuất hiện từ rất sớm. Chưa kể, trong bối cảnh hiện đại, trẻ dễ tiếp xúc với các thông tin (nhiều khi sai lệch) về giới tính, tình dục thông qua bạn bè, mạng xã hội. Như vậy, sự tham gia chủ động của bố mẹ vào việc giáo dục giới tính cho trẻ rất quan trọng. Điều này giúp trẻ hiểu rằng giới tính, tình dục là những phần lành mạnh của cuộc sống và có ý thức tự bảo vệ bản thân hơn. Nó cũng giúp trẻ tự tin, tin tưởng, sẵn sàng cởi mở với bố mẹ, đồng thời nuôi dưỡng những quan điểm lành mạnh, đúng đắn về tình dục.

Trong bài viết trên trang Psychology Today tháng 3/2022, tiến sĩ Elizabeth L. Jeglic, nhà tâm lý học lâm sàng kiêm giảng viên tâm lý Trường đại học John Jay (Mỹ) chuyên nghiên cứu về phòng chống bạo lực tình dục, nhận định việc nói chuyện với trẻ về giới tính, tình dục ở mức độ phù hợp với nhận thức lứa tuổi của trẻ là một trong những cách tốt nhất bố mẹ có thể làm để bảo vệ con và bố mẹ nên bắt đầu ngay từ khi trẻ hiểu ngôn ngữ.

Cory Silverberg, nhà giáo dục giới tính Canada kiêm tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng về giáo dục giới tính cho trẻ em thì cho rằng quá trình chia sẻ, dạy con về giới tính có thể bắt đầu sớm hơn, bằng cách đưa tên gọi chính xác của các bộ phận cơ thể và bộ phận sinh dục vào các hoạt động hằng ngày như tắm rửa.

Nhìn chung, bố mẹ có thể cung cấp thông tin về giới tính dựa trên khung sau:

0-2 tuổi:

Trẻ cần được học về cách gọi tên các bộ phận trên cơ thể. Khi gần hai tuổi, trẻ thường hay tự chạm vào bộ phận sinh dục, bố mẹ có thể giải thích với con rằng đó là điều chỉ nên làm khi ở trong phòng riêng kín đáo chứ không phù hợp để làm ở trước mặt người khác hoặc nơi công cộng.

2-5 tuổi:

Trẻ cần được học về ranh giới, tức là khi nào sự động chạm phù hợp hoặc không phù hợp. Đây là lúc bố mẹ nói với trẻ về việc không ai được chạm vào bộ phận sinh dục của con. Trẻ độ tuổi này cũng tò mò về cơ thể người khác nên bố mẹ cần giải thích cho trẻ rằng có một số bộ phận của người khác mà con không được chạm vào bao gồm các bộ phận sinh dục và bộ phận nhạy cảm. Đây là hướng dẫn cần thiết để trẻ học được cách tự bảo vệ mình và tôn trọng người khác.
Trẻ tuổi này có thể bắt đầu hỏi em bé được tạo ra như thế nào. Có nhiều cách để trả lời, tùy theo mức nhận thức của trẻ. Silverberg gợi ý nếu trẻ muốn nhiều thông tin, bố mẹ có thể nói: “Hai người lớn kết hợp cơ thể lại với nhau, chia sẻ trứng và tinh trùng để tạo ra một em bé giống con”. Với những chi tiết cụ thể hơn như trứng và tinh trùng gặp nhau như thế nào, phụ huynh hãy hẹn con giải đáp sau, khi bé lớn hơn. Tốt nhất là không nói dối và không từ chối câu hỏi.

6-8 tuổi:

Một chủ đề quan trọng trong giai đoạn này là khám phá Internet một cách an toàn. Bố mẹ cần thảo luận với trẻ về nguyên tắc khi nói chuyện với người lạ hoặc chia sẻ ảnh online, đồng thời hướng dẫn trẻ cách ứng phó với những tình huống như nhìn thấy một bức ảnh khiến con cảm thấy bất thường hoặc khó chịu. Chẳng hạn, nếu con thấy một bức ảnh khỏa thân thì việc con nên làm là báo với bố mẹ hoặc người lớn khác trong nhà.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên chuẩn bị tinh thần về việc con sẽ hỏi về các trang web có nội dung đồi trụy. Trong trường hợp này, bố mẹ hãy bình tĩnh và giải thích với trẻ rằng có những trang web dành riêng cho người lớn, mục đích để trẻ hiểu rằng có những trang web không phù hợp với trẻ.

Giai đoạn này là thời điểm trẻ khám phá kỹ hơn về cơ thể - bao gồm tự nhìn ngắm, động chạm cơ thể - nên cũng là lúc bố mẹ nhắc lại việc chỉ nên khám phá cơ thể khi ở chỗ riêng tư và sau đó vệ sinh sạch sẽ. Đừng ngại nhắc lại điều này vài lần để con nhớ và dần hiểu ra các giới hạn. Ví dụ, có những đứa trẻ cởi quần khoe bộ phận sinh dục với nhau ở lớp, khả năng cao là bố mẹ chưa từng nói với các em về việc chỉ nên khám phá cơ thể ở chỗ riêng tư, như phòng riêng ở nhà.

Tùy vào mức độ trưởng thành của con, bố mẹ có thể cân nhắc giải thích cho con về dậy thì, quan hệ tình dục và bản dạng giới.

9-12 tuổi:

Đây là độ tuổi đầy những sự thay đổi về cảm xúc và xã hội. Phụ huynh nên trò chuyện với con về suy nghĩ, thắc mắc, cảm nhận và sự thay đổi cơ thể của con. Bên cạnh đó, bố mẹ nên bình thường hóa chủ đề quan hệ tình dục an toàn. Các nghiên cứu chỉ ra thiếu niên đưa ra các quyết định tốt hơn sau khi biết rõ rủi ro, vì vậy bố mẹ đừng ngần ngại trao đổi về tình dục cũng như các biện pháp an toàn cùng cách sử dụng cơ bản của chúng.

Ngoài ra, ở giai đoạn này, trẻ thường được tự do sử dụng Internet hơn nên bố mẹ cần cùng trẻ xây dựng các quy tắc đảm bảo an toàn trên mạng. Hãy thẳng thắn, ví dụ nói với con rằng việc chia sẻ ảnh khỏa thân của con hoặc của các bạn là sai. Trước hết là sai về mặt pháp luật (ảnh có nội dung đồi trụy và đối tượng là trẻ em). Thứ hai, điều này khiến bản thân trẻ gặp nguy hiểm, có thể đẩy trẻ vào tình huống bị trêu chọc hoặc thậm chí tấn công tình dục.

Bố mẹ cũng có thể tiếp cận bằng cách hỏi con nghĩ thế nào là sử dụng mạng an toàn, sau đó giảng giải thêm cho con hiểu.

Từ tuổi thiếu niên, trẻ cần được chia sẻ về các mối quan hệ bạn bè và tình cảm, sự đồng thuận trong quan hệ tình dục và cách ra quyết định đúng.

Một số lưu ý khi nói chuyện với con về giới tính:

Tránh chỉ trích, đánh giá và khiến con thấy xấu hổ, kể cả khi câu hỏi con đặt ra nằm ngoài tưởng tượng của bạn.

Khi con đặt câu hỏi, hãy bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách tìm hiểu xem con nghe điều đó ở đâu, hoặc con đang hiểu vấn đề đó thế nào. Tiếp đến, chỉnh sửa những thông tin sai và cung cấp những thông tin chính xác. Cuối cùng, hãy chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ cá nhân của mình.
Diễn giải phù hợp với mức độ nhận thức để trẻ có thể hiểu được.

Câu trả lời không cần hoàn hảo, điều quan trọng là bạn thành thật. Nếu chưa biết trả lời con thế nào hoặc cảm thấy con chưa đủ khả năng để hiểu vấn đề, hãy bảo trẻ bạn sẽ giải đáp sau và nhớ quay lại khi nào phù hợp.

Tìm kiếm sự trợ giúp từ bạn bè hay người quen. Bạn cũng thể tham khảo sách vở và các nguồn tin trên Internet.

Cố gắng không trầm trọng hóa vấn đề. Hãy nhớ, các câu chuyện liên quan đến giới tính, tính dục cũng giống những câu chuyện khác.

Nếu nhận thấy bản thân biết cần nói gì với con nhưng không đủ thoải mái để chia sẻ, bố mẹ nên cân nhắc tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp để giải quyết những vấn đề tâm lý của chính mình.