Edwin Howard Armstrong là một trong những nhà phát minh thiên tài người Mỹ trong thế kỷ 20. Ông đã sáng chế ra hệ thống biến điệu tần số dải rộng để truyền tải sóng vô tuyến, đặt nền móng cho hoạt động của đài FM hiện nay.

Edwin Howard Armstrong (1890 –1954). Ảnh: Radio Hall Of Fame.
Edwin Howard Armstrong (1890 –1954). Ảnh: Radio Hall Of Fame.

Edwin Howard Armstrong sinh ra tại thành phố New York, Mỹ, vào ngày 18/12/1890. Ngay từ năm 14 tuổi, ông đã tìm hiểu về các thí nghiệm truyền sóng vô tuyến xuyên Đại Tây Dương của Guglielmo Marconi và mong muốn trở thành một nhà phát minh vĩ đại.

Armstrong bắt đầu tìm tòi và chế tạo các thiết bị không dây tự chế khi còn là một thiếu niên, và khi là một học sinh trung học, ông đã dựng một cột ăng-ten trên bãi cỏ phía trước nhà để nghiên cứu công nghệ không dây. Sau nhiều lần thí nghiệm, ông nhanh chóng nhận ra một vấn đề: không có thiết bị nào tồn tại vào thời điểm đó có khả năng khuếch đại tín hiệu yếu ở đầu nhận của đường truyền liên lạc, cũng như không có cách nào tạo ra công suất mạnh hơn ở đầu gửi.

Sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo học ngành kỹ thuật điện tại Đại học Columbia, nơi ông tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về công nghệ không dây.

Trong năm học thứ ba tại Đại học Columbia, Armstrong đã thực hiện một sáng chế mang tính đột phá, đó là bộ khuếch đại sóng vô tuyến đầu tiên. Dựa theo nguyên lý hoạt động của ống chân không ba điện cực do một nhà phát minh người Mỹ khác tên là Lee de Forest chế tạo, Armstrong đã thiết kế lại thiết bị này bằng cách thu sóng điện từ phát ra từ đường truyền vô tuyến và đưa tín hiệu quay trở lại liên tục qua ống. Mỗi lần như vậy, công suất của tín hiệu sẽ tăng lên tới 20.000 lần trong một giây.

Armstrong gọi bộ khuếch đại sóng vô tuyến của mình là “mạch tái sinh”. Đây là một sáng chế cực kỳ quan trọng trong những ngày đầu của đài phát thanh. Với sự phát triển này, các kỹ sư không còn cần đến máy phát khổng lồ nặng tới 20 tấn để đưa đài phát thanh của họ lên sóng nữa. Thiết kế mạch đơn của Armstrong nhanh chóng trở thành nền tảng cho bộ phát sóng liên tục, là thành phần cốt lõi của nhiều thiết bị vô tuyến điện ngày nay.

Armstrong tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư điện vào năm 1913. Ông đã đăng ký bằng sáng chế cho bộ khuếch đại sóng vô tuyến của mình và cấp phép cho Tập đoàn Marconi sử dụng vào năm 1914.

Ngay sau khi tốt nghiệp, Armstrong đã tới Paris để phục vụ cho quân đội Mỹ trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Vào khoảng thời gian này, ông tiếp tục có một sáng chế quan trọng thứ hai – gọi là máy thu đổi tần – sau khi ông tham gia vào một dự án nhằm cải thiện khả năng đánh chặn thông tin liên lạc bằng sóng ngắn của kẻ thù. Máy thu đổi tần là bộ phận không thể thiếu của các bộ thu sóng trong đài phát thanh, tivi và radar hiện đại ngày nay.

Năm 1920, tập đoàn Westinghouse mua lại bằng sáng chế máy thu đổi tần của Armstrong và bắt đầu thành lập đài phát thanh đầu tiên của quốc gia ở Pittsburgh mang tên KDKA. Đài phát thanh ngày càng trở nên phổ biến, và ngày càng có nhiều đài phát sóng được thành lập.

Không lâu sau, tập đoàn điện tử và phát thanh truyền hình The Radio Corporation of America (RCA) của Mỹ đã tìm cách mua lại tất cả các bằng sáng chế radio của Westinghouse, cũng như bằng sáng chế của các đối thủ cạnh tranh khác.

