Hơn 100 bức thư do người yêu, vợ, thành viên gia đình… viết cho các thủy thủ người Pháp từ 265 năm trước - nhưng đến tận bây giờ mới được mở ra, hé lộ những điều sâu sắc và ngọt ngào trong cuộc sống người Pháp giữa thế kỷ 18.

"Em có thể dành cả đêm để viết cho anh… Em mãi mãi là người vợ chung thủy của anh. Chúc ngủ ngon, người bạn đời yêu dấu. Đã nửa đêm rồi. Em nghĩ bây giờ em nên đi nghỉ".

Năm 1758, Marie Dubosc đã viết như vậy cho chồng mình, Louis Chambrelan, Đại úy đầu tiên trên con tàu chiến Galatée của nước Pháp. Cô không biết chồng mình đang ở đâu, cũng không biết việc con tàu ấy đã bị hải quân Anh bắt giữ. Louis không bao giờ nhận được lá thư của Marie và họ cũng không bao giờ được gặp lại nhau. Marie qua đời một năm sau đó, trước khi chồng cô được trả tự do.

Mực gần như đã phai, còn giấy chỉ ngả vàng nhẹ. Trong gần 250 năm, hơn 100 bức thư vẫn còn dấu niêm phong nằm trong Cục Lưu trữ Quốc gia Anh mà không được mở hay kiểm tra, cho đến khi có một vị giáo sư Lịch sử tình cờ phát hiện ra chúng.

Không giống như nhiều tài liệu khác cũng được viết trong thời kỳ đó, hầu hết các bức thư này được viết bởi phụ nữ - những người mẹ, vị hôn thê, chị em gái của các thủy thủ Pháp trên tàu chiến Galatée, bị hải quân Anh bắt giữ vào ngày 8/4/1758. Một số bức thư ghi lại câu chuyện về những người vợ trở nên héo mòn khi chồng mình ra chiến trận, một số khác trao đổi về chuyện tài chính của gia đình, về đứa con mới chào đời, hoặc bày tỏ sự oán trách vì những người thủy thủ không giữ liên lạc.

Renaud Morieux, Giáo sư Lịch sử châu Âu tại Đại học Cambridge, là người đã phát hiện các tập thư vào năm 2004, khi đang chủ trì một vài nghiên cứu tại Cục Lưu trữ Quốc gia ở Luân Đôn. Đầu tiên, Morieux tìm thấy chiếc hộp, ông đã hỏi một nhà lưu trữ ở đó rằng - liệu mình có thể kiểm tra bên trong chiếc hộp chỉ vì tò mò hay không? Bên trong chiếc hộp, Morieux phát hiện ba bó thư. Chỉ có ba lá thư trong số đó đã được mở, rất có thể là do một viên chức đã mở ra ngay khi hải quân Anh nhận được chúng từ Pháp, và người này hẳn đã cho rằng những lá thư không có gì đáng để xem xét thêm nên bỏ hết chúng vào kho, nơi chúng bị quên lãng tới gần 250 năm.

Morieux đã dành 5 tháng để nghiền ngẫm những lá thư trong các phong bao và dán tem sáp đỏ. Chữ viết nguệch ngoạc trên loại giấy chất lượng cao và thường có nhiều lỗi chính tả. Morieux công bố những phát hiện của mình vào đầu tháng 11 trên tạp chí học thuật Annales. Histoire, Sciences Sociales của Pháp - tức là gần 20 năm sau khi ông khám phá ra những bức thư.

"Tôi nhận ra mình là người đầu tiên được đọc những lá thư cực kì riêng tư này, kể từ khi chúng được viết ra. Những người nhận thực sự thì lại không có cơ hội đó" - Morieux nói - "Những lá thư ấy rất xúc động".

Những bức thư cung cấp bằng chứng mới và quý giá về phụ nữ và người lao động Pháp. "Em không thể đợi đến lúc được chiếm hữu anh", Anne Le Cerf viết cho chồng mình, một hạ sĩ quan trên tàu Galatée. Có lẽ ý cô ấy muốn nói là "ôm chặt", nhưng cũng ẩn ý là "làm tình với anh". Cô ký tên "Nanette, người vợ ngoan ngoãn của anh", một tên gọi đầy trìu mến.

"Những bức thư này nói về những trải nghiệm phổ biến của con người, chứ không chỉ có ở riêng nước Pháp hay trong thế kỷ 18" - Morieux chia sẻ, "Chúng hé lộ cách tất cả chúng ta đương đầu với những thử thách lớn trong cuộc sống. Khi chúng ta bị chia cắt khỏi những người thân yêu, bởi những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát như đại dịch, chiến tranh, ta buộc phải tìm ra cách để giữ liên lạc, để trấn an và chăm sóc mọi người, và để giữ vững tinh thần. Ngày nay, chúng ta có Zoom và WhatsApp. Ở thế kỷ 18, con người chỉ có những lá thư, nhưng những gì khi đó họ viết lại đem lại cảm giác rất quen thuộc".

