Mới đây, một phụ nữ Úc đã được thả tự do sau 20 năm ngồi tù với bản án chỉ dựa trên các bằng chứng gián tiếp, buộc tội bà giết 4 đứa con.

Bà được xóa tội phần lớn là nhờ nỗ lực của nhà di truyền học Carola Vinuesa cùng các nhà khoa học khác đã thu thập chứng cứ di truyền giúp giải thích nguyên nhân gây ra cái chết của bốn đứa trẻ.

Kathleen Folbigg đã bị kết tội sau khi hai con trai và hai con gái của bà, tuổi từ 19 ngày đến 18 tháng, qua đời một cách bí ẩn ở nhà. Lời tuyên án có tội ban đầu chủ yếu dựa vào việc bốn đứa trẻ trong cùng một gia đình qua đời tự nhiên là điều ít khi xảy ra, và bên truy tố cho rằng những câu chữ mơ hồ trong nhật ký của Folbigg cho thấy bà bị cắn rứt lương tâm.

Sau 20 năm ngồi tù vì tội giết người và ngộ sát, Kathleen Folbigg đã được hưởng tự do nhờ các nhà khoa học thu thập chứng cứ cho thấy 4 đứa con của bà chết vì nguyên nhân tự nhiên. Ảnh: AP
Sau 20 năm ngồi tù vì tội giết người và ngộ sát, Kathleen Folbigg đã được hưởng tự do nhờ các nhà khoa học thu thập chứng cứ cho thấy 4 đứa con của bà chết vì nguyên nhân tự nhiên. Ảnh: AP

Nhà di truyền học Tây Ban Nha Caroloa Vinuesa bắt đầu tham gia vụ án vào năm 2018 khi bà đang làm nghiên cứu tại Úc và được một cựu sinh viên làm luật sư trong đội bào chữa liên lạc. Bản thân Vinuesa cũng là một người mẹ, và khi đọc bệnh án của những đứa trẻ đã chết, cô thấy cả bốn trường hợp đều có dấu hiệu bệnh tiềm ẩn như viêm đường hô hấp, một nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em. Trước đó một tháng, bà cùng đồng nghiệp mới phát hiện một đột biến gene có thể giải thích cái chết bí ẩn của bốn đứa trẻ trong một gia đình ở Macedonia.

Do Vinuesa biết rằng hơn 1/3 số trường hợp trẻ em qua đời đột ngột là do bệnh di truyền, bà nghĩ Folbigg có thể bị kết tội oan. Theo Vinuesa, xảy ra bốn cái chết trong một gia đình là điều rất không may, song đó không phải là điều hiếm khi xảy ra một cách tự nhiên, nhất là trong trường hợp có bệnh di truyền.

Kiểm tra mẫu DNA của Folbigg, các nhà nghiên cứu tìm thấy đột biến trong CALM2, gene mã hóa một protein tên là calmodulin. Việc protein này hoạt động sai có liên quan đến chứng loạn nhịp tim và các bệnh ở trẻ sơ sinh, đôi khi dẫn đến tử vong. Nếu đột biến này di truyền từ Folbigg sang các con thì có khả năng nó đã gây ra cái chết của chúng, nhất là khi bọn trẻ đã bị viêm nhiễm hay gặp các vấn đề sức khỏe khác.

Năm 2019, nhóm nghiên cứu kiểm tra mẫu máu sơ sinh từ hai con gái của Folbigg và thấy chúng bị di truyền đột biến trên. Số liệu từ các chuyên gia ngành tim cho thấy một gia đình khác có hoàn cảnh giống như Folbigg: một bà mẹ khỏe mạnh mang đột biến tương tự trong một gene khác mã hóa calmodulin, hai đứa con của cô đã bị nhồi máu cơ tim và một trẻ tử vong. Điều này cho thấy đột biến của Folbigg cũng có khả năng gây bệnh.

Nhà di truyền học lâm sàng Carola Vinuesa đã dành 5 năm cùng các nhà khoa học khác tìm hiểu xem 4 đứa con nhỏ của Kathleen Folbigg có phải đã chết vì nguyên nhân tự nhiên không. Ảnh: Viện Crick Francis
Nhà di truyền học lâm sàng Carola Vinuesa đã dành 5 năm cùng các nhà khoa học khác tìm hiểu xem 4 đứa con nhỏ của Kathleen Folbigg có phải đã chết vì nguyên nhân tự nhiên không. Ảnh: Viện Crick Francis

Vì tòa án cho rằng các số liệu này chưa đủ tính thuyết phục, Vinuesa và đồng nghiệp đã tiếp tục thu thập thêm các chứng cứ khoa học. Năm 2020, họ đã công bố nghiên cứu cho thấy đột biến ở CALM2 có thể gây bệnh và hai đứa con trai của Folbigg có đột biến ở một gene khác gây co giật tới chết ở chuột.

Theo đơn kiến nghị của các nhà khoa học có sự hậu thuẫn của Viện Hàn lâm Khoa học Úc, vụ án đã được xét xử lại và công tố viên đồng ý rằng có lí do chắc chắn để nghi ngờ việc Folbigg đã giết hại con mình. Nhờ vậy, Folbigg được thả tự do, và sắp tới có thể tòa án sẽ tuyên bố minh oan cho bà.

Vinuesa cho rằng, khoa học giờ đây có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc giải thích những cái chết bất ngờ và đáng nghi. Bên cạnh đó, cũng cần có các cơ chế để hỗ trợ quan tòa và luật sư các kiến thức chuyên môn,đặc biệt là khi họ không được đào tạo về khoa học.