"Các thành tố gia đình: Giới tính, chính quyền và xã hội ở Việt Nam thời kỳ Cận đại, 1463-1778" của Trần Tuyết Nhung là một trong những công trình tiên phong tập trung vào mối quan hệ giới trong các liên hệ với gia đình, xã hội và nhà nước.

Việt Nam thời kỳ 1463-1778 đầy những biến động chính trị xã hội: từ giai đoạn thịnh trị đời Hồng Đức, thắng lợi tất yếu của quá trình Nam tiến, cho đến những suy vi hỗn loạn của cuộc đối đầu Nam - Bắc Triều, Trịnh - Nguyễn phân tranh,... và cả những tương tác đầu tiên và lâu dài với các thế lực phương Tây, trước khi kết thúc bằng cơn bão táp khởi nghĩa Tây Sơn.

Không thiếu những nghiên cứu và chuyên khảo xuất sắc về ba thế kỷ sôi động này, nhưng nghiên cứu của Trần Tuyết Nhung có thể được xem là một trong những công trình tiên phong tập trung vào mối quan hệ giới trong các liên hệ với gia đình, xã hội và nhà nước. Trên tất cả, công trình này cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về hệ thống giới Việt Nam trong lịch sử, mà quan trọng nhất là những quan điểm và thúc ép của triều đình phong kiến về vai trò suốt đời (và cả sau khi qua đời) của một phụ nữ điển hình.

Tác giả Trần Tuyết Nhung
Tác giả Trần Tuyết Nhung. Nguồn: CSEAS

Như chính tác giả nhận định, cuốn sách thách thức các quan điểm truyền thống của phần lớn học giả về bản chất mối quan hệ giới trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XV-XVIII. Hầu hết các học giả như Yu Insun hay Tạ Văn Tài thường thống nhất đây là “thời kỳ tự chủ vàng son” của phụ nữ, cũng như tồn tại “sự bình đẳng giới” tương đối trong xã hội Việt Nam (tr.19).

Cả Yu Insun lẫn Tạ Văn Tài đều coi Quốc triều Hình luật (Luật Hồng Đức) thời Lê Sơ là biểu trưng rõ nét nhất cho đặc tính bản địa Đông Nam Á trong xã hội Việt Nam, với yếu tố liên quan đến vai trò và quyền bình đẳng của phụ nữ.

Yu cũng nhấn mạnh trong nghiên cứu của mình, việc luật Hồng Đức cho phép quyền bình đẳng kế thừa của người phụ nữ đã đưa xã hội Việt Nam khác biệt với các xã hội phụ hệ Đông Á.

Quan điểm dựa trên Luật Hồng Đức này đã được Trần Tuyết Nhung xem xét và phản bác. Xuyên suốt cuốn sách, tác giả chứng minh một thực tế khác: Chính các luật tục địa phương, chứ không phải vương pháp triều đình, mới là yếu tố chủ đạo quyết định quyền tự quyết, vai trò và ảnh hưởng của phụ nữ trong xã hội Việt Nam.

Theo tác giả, các luật từ Hồng Đức thiện chínhcho đến Quốc triều Hình luật và những sắc chỉ bổ sung bởi nhà Mạc lẫn chính quyền Lê-Trịnh đều củng cố quan điểm triều đình đã nỗ lực áp đặt các khuôn mẫu Tân Nho giáo [1] thông qua luật pháp nhằm duy trì trật tự chính trị và bảo vệ các nguyên tắc phụ hệ. Bởi vậy, cái Quốc triều Hình luật hướng đến không phải là đảm bảo một số quyền bình đẳng cho người phụ nữ, thay vào đó, nó củng cố quyền lực của người đàn ông, ưu thế của phụ hệ để triều đình có thể đảm bảo nguồn thuế khóa và lao dịch trong xã hội.
Trên nền cảnh xem xét ảnh hưởng của Tân Nho giáo đến hệ thống giới ở Việt Nam, tác giả đưa ra các câu hỏi liên quan đến sự giao thoa giữa hai luồng ảnh hưởng Đông Á và Đông Nam Á; giới hạn quản lý của triều đình trung ương với địa phương; đô thị với làng xã; cũng như tại các vùng trung tâm và ngoại vi.