Người nhận không phải là người duy nhất được đọc thư. Theo Morieux, rất nhiều người đã gửi thư dù không biết đọc hay viết, họ đọc nội dung mình muốn nhắn cho một người chép hộ.

Những bức thư từ năm 1758. Ảnh: The National Archives
Những bức thư từ năm 1758. Ảnh: The National Archives

Viết thư là một hoạt động phổ biến trong thế kỷ 18, đặc biệt là những bức thư tình gửi tới người ở xa vì chiến tranh. Rebecca Earle, Giáo sư Lịch sử tại Đại học Warwick, cho rằng bộ sưu tập thư này đặc biệt là bởi chúng đem đến một góc nhìn hiếm có về đời sống cá nhân của người Pháp trong thế kỷ 18.

"Thật sự rất khó để tiếp cận hệ thống cảm xúc trong các cuộc hôn nhân cũng như cuộc sống cá nhân của những con người bình thường trong quá khứ", Earle nói, "Rất khó để các nhà sử học nắm bắt được". Theo bà, những bức thư này đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy, phụ nữ ở thế kỷ 18 không phải lúc nào cũng ngại bày tỏ ham muốn tình dục của mình với đối phương.

Những lá thư đến muộn

Trong Chiến tranh Bảy năm (1756-1763), Pháp chỉ huy một số tàu tốt nhất thế giới lúc bấy nhưng lại thiếu thủy thủ giàu kinh nghiệm. Anh đã lợi dụng điều này bằng cách bỏ tù càng nhiều thủy thủ Pháp càng tốt trong suốt thời gian chiến tranh. Năm 1758, trong số 60.137 thủy thủ Pháp, một phần ba (19.632 người) bị giam giữ ở Anh. Có tất cả 64.373 thủy thủ Pháp đã bị cầm tù ở Anh trong thời gian diễn ra Chiến tranh Bảy năm.

Một số người chết vì bệnh tật và suy dinh dưỡng, nhưng nhiều người cũng đã được thả. Trong lúc đó, gia đình họ chờ đợi và cố gắng liên lạc, trao đổi tin tức không ngừng nghỉ.

Ông Morieux nói: "Những bức thư cho thấy con người đã giải quyết các khó khăn cùng nhau. Ngày nay, chúng ta sẽ cảm thấy không thoải mái khi viết một bức thư cho người vợ sắp cưới của mình mà biết rằng mẹ, chị, cô dì, hàng xóm sẽ đều đọc nó trước khi mình gửi thư đi, và nhiều người khác cũng sẽ đọc ngay khi họ cầm vào lá thư. Rất khó để chia sẻ cho một ai đó những gì mình thực sự nghĩ về họ - khi mà người khác vẫn đang liếc đọc qua vai mình. Sự cách biệt giữa riêng tư và tập thể thời đó khá mong manh".

Vào thế kỷ 18, việc gửi thư từ Pháp tới một con tàu - một mục tiêu liên tục di chuyển - vô cùng khó khăn và không có gì bảo đảm. Đôi khi người ta gửi cùng lúc nhiều bản sao của một bức thư tới các cảng khác nhau, với hy vọng chúng đến được tay thủy thủ. Nhiều người cũng yêu cầu gia đình của các thuyền viên đính kèm lời nhắn nhủ cho người thân của họ vào trong các bức thư. Morieux tìm thấy nhiều bằng chứng phong phú về "chiến lược" này trong những bức thư gửi đến con tàu Galatée - mà giống như số phận những bức thư khác, chúng đã không bao giờ đến được tay người nhận như mong muốn.

Năm 1758, tàu Galatée đang đi từ Bordeaux đến Quebec thì bị con tàu Essex của Anh bắt giữ và chuyển đến Portsmouth. Toàn bộ thủy thủ trên tàu bị bỏ tù, con tàu bị đem bán.

Cơ quan bưu chính của Pháp đã cố gắng chuyển những bức thư đến con tàu, gửi chúng tới nhiều cảng khác nhau ở Pháp, nhưng chúng được giao đến quá muộn. Khi biết tin con tàu bị bắt, họ lại chuyển các bức thư đến Anh, ở đó chúng được giao lại cho Bộ Hải quân ở London.

Morieux tin rằng các quan chức đã mở và đọc hai lá thư để xem chúng có giá trị quân sự nào không, rồi họ kết luận rằng những lá thư này chỉ toàn "chuyện gia đình", họ dừng lại và cất chúng vào kho.

Morieux đã xác định được cả 181 thành viên trên con tàu Galatée - từ những thủy thủ bình thường, thợ mộc, cho đến những sĩ quan cấp cao. Các bức thư được gửi đến ¼ trong số đó. Morieux tiến hành nghiên cứu phả hệ những người này, cũng như những người viết thư cho họ, để tìm hiểu thêm về cuộc sống của họ, ngoài những gì đã được tiết lộ trực tiếp từ trong các bức thư.