Lúc đó, Armstrong đã trở lại Đại học Columbia với tư cách là một giáo sư. Năm 1923, ông kết hôn với Marion MacInnes, thư ký của Chủ tịch RCA, David Sarnoff. Đến cuối thập niên 1920, ông bị lôi kéo vào một cuộc chiến giữa các công ty để giành quyền kiểm soát các bằng sáng chế liên quan đến đài phát thanh. Vụ kiện tiếp tục kéo dài cho đến đầu những năm 1930, và Armstrong đã thất bại trong hầu hết các cuộc chiến pháp lý tại tòa án.

Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tạp âm trong đài phát thanh. Ông đã quyết định giải quyết vấn đề bằng cách thiết kế một hệ thống hoàn toàn mới. Năm 1933, ông sáng tạo ra hệ thống biến điệu tần số dải rộng (FM), cho khả năng thu sóng rõ ràng ngay cả khi có bão và cung cấp âm thanh có độ trung thực cao nhất từng nghe được trên đài phát thanh. Hệ thống này cũng cho phép một sóng mang duy nhất truyền hai chương trình radio cùng một lúc [sóng mang là sóng vô tuyến dùng để tải các thông tin] – một kỹ thuật gọi là “ghép kênh”.

Trước khi FM ra đời, tất cả các đài phát thanh đều hoạt động dựa trên công nghệ điều biến biên độ, hoặc AM. Đài AM thường bị nhiễu tín hiệu do dông bão và các thiết bị điện khác ở gần.

Năm 1934, Armstrong trình bày thành tựu nghiên cứu mới nhất của mình cho các nhà quản lý của RCA. Ông đã chứng minh sức mạnh của đài FM bằng cách sử dụng một ăng-ten phát sóng trên đỉnh Tòa nhà Empire State. Đáng tiếc là RCA quyết định không đầu tư vào công nghệ này, thay vào đó tập trung vào lĩnh vực phát sóng truyền hình.

Nhưng Armstrong đã không mất niềm tin vào sáng chế của mình. Ông tiếp tục cải tiến và thúc đẩy công nghệ đài FM bằng cách hợp tác với các công ty nhỏ hơn như General Electric, sau đó trình bày kết quả nghiên cứu với Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC).

Khác với các nhà lãnh đạo của RCA, những người tham dự buổi thuyết trình của Armstrong tại FCC rất ấn tượng với màn trình diễn của ông. Khi ông phát cho họ nghe một bài nhạc jazz qua đài FM, họ đã vô cùng ngạc nhiên bởi mức độ trong trẻo và rõ nét của âm thanh.

Năm 1940, Armstrong được cấp phép hoạt động cho đài FM đầu tiên do ông xây dựng tại Alpine, New Jersey. Tuy nhiên, sự bùng nổ của Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đã hạn chế các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống phát sóng vô tuyến mới. Cùng lúc đó, việc tập đoàn RCA vẫn đang sử dụng đường truyền AM cũng ngăn đài FM phát triển. Cho đến khi chiến tranh kết thúc, công nghệ này mới giành được sự ủng hộ của công chúng và trở nên phổ biến. Các nhạc sĩ bắt đầu quan tâm nghiêm túc đến đài FM, và nhạc trưởng nổi tiếng người Anh Leopold Stokowski đã thúc giục việc áp dụng công nghệ này để phát sóng trực tiếp các buổi hòa nhạc.

Trong suốt sự nghiệp, Armstrong sở hữu tổng cộng 42 bằng sáng chế. Năm 1941, Viện Franklin trao tặng cho ông Huân chương Franklin, một trong những danh hiệu cao quý nhất của cộng đồng khoa học.

Sau nhiều năm đấu tranh không thành công với các tập đoàn khổng lồ đang kiếm lợi từ các bằng sáng chế của mình, Armstrong đã tự sát vào năm 1954. Vợ ông tiếp tục chiến đấu với các vụ kiện pháp lý của Armstrong, và bà đã giành được hàng triệu USD tiền bồi thường trong vài năm sau đó.

Cuối những năm 1960, nhiều người đánh giá FM là một hệ thống vô tuyến ưu việt, thậm chí Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NAS) đã sử dụng đường truyền FM để liên lạc với các phi hành gia khi họ ở trong không gian. Ngày nay, công nghệ FM vẫn được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới cho hầu hết các hình thức phát sóng âm thanh.