Công trình của TS Trần Tuyết Nhung vừa được ấn hành bởi Omega+ và NXB Phụ nữ. Nguồn: Omega+
Công trình của TS Trần Tuyết Nhung vừa được ấn hành bởi Omega+ và NXB Phụ nữ. Nguồn: Omega+

Chúng tôi đồng ý với tác giả là mặc dù triều đình phong kiến Lê Sơ, Mạc cho đến Lê-Trịnh luôn tìm cách hướng xã hội Việt Nam theo các điển phạm Tân Nho giáo, nhưng chủ trương và thực tế không phải lúc nào cũng tương thích với nhau. Trong kinh tế nông nghiệp và đặc biệt là thương nghiệp, vai trò của phụ nữ luôn nổi trội hơn trong xã hội. Nếu như vai trò của người phụ nữ trong kinh tế nông nghiệp có thể chưa được đánh giá cao ở nửa sau thế kỷ XV (thời kỳ thái bình thịnh trị), thì bắt đầu từ thế kỷ XVI tình trạng đó đã dần thay đổi.

Trần Tuyết Nhung giải thích rằng sự đi lên của vai trò người phụ nữ trong xã hội bắt nguồn từ những đứt gãy trong trật tự xã hội và giới truyền thống. Đầu tiên, các cuộc loạn lạc liên miên giữa các tập đoàn quân sự phong kiến, từ chiến tranh Nam Bắc Triều (1533-1593), cuộc bình ổn bạo loạn Đàng Ngoài, trấn áp các thế lực nhà Mạc ở Cao Bằng cho đến nội chiến giữa họ Trịnh ở Đàng Ngoài với thế lực họ Nguyễn Đàng Trong khiến nam giới phải tham gia quân đội và lao dịch liên miên, bỏ bê việc đồng áng. Đó là điều kiện cho việc phụ nữ bắt đầu gia tăng ảnh hưởng và vai trò của mình trong sản xuất nông nghiệp, chưa kể đến hoạt động buôn bán vốn bị các Nho sĩ (là nam giới) khinh thường.

Kế đến, quyền lực kinh tế đi lên đã kết hợp với các giới hạn đạo đức được triều đình áp đặt trong việc phụ nữ dần can dự vào hệ thống chính trị làng xã một cách gián tiếp, từ việc bảo trợ cho xây dựng các công trình công ích cho đến việc giành lấy các danh hiệu "hiền đức", "trung trinh" và "tiết hạnh", rồi cuối cùng là chức hậu thần - hậu phật nhằm đảm bảo nén hương sau khi mất. Thông qua việc bầu bán chức hậu và những danh hiệu đức hạnh chỉ dành cho những góa phụ Nho gia biết giữ gìn phẩm giá, thủ tiết thờ chồng, những người phụ nữ này có thể làm những nhân tố tự do trong một xã hội nặng tính phụ quyền, được bảo vệ bởi chính triều đình và chính quyền địa phương. Dù điều này chắc chắn có những thách thức nhất định, nhưng nghiên cứu của Trần Tuyết Nhung cũng chỉ ra rằng loạn lạc và chiến tranh liên tục trong ba thế kỷ từ XVI-XVIII là cơ hội duy nhất cho phép người phụ nữ nắm quyền quản lý các hoạt động kinh tế, đất đai và tài sản của gia đình khi nam giới vắng mặt.

Không gian nghiên cứu của Trần Tuyết Nhung dàn trải trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, dù dưới một triều đại thống nhất (Lê Sơ) cho đến những phân rã và cát cứ (Nam - Bắc Triều, Đàng Trong - Đàng Ngoài). Trọng tâm chính của cuốn sách thực tế tập trung vào không gian miền Bắc Việt Nam (chủ yếu từ Đà Nẵng trở ra - trùng với lãnh thổ triều Lê Sơ trước sự kiện 1471), và nhấn mạnh đặc biệt vào khu vực trung tâm đồng bằng sông Hồng - cơ sở chính của các triều đại Lê Sơ, Mạc và Lê-Trịnh.

Lựa chọn này không có gì khó hiểu. Trước tiên, khu vực Bắc Việt Nam (hoặc Đàng Ngoài nếu tính từ sông Gianh trở ra Bắc) luôn là nơi tập trung các làng xã và thiết chế chính trị-xã hội truyền thống nhất của Việt Nam. Nguồn tư liệu tại đây cũng rất phong phú và đa dạng, bao gồm: các bộ sử biên niên được triều đình biên soạn, các văn bản, sắc chỉ, quyết định của triều đình, cho đến các bộ địa chí, sắc phong, hương ước, gia phả, văn bia,... Chưa kể đến, sự đối kháng giữa hai luồng tư tưởng trung ương và địa phương, giữa thượng tầng và hạ tầng, giữa văn hóa cung đình và dân gian,... luôn tồn tại và dễ dàng quan sát thấy. Những khác biệt này đặc biệt rõ nét trong ba thế kỷ "suy vi", khi quyền lực trung ương suy yếu và các thế lực địa phương có điều kiện trỗi dậy mạnh mẽ. Những đứt gãy trong trật tự xã hội và giới tại đây cũng rõ nét, khiến cho bản thân triều đình phải thừa nhận thực tế: những khuôn mẫu đạo đức cho nữ giới chỉ có thể dành cho những người đến từ tầng lớp trung lưu trở nên (vốn có điều kiện học tập và thực hành các điển chế Tân Nho giáo); còn đối với tầng lớp thấp hơn, phụ nữ được tự do hơn trong các quyết định của mình, dù phải chịu những quy định của địa phương hơn là chỉ thị của triều đình.

Có thể nói, công trình của Trần Tuyết Nhung là một nghiên cứu đầy ấn tượng, xuất sắc trong việc khái quát hóa bức tranh về hệ thống giới trong nhiều thế kỷ của lịch sử Việt Nam. Vai trò và ảnh hưởng của người phụ nữ Việt Nam truyền thống cũng được Trần Tuyết Nhung mô tả, phân tích và đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở sử dụng kết hợp nhiều nguồn tư liệu đa dạng và phong phú.


TS Trần Tuyết Nhung hiện là Phó giáo sư ngành Lịch sử tại Đại học Toronto, Canada. Bà tốt nghiệp bậc tiến sĩ tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ) với đề tài mà về sau được xuất bản dưới nhan đề
Familial Properties: Gender, State, and Society in Early Modern Vietnam, 1463–1778 (2018), đến nay có bản dịch tiếng Việt là Các thành tố gia đình. Đây là công trình tổng hợp đầu tiên bằng tiếng Anh về lịch sử phụ nữ Việt Nam giai đoạn sơ kỳ cận đại. Hướng nghiên cứu hiện tại của bà là lịch sử tư tưởng nhận thức về tài sản qua tư liệu Việt và Chăm; và lịch sử thư tịch Phật giáo và Thiên chúa giáo tại Việt Nam.


[1] Tân Nho giáo, hay còn gọi là Tống Nho, là một trường phái tư tưởng Nho giáo nổi lên từ thời Tống ở Trung Quốc, ảnh hưởng đến Việt Nam từ thế kỷ XIV. Đây là một triết lý đạo đức, đạo lý và siêu hình nhằm loại bỏ các yếu tố thần bí của Đạo giáo và Phật giáo vốn ảnh hưởng đến Nho học sau thời Hán.