Căng thẳng trong gia đình

Những bức thư truyền tải tình yêu đôi lứa và (thường xuyên hơn là) tình cảm gia đình, nhưng cũng đem đến góc nhìn sâu sắc và hiếm hoi về những căng thẳng và cãi vã trong gia đình, trong bối cảnh chiến tranh và người nhà đi vắng lâu ngày. Ngày 27/1/1758, bà Marguerite - một người gần như mù chữ - gửi đi một lá thư do người khác ghi chép hộ, nhằm phàn nàn cậu con trai Nicolas Quensel, một thủy thủ trẻ đến từ Normandy.

"Vào ngày đầu tiên của năm, con đã viết thư cho vợ chưa cưới […] Dù thế nào, mẹ vẫn chúc con một năm mới hạnh phúc, tràn ngập những phước lành của thần linh. Mẹ nghĩ mẹ sắp xuống quan tài rồi, mẹ ốm đã hơn ba tuần nay. Cho mẹ gửi lời khen ngợi tới Varin [một thủy thủ cùng đoàn], có mỗi vợ cậu ấy là báo cho mẹ biết các tin tức về con".

Vài tuần sau, Marianne - vợ sắp cưới của Nicolas, viết một lá thư để "hướng dẫn" anh viết thư cho mẹ mình, làm một đứa con trai hiếu thảo và ngừng đặt cô vào tình thế khó xử. Trong thư Marianne viết: "Mây đen đã đi rồi, lá thư mà mẹ nhận được từ anh khiến bầu không khí nhẹ nhàng hơn".

Nhưng vào 7/3/1758, bà Marguerite lại tiếp tục gửi thư cho Nicolas để phàn nàn: "Con chẳng hề nhắc đến bố mình ở trong các bức thư. Việc này khiến mẹ rất buồn. Lần tới viết thư cho mẹ, làm ơn đừng quên bố con".

Morieux phát hiện ra, thực ra, người đàn ông đó là bố dượng của Nicolas, còn người bố ruột của anh đã qua đời.

"Đây hẳn là một cậu con trai không thích hoặc không thừa nhận người đàn ông này là bố mình" - Morieux nói, "Nhưng vào thời điểm đó, nếu mẹ bạn tái hôn, người chồng mới nghiễm nhiên trở thành bố của bạn. Không cần nói hẳn ra, Marguerite vẫn đang nhắc nhở con trai bà thể hiện sự tôn trọng với "bố của mình". Đây là những vấn đề gia đình phức tạp nhưng đồng thời rất quen thuộc".

Nicolas Quesnel sống sót sau khi bị giam giữ ở Anh, Morieux cũng khám phá ra rằng Nicolas đã gia nhập đoàn thủy thủ của một con tàu buôn nô lệ xuyên Đại Tây Dương vào những năm 1760.

Minh họa về thủy thủ người Pháp (trái) và sĩ quan hải quân (phải) trong thời kỳ này. Ảnh: New York Public Library Collection
Minh họa về thủy thủ người Pháp (trái) và sĩ quan hải quân (phải) trong thời kỳ này. Ảnh: New York Public Library Collection

Phụ nữ trong thời chiến

59% số thư có chữ ký của phụ nữ, đem đến những hiểu biết quý báu về trình độ đọc-viết, mạng lưới xã hội và các trải nghiệm của phụ nữ trong thời chiến.

"Những lá thư này đã phá vỡ quan điểm cũ kĩ rằng chiến tranh là chuyện của đàn ông", Morieux nói, "Trong khi đàn ông ra trận, phụ nữ điều hành kinh tế gia đình và đưa ra các quyết định kinh tế, chính trị quan trọng".

Thời kỳ này, hải quân Pháp điều khiển các tàu chiến bằng cách buộc những người đàn ông sống gần bờ biển phải phục vụ trong một năm, cứ mỗi 3-4 năm một lần. Nhiều thủy thủ Pháp đã bỏ trốn ngay khi cập cảng, hoặc nộp đơn xin được giải ngũ vì có chấn thương.

Chị gái của Nicolas Godefroy, một hoa tiêu tập sự, đã viết: "Nếu em rời đi để đến chỗ quần đảo, điều đó sẽ còn làm chị đau khổ hơn". Ý cô muốn nói đến Caribbean, nơi hàng nghìn thủy thủ châu Âu đã chết vì bệnh dịch trong thời kỳ này. Đồng thời, chị gái và mẹ của Nicolas Godefroy cũng từ chối nộp đơn xin giải ngũ cho anh, bởi họ sợ rằng cách này có thể gây phản tác dụng, khiến anh phải ở ngoài biển lâu hơn.

Thế nào là mù chữ?

Nghiên cứu của Giáo sư Morieux đòi hỏi một định nghĩa toàn diện hơn về cái gọi là "khả năng đọc và viết".

Theo ông, "con người có thể tham gia vào văn hóa viết mà không cần phải biết đọc hay biết viết. Hầu hết những người gửi thư kia đều nói với người ghi chép điều họ muốn chia sẻ, rồi sau đó lại nhờ người đọc to bức thư của mình lên. Người ghi chép cũng chỉ là một ai đó mà họ biết là có khả năng viết chứ không phải là người có trình độ. Giữ liên lạc, khi đó, là một nỗ lực của cả cộng đồng".

Nguồn: