Cuốn sách mới nhất của Ben Bernanke là một nỗ lực đánh giá nghiêm túc, có tính lịch sử về chính sách tiền tệ của Mỹ kể từ thập niên 1960 đến nay từ một nhân vật trung tâm, vừa là một nhà nghiên cứu rất kỹ lưỡng về lịch sử kinh tế Mỹ, vừa là người trực tiếp chịu trách nhiệm với các chính sách tiền tệ ở Mỹ.

Trong các nhà kinh tế Mỹ đương đại, rất hiếm ai có được những thành công toàn diện như Ben S. Bernanke. Thông thường trong sự nghiệp, đa số các nhà kinh tế đều muốn đạt được hai điều: một là thành công trong học thuật, được đồng nghiệp và học trò nể phục, có những đóng góp khoa học trong chuyên môn; hai là trở thành những chuyên gia, cố vấn hay nhà hoạch định chính sách kinh tế, giải quyết được những vấn đề có tính thực tiễn cho quốc gia và nhân loại. Hầu hết không đạt được cả hai, một số ít may mắn làm được một và chỉ có rất rất ít người làm được cả hai điều này trong đời.

Ben Bernanke thuộc về nhóm hiếm có đó. Trên phương diện chuyên môn, ông là chuyên gia hàng đầu thế giới về các cuộc khủng hoảng ngân hàng và tài chính và ông đã vinh dự nhận giải Nobel Kinh tế năm 2022 cho các công trình phân tích về Đại Khủng hoảng toàn cầu thập niên 1930. Hội đồng Giải thưởng Nobel nhận xét: “Ông đã cho thấy việc tháo chạy ở các ngân hàng là nhân tố chủ chốt khiến cho khủng hoảng trở nên sâu sắc và kéo dài. Khi các ngân hàng sụp đổ, những thông tin quý giá về người đi vay bị mất đi và không thể nhanh chóng được khôi phục. Năng lực của xã hội khi chuyển các khoản tiết kiệm tới các khoản đầu tư hữu ích do đó bị suy yếu nghiêm trọng.”

Nhưng Bernanke may mắn hơn đa số các đồng nghiệp ở tháp ngà khoa học khi ông còn là nhà hoạch định và thực thi chính sách. Ông làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) từ năm 2008 tới năm 2014. Chính trong giai đoạn này, Bernanke là người có vai trò quan trọng nhất trong việc điều hành nền kinh tế Mỹ, giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ thập niên 1930. Ông cùng đồng nghiệp đã thành công. Nhờ các chính sách tiền tệ hợp lý, nước Mỹ và thế giới đều không rơi vào tình trạng suy thoái sâu (depression): Tỉ lệ thất nghiệp lên tới đỉnh điểm chỉ là 10% vào năm 2009, so với 25% của năm 1933.

Trước công chúng, Bernanke trông giống một giáo sư hơn là một nhà lãnh đạo quyền lực. Ông để râu cằm, có chất giọng nhẹ nhàng và phong cách nói năng chậm rãi, chừng mực. Tuy nhiên, phong cách của ông là thứ có thể gây hiểu nhầm. Ông đã chứng tỏ bản thân là một vị Chủ tịch Fed táo bạo, sẵn sàng thực hiện những bước đi chưa từng có khi khủng hoảng xảy ra, với những hành động dứt khoát và sáng tạo tại các vùng xám trong thẩm quyền của Fed.

Chính sách tiền tệ thế kỷ 21 là cuốn sách mới nhất của Bernanke, được xuất bản ở Mỹ năm 2022, bảy năm sau cuốn hồi ký Dám hành động của ông. Trong cuốn sách mới này, ông điểm lại các chính sách tiền tệ của Mỹ trong 70 năm qua và đưa ra các nhận định về nhiệm kỳ của chính mình cũng như nhiệm kỳ của những người tiền nhiệm và kế nhiệm. Đây không phải là một cuốn sách dễ đọc với những giai thoại có tính cá nhân của một nhà lãnh đạo sau khi về hưu. Trái lại, cuốn sách này là một nỗ lực đánh giá nghiêm túc, có tính lịch sử về chính sách tiền tệ của Mỹ kể từ thập niên 1960 đến nay từ một nhân vật trung tâm, vừa là một nhà nghiên cứu rất kỹ lưỡng về lịch sử kinh tế Mỹ, vừa là người trực tiếp chịu trách nhiệm với các chính sách tiền tệ ở Mỹ trong giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế của nước này kể từ sau Thế chiến II. Cuốn sách cho phép người đọc đưa ra những đánh giá cùng với Bernanke và suy nghĩ về những bài học mà các nhà hoạch định chính sách ngày nay có thể rút ra.

Đề cập những nhà lãnh đạo Fed tiền nhiệm hay kế nhiệm trong cuốn sách mới nhất của mình, Bernanke không ngần ngại đưa ra những phê bình. Nguồn: Omega+
Đề cập những nhà lãnh đạo Fed tiền nhiệm hay kế nhiệm trong cuốn sách mới nhất của mình, Bernanke không ngần ngại đưa ra những phê bình. Nguồn: Omega+

Khi đề cập tới những nhà lãnh đạo Fed tiền nhiệm hay kế nhiệm, Bernanke không ngần ngại đưa ra những phê bình. Ông cũng đưa ra một số lời tự phê bình, bao gồm cả việc thừa nhận rằng bản thân mình đã không nhận ra nền kinh tế ở trên đà thoát khỏi suy thoái vào giai đoạn cuối của Đại Suy thoái. Bernanke cho rằng, nếu ông đọc đúng tình hình thì sự phục hồi kinh tế Mỹ lẽ ra đã có thể mạnh mẽ hơn.

Mặc dù vậy, Chính sách tiền tệ thế kỷ 21 là một câu chuyện thành công xứng đáng. Fed dưới thời Bernanke hoạt động tốt hơn nhiều so với trong các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, như Đại Khủng hoảng thập niên 1930 và các cú sốc dầu mỏ thập niên 1970. Sở dĩ như vậy là vì Bernanke cùng đồng nghiệp đã học được từ sai lầm của người đi trước và sẵn sàng có hành động mạnh mẽ, vượt qua rào cản của sự trì trệ trong hệ thống. Khác với người tiền nhiệm Greenspan có xu hướng đóng kín trước công chúng, Bernanke đề cao sự minh bạch và rõ ràng trong các chính sách tiền tệ. Ông yêu cầu Fed phải có trách nhiệm giải trình hành động của mình rõ ràng hơn với công chúng. Ông tổ chức các cuộc họp báo thường xuyên và công bố rộng rãi thông tin về các cuộc thảo luận của Fed, kể cả các ý kiến bất đồng với các thay đổi chính sách trong nội bộ. Ông cũng yêu cầu sử dụng những từ ngữ đơn giản để công chúng có thể hiểu rõ vấn đề hơn.

Những đánh giá thành công hay thất bại và những bài học trong chính sách tiền tệ của Mỹ trong 70 năm qua từ một chuyên gia như Bernanke chắc chắn là những kiến thức quý báu cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu kinh tế trên thế giới. Hơn thế, người đọc còn học được từ trong cuốn sách này những bài học về lãnh đạo trong những tình huống khó khăn, về các lựa chọn mà những nhà làm chính sách phải đưa ra trong bối cảnh thông tin không đầy đủ. Trong bối cảnh hệ thống tài chính của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, những bài học trong kinh nghiệm phòng chống và xử lý khủng hoảng tài chính ở Mỹ lại càng hết sức quan trọng.