Burçin Mutlu-Pakdil, nhà vật lý thiên văn người Thổ Nhĩ Kỳ, đã phát hiện ra một loại thiên hà mới, cực kỳ hiếm gặp, ngày nay thường được gọi là Thiên hà Burçin.

Công trình của cô đã cung cấp mô tả đầu tiên về một thiên hà với hai vòng tròn chứa các ngôi sao có tuổi đời khác nhau, thách thức những lý thuyết và giả định hiện tại về quá trình các thiên hà hình thành và phát triển.

Nhà vật lý thiên văn Burçin Mutlu-Pakdil trình bày bài diễn thuyết trong sự kiện TED2018 ở Vancouver, Canada. Ảnh: Ryan Lash.
Nhà vật lý thiên văn Burçin Mutlu-Pakdil trình bày bài diễn thuyết trong sự kiện TED2018 ở Vancouver, Canada. Ảnh: Ryan Lash.

Vượt qua định kiến xã hội

Khi còn là một đứa trẻ, Burçin Mutlu-Pakdil đã thích ngắm nhìn những vì sao trên bầu trời đêm. Nhưng cô không thể ngờ rằng, nhờ vào tài năng khoa học của mình, một thiên hà nằm cách Trái đất 359 triệu năm ánh sáng một ngày nào đó sẽ được đặt theo tên của cô.

Niềm đam mê của Burçin đối với thiên văn học nảy sinh khi cô phải chuẩn bị một bài tập ở trường cấp hai với nội dung: Hãy viết về một người mà bạn cảm thấy thú vị. “Tôi đã hỏi ý kiến chị gái về việc nên chọn ai cho bài tập của mình và chị ấy đã gợi ý Einstein, bởi vì ông ấy là một trong những người thông minh nhất thế giới”, Burçin kể. Cô ngay lập tức lao vào đọc các tài liệu về vật lý và trở nên mê mẩn với việc tìm hiểu vũ trụ. Tuy nhiên, cô đã gặp nhiều trở ngại khi quyết định theo học chuyên ngành vật lý tại Đại học Bilkent.

Đầu tiên, Burçin phải chuyển từ thành phố quê hương Istanbul đến Ankara. “Mặc dù gia đình ủng hộ quyết định của tôi và khuyến khích tôi theo đuổi đam mê của mình, nhưng bạn bè và họ hàng lại nói rằng con gái không nên rời xa nhà đi học”, Burçin cho biết.

Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi cô là một trong số ít sinh viên nữ trong lớp.

“Là một phụ nữ học vật lý, tôi cảm thấy mình như người ngoài cuộc, phải tự mình học cách không quan tâm đến những lời bình luận ác ý và chỉ tập trung vào đam mê của mình”, Burçin chia sẻ. Ngoài ra, phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ không được phép đội khăn trùm đầu (hijab) ở trường vào thời điểm cô học đại học – mặc dù hiện nay không còn quy định như vậy nữa.

“Tôi đội mũ và tìm mọi cách che đầu nhưng điều này khiến tôi cảm thấy khó chịu. Ngoài việc hứng chịu những định kiến khi là một phụ nữ nghiên cứu khoa học, tôi đã phải thay đổi cách ăn mặc để trở thành một người không phải là chính mình”, Burçin nói.

Khi Burçin đến Mỹ để học lên trình độ thạc sĩ tại Đại học Công nghệ Texas, và sau đó là tiến sĩ vật lý thiên văn tại Đại học Minnesota-Twin Cities, cô tiếp tục phải đối mặt với một loạt sự khác biệt về văn hóa, nhưng cô cũng tìm thấy một môi trường thân thiện hơn.

“Tôi đã sống ở một đất nước mới với nhiều điều khác biệt. Vì tôi được là chính mình và có thể ăn mặc theo ý thích nên tôi cảm thấy hạnh phúc hơn, mặc dù có những vấn đề khác cần giải quyết”, Burçin cho biết.

Khám phá loại thiên hà mới

Trong thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đài thiên văn Steward của Đại học Arizona, Burçin phân tích dữ liệu thu thập từ kính viễn vọng để giúp làm sáng tỏ những bí ẩn của vũ trụ, đặc biệt là cách thức các thiên hà hình thành và thay đổi theo thời gian.

Con người đã biết đến hơn một nghìn tỷ thiên hà trong vũ trụ, hầu hết chúng là các thiên hà xoắn ốc giống như thiên hà Milky Way (hay dải Ngân hà) mà chúng ta đang sinh sống. “Trong khi có những lý thuyết đáng tin cậy về sự tiến hóa của các loại thiên hà phổ biến nhất, những thiên hà hiếm gặp đặc biệt thu hút sự quan tâm của các nhà thiên văn học đang muốn tìm hiểu sự tiến hóa của vũ trụ”, Burçin cho biết.

