Cộng tác viên Lương Ánh Nguyệt, nghiên cứu sinh ngành Khoa học thông tin ĐH Tokyo, chia sẻ những gì chị quan sát được về giáo dục đại học Palestine trong thời gian làm tình nguyện viên ở đó vào tháng Năm vừa qua và thử lý giải vì sao quốc gia này quyết tâm phát triển giáo dục đại học trong điều kiện ngặt nghèo.

Tôi bắt đầu lên kế hoạch đi tình nguyện ở Bờ Tây từ cuối năm ngoái. Trong lúc đợi thị thực thì tôi cân lên đặt xuống rất nhiều lựa chọn, vì ở Palestine có nhiều cơ hội tình nguyện ở các tổ chức phi chính phủ (NGO) địa phương rất hay.

Thành phố Nablus ở phía bắc Palestine nổi danh với món bánh knafeh là nơi tôi dành nhiều tình cảm, nên ban đầu tôi chọn một dự án cải tạo và hồi sinh các tòa nhà cổ trong phố cổ Nablus thành doanh nghiệp xã hội, do ba học giả Palestine tu nghiệp ở Bỉ khởi xướng. Sau khi nói chuyện một hồi, dù rất yêu thích mục đích cao cả của dự án và được các anh chị hứa hẹn cung cấp tài liệu để tìm hiểu sâu thêm về không gian công cộng ở Palestine, nhưng lịch trình không phù hợp khiến tôi phải ngậm ngùi từ bỏ.

Sau đó, tôi liên hệ đi dạy tiếng Anh cho Trung tâm Ngôn ngữ của ĐH Quốc gia An-Najah cũng ở Nablus. Đây là cơ hội học tập ngôn ngữ vào trao đổi văn hóa cho sinh viên bản địa. Nếu làm ở đó, tôi sẽ ăn ở cùng với các tình nguyện viên quốc tế khác và được sinh viên bản địa giúp đỡ hòa nhập cuộc sống. Lúc đó là tháng Ramadan, căng thẳng với quân đội và người Israel định cư trái phép ở Nablus cũng đã leo thang. Gần đến ngày khởi hành thì tôi đọc được nhiều tin bố ráp vào cả tận khu phố cổ. Cho dù cô điều phối trấn an: “Không sao đâu, quen rồi, cuộc sống vẫn phải diễn ra thôi”, nhưng tôi nhát quá nên xin với trường cho hủy. Dù không thành, nhưng hai dự án để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tôi về nỗ lực hội nhập toàn cầu của các cơ sở đại học và các trí thức Palestine.

Cuối cùng, tôi vẫn đến Bờ Tây, nhưng tham gia một dự án du lịch ở thành phố Jericho nằm gần quốc lộ 1 nối giữa Jerusalem và biển Chết, chạy sang tận Jordan. Tôi được bao bọc bởi rất nhiều người bạn Jericho lương thiện, trẻ trung, nhiệt huyết, đều trong độ tuổi đi học đại học hoặc mới tốt nghiệp. Tôi quan sát thấy đa số các bạn theo họckhối ngành quản trị kinh doanh, sức khỏe, công nghệ thông tin, ngôn ngữ Anh chiếm đại đa số, do khả năng kiếm việc làm thuận lợi hơn sau khi tốt nghiệp.

: Tòa nhà duy nhất trong khuôn viên ĐH Mở Al-Quds chi nhánh Jericho. Ảnh: LAN
Tòa nhà duy nhất trong khuôn viên ĐH Mở Al-Quds chi nhánh Jericho. Ảnh: LAN

Feras (tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi), 24 tuổi, học năm cuối ở một chi nhánh ĐH Mở Al-Quds, dẫn tôi đi thăm chi nhánh ở Jericho. Khuôn viên trường có đúng một tòa nhà. Tầng một là các phòng hành chính; tầng hai và ba là giảng đường, chỉ để sinh viên đến thi, việc học đa phần là trực tuyến. Trường tự xuất bản bộ giáo trình điện tử đủ các chuyên ngành, trình bày thông tin rõ ràng, dễ hiểu, tích hợp các công cụ tự đánh giá để các sinh viên với năng lực và trình độ khác nhau có thể tự học theo nhịp độ riêng của mình mà không cần sự hỗ trợ ngay lập tức của giảng viên. Nhiều người bạn Jericho của tôi đã học một năm đầu ở các trường khác nhưng cuối cùng lại chuyển về đây học để “nhẹ nhàng có tấm bằng”. Với sự thoải mái về mặt thời gian, các bạn đều vừa học vừa làm.

Để giải thích sự phổ biến của mô hình đại học mở này, chúng ta phải quay về năm 1994, khi Chính quyền Dân tộc Palestine non trẻ ra đời. Tại thời điểm đó, nâng cao dân trí và đào tạo nguồn lực trở thành vấn đề cấp bách. Để người trẻ trong độ tuổi lao động được tiếp cận các cơ hội giáo dục - đào tạo, với sự hỗ trợ của UNESCO, sáng kiến ĐH Mở Al-Quds ra đời - cung cấp đào tạo mở, từ xa, và tại chỗ - đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Cho đến nay, trường đã có 20 chi nhánh ở các thành phố trọng điểm trên lãnh thổ Palestine, gồm cả hai chi nhánh ở Dải Gaza.

ĐH Mở Al-Quds không có quá nhiều nguồn lực, nhưng nhờ các nỗ lực trong khuôn khổ Erasmus +, chỉ riêng trong 5 năm đầu triển khai, đã có 2.475 sinh viên và giảng viên từ các cơ sở đại học ở Palestine có cơ hội đi trao đổi từ 3-12 tháng ở châu Âu. (Feras bạn tôi cũng có cơ hội đi trao đổi 6 tháng ở Tây Ban Nha.) Để dễ hình dung, con số này là 2.856 từ Việt Nam hay 8.415 từ Israel [1]. Trong một buổi dẫn tôi đi Biển Chết, Feras đăm chiêu nhìn con đường thẳng tắp với cây cầu King Hussein lừng lững trước mặt, đi qua bên kia cầu là địa phận Jordan. Bạn bảo: “Đây là con đường duy nhất đi tới tự do của người Palestine”. Người Palestine ở Bờ Tây không có thẻ xanh của Israel nên không được sử dụng 3 sân bay quốc tế của nước này. Bởi vậy, muốn đi Tây Ban Nha, bạn phải đến trạm kiểm soát an ninh của Israel bên này cầu, nếu được cho qua là một thế giới khác mở ra.

 Cửa hàng Stars and Bucks trong khuôn viên ĐH Al-Quds, Đông Jerusalem. Đây là chuỗi café nổi tiếng ở Bờ Tây, nhái theo Starbucks. Ảnh: LAN Cửa hàng Stars and Bucks trong khuôn viên ĐH Al-Quds, Đông Jerusalem. Đây là chuỗi café nổi tiếng ở Bờ Tây, nhái theo Starbucks. Ảnh: LAN
Một tòa nhà của ĐH Al-Quds, Đông Jerusalem. Ảnh: LAN

Tìm mãi mới được một bạn học ở trường đại học khác, tôi lại bám chân bạn qua trường chơi. Sameer, 23 tuổi, không muốn học ở ĐH Mở ngay gần nhà mà theo học ngôn ngữ Anh ở ĐH Al-Quds phía Đông bức tường chia cắt Jerusalem. Al-Quds là cách gọi Jerusalem trong tiếng Ả rập. Là một đại học đa ngành định hướng nghiên cứu, đây có thể coi là một trong ba trường đại học danh giá nhất ở Palestine, cùng với ĐH Quốc gia An-Najah và ĐH Birzeit. Các sinh viên và giảng viên đều rất niềm nở hỏi thăm và trò chuyện với tôi, nói rằng Việt Nam là quốc gia có tình hữu nghị thân thiết với Palestine.

Khu tự học của sinh viên ĐH Al-Quds, Đông Jerusalem. Ảnh: LAN
Khu tự học của sinh viên ĐH Al-Quds, Đông Jerusalem. Ảnh: LAN

Gần cuối chiều khi định ra về thì chúng tôi thấy một nhóm sinh viên xôn xao, hóa ra xe tăng của Israel đi xịt hơi cay ở bên này bức tường để thị uy. Đứng ở cổng trường chỉ cần nhìn qua đồi là thấy xe tăng bắn chỉ thiên rồi dừng lại nạp thêm nhiên liệu. Trống ngực tôi đập thình thịch, nhưng trừ nhóm sinh viên đó thì phần đông còn lại có vẻ bình thản. Từ ngày “bức tường an ninh” được Israel xây dựng ở Jerusalem, hoạt động của trường gặp nhiều khó khăn. Còn gì đáng buồn hơn việc bị xe quân đội vũ trang đi xịt hơi cay lại trở thành "new normal" (bình thường mới)?

Cửa hàng Stars and Bucks trong khuôn viên ĐH Al-Quds, Đông Jerusalem. Đây là chuỗi café nổi tiếng ở Bờ Tây, nhái theo Starbucks. Ảnh: LAN
Cửa hàng Stars and Bucks trong khuôn viên ĐH Al-Quds, Đông Jerusalem. Đây là chuỗi café nổi tiếng ở Bờ Tây, nhái theo Starbucks. Ảnh: LAN

Người Palestine nếu không tự lái xe thì không còn phương tiện di chuyển nào ổn định. Chủ yếu họ đi chung taxi, hoặc rẻ nhất là minivan. Chúng tôi đi 40 cây số từ Jericho đến ĐH Al-Quds tốn 10 shekels là khoảng 60.000 VND/người. Minivan chỉ khởi hành khi có đủ số người tối thiểu. Nếu 8-9 giờ sáng mà xe vẫn chưa đủ người, hoặc đi qua trạm kiểm soát an ninh của Israel mà không được cho qua, thì buổi đó bạn tôi phải nghỉ học. Trong lúc thất thểu ngồi đợi xe đủ người ở trước cổng trường, nhìn các sinh viên đi qua lau nước mắt giàn giụa vì hơi cay, tôi mới hiểu thêm tại sao nhiều người chọn học ở các đại học mở ở địa phương. Israel kiểm soát các tuyến đường chính chia cắt đất Palestine, khiến việc đi lại giữa các thành phố rất khó khăn. Việc đi học xa nhà là không thiết thực, mất nhiều thời gian và có thể nguy hiểm đến cả tính mạng.

Sự tăng cường kiểm soát của Israel ở địa phận Palestine trước hết ảnh hưởng trực tiếp đến sinh viên và giảng viên bản địa, đồng thời cản trở những nỗ lực quốc tế hóa của các đại học. Từ cuối 2022, Israel thông qua luật mới hạn chế số lượng sinh viên nước ngoài, học giả, và chuyên gia đến học tập và giảng dạy tại Palestine [2]. Điều đó có nghĩa là các chương trình trao đổi truyền thống - như PAS (Palestine and Arabic Studies Program) của ĐH Birzeit, một chương trình học tiếng Ả Rập rất nổi tiếng, được công nhận và tính tín chỉ, cho sinh viên quốc tế đến trải nghiệm ngôn ngữ Ả rập và văn hóa Palestine - gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Trong bối cảnh đó, các trường phải tìm đến các hình thức khác. Kể cả từ trước đại dịch COVID-19, nhiều trường đại học ở Palestine đã chuyển sang giảng dạy trực tuyến, sử dụng hoàn toàn hay một phần các nền tảng trực tuyến như Moodle và Zoom. Một ví dụ là bắt đầu từ tháng Hai năm nay, hai đại học của Brazil và hai đại học của Palestine hợp tác triển khai khóa học trực tuyến về lịch sử Palestine, "thảm họa" Nakba 1948, Jerusalem, người tị nạn Palestine, và vấn đề Gaza bằng tiếng Anh và hoàn toàn miễn phí [3]. Đây chỉ là bước đầu thử nghiệm, các học giả từ cả hai phía hy vọng sáng kiến này sẽ trở thành các khóa học thường xuyên hơn cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Số lượng công bố quốc tế trong giai đoạn 1994-2022 từ các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu ở Palestine theo cơ sở dữ liệu Scopus. Nguồn: Scopus
Số lượng công bố quốc tế trong giai đoạn 1994-2022 từ các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu ở Palestine theo cơ sở dữ liệu Scopus. Nguồn: Scopus

Trong thời kỳ chiếm đóng của Israel những năm 1970, các mô hình đại học hiện đại ra đời như một nỗ lực tập thể của người Palestine nhằm bảo tồn bản sắc dân tộc cũng như mang đến cho những người Palestine trẻ tuổi cơ hội theo đuổi giáo dục đại học, khi mà việc ra nước ngoài để học ngày càng trở nên khó khăn. Giáo dục đại học chỉ thật sự mở rộng từ sau khi Chính quyền Quốc gia Palestine PNA thành lập sau Hiệp định Oslo năm 1990. Bất chấp điều kiện kinh tế và chính trị khó khăn, các trường đại học Palestine vẫn tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Dù phần lớn trong số hơn 50 cơ sở giáo dục đại học của Palestine còn tương đối trẻ, World Bank ước tính tỷ lệ nhập học đại học và cao đẳng (GER) của nhóm tuổi 18-24 năm 2019 lên tới 43,2% với gần 220.000 sinh viên - một con số cao so với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là so với các nước ở Trung Đông và các nước đang phát triển nói chung. Một phần nhờ sự trở về của nhiều trí thức Palestine sau khi tu nghiệp ở nước ngoài, đã tác động rõ rệt đến sự phát triển nguồn nhân lực và các hoạt động nghiên cứu. Theo cơ sở dữ liệu Scopus, số lượng công bố quốc tế từ các cơ sở giáo dục ở Palestine tăng theo cấp số nhân trong vòng 10 năm trở lại đây.
Trong tiếng Ả rập có cụm từ زيتونة تنمو في الجفاف, ngụ ý cây ô-liu mọc trong điều kiện khô cằn. Đây là một biểu tượng xuyên suốt trong văn hóa và đời sống Palestine. Giáo dục đại học Palestine cũng vậy, giống như cây ô-liu mọc giữa sa mạc - một ẩn dụ mạnh mẽ về sự bền bỉ và thịnh vượng, bất chấp những thách thức và khó khăn.