Một trong những thiên hà hiếm gặp như vậy là Thiên thể Hoag (Hoag's Object). Tên gọi của thiên hà này bắt nguồn từ tên của Arthur Hoag, nhà thiên văn học đã phát hiện ra nó vào năm 1950. Thiên thể Hoag là ví dụ đầu tiên được biết đến về một loại thiên hà dạng vòng tròn, với một vòng sáng gồm những ngôi sao trẻ màu xanh lam bao quanh một vật thể trung tâm đối xứng được tạo thành từ những ngôi sao già hơn mà không có bất kỳ mối liên hệ rõ ràng nào giữa chúng. Loại thiên hà này vô cùng hiếm, chiếm dưới 0,1% tổng số các thiên hà quan sát được.

Khi Burçin lần đầu chú ý đến một thiên hà nhỏ có tên PGC 1000714, cô đã nhầm nó là một Thiên thể Hoag và rất hào hứng với khám phá của mình. Nhưng khi cô nghiên cứu sâu hơn về PGC 1000714, cô đã bị choáng ngợp khi phát hiện ra rằng thiên hà đặc biệt này vẫn còn ẩn chứa nhiều điều bí mật khác.

“Ở giữa vòng sáng màu xanh phía bên ngoài và lõi trung tâm màu đỏ, tôi phát hiện thêm một vòng sáng mờ màu đỏ bao quanh lõi”, Burçin cho biết. “Tôi đang quan sát một loại thiên hà chưa từng được biết đến trước đây”.

Thiên hà Burçin. Ảnh: Science Friday.
Thiên hà Burçin. Ảnh: Science Friday.

Thực thể thiên văn này ngày nay được biết đến với tên gọi “Thiên hà Burçin”, theo tên của người đã phát hiện ra nó. Hình dạng và cấu trúc đặc biệt của Thiên hà Burçin mang đến nhiều câu hỏi thú vị. Làm thế nào một thiên thể kỳ lạ như vậy hình thành trong vũ trụ? Tương tự như Thiên thể Hoag, lõi trung tâm màu đỏ của Thiên hà Burçin có tuổi đời lớn hơn vòng ngoài màu xanh. Tuy nhiên, vòng sáng màu đỏ ở giữa có tuổi đời lớn nhất, cho thấy nó đã hình thành trước tiên. Đây là điều vô cùng kỳ lạ.

Quy luật của cuộc sống

Trong khi Burçin và các công sự tiếp tục nghiên cứu về Thiên hà Burçin, cô hy vọng rằng công việc và câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho những người nhập cư và sinh viên khác, đặc biệt là những người thuộc cộng đồng thiểu số.

“Khi các trường học mời tôi đến thuyết giảng hoặc khi mọi người liên hệ với tôi qua mạng xã hội, tôi luôn khuyến khích họ không nên hạn chế trí tò mò khoa học của mình vì những áp lực từ bên ngoài”, Burçin nói. “Hành trình có thể không dễ dàng, nhưng chúng ta nên tiếp tục theo đuổi niềm đam mê”.

Một nhà xuất bản đã tiếp cận Burçin để viết sách về những trải nghiệm của cô với tư cách là một nhà vật lý thiên văn. Năm 2018, cô là một trong số 20 cá nhân xuất sắc được mời chia sẻ ý tưởng thông qua bài diễn thuyết ngắn trong sự kiện TED2018 ở Vancouver, Canada.

“Sự kiện diễn thuyết này đã cho tôi tiếng nói và sự hiện diện mà trước đây tôi chưa từng mơ tưởng tới”, Burçin cho biết.

Trong quá trình chuẩn bị, Burçin đã trình bày trước nội dung bài diễn thuyết TED với bạn bè, nhưng họ nói rằng nội dung khá khó hiểu. “Sau đó, tôi đã viết lại nhiều bản nháp khác nhau bằng phương pháp thử và sai, cho đến khi tôi có một phiên bản hoàn thiện có thể truyền đạt thông tin tôi muốn chia sẻ mà không quá kỹ thuật”, Burçin nói.

“Đây cũng là quy luật của cuộc sống, bạn thấy đúng chứ? Bạn có thể không đạt được kết quả như mong muốn trong lần thử đầu tiên. Nhưng mỗi khi thất bại, bạn hãy đứng dậy và thử lại, và rồi cuối cùng bạn sẽ làm được điều đó.”