Đô thị không chỉ là những công trình và những tòa nhà hay là nơi tập trung những người giàu có và trung lưu. Tiến trình phát triển của đô thị không thể thiếu đi những người thu nhập thấp và việc cắt giảm các nguồn lực đầu tư hỗ trợ dân sinh, đặc biệt là với người nghèo, có thể dẫn đến những rủi ro rất lớn.


Hai tác phẩm đã được xuất bản ở Việt Nam của Edward Glaeser. Ảnh: HTN
Hai tác phẩm đã được xuất bản ở Việt Nam của Edward Glaeser. Ảnh: HTN

Với cương vị giáo sư Kinh tế học tại Harvard, đồng thời là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đô thị tại Trung tâm Tăng trưởng Quốc tế, Edward Glaeser được biết đến như nhà kinh tế học đô thị hàng đầu thế giới hiện nay. Ông có đóng góp đáng kể cho nghiên cứu thực nghiệm về kinh tế đô thị, một lĩnh vực nghiên cứu mà Gary Becker (Nobel Kinh tế năm 1992) nhận xét rằng vốn đã “cạn kiệt” trước khi Edward Glaeser xuất hiện. Edward Glaeser viết nhiều công trình nghiên cứu kết hợp giữa thực nghiệm với lý thuyết giá cả và lý thuyết trò chơi để giải quyết nhiều bài toán đô thị tại Mỹ. Hai trong số các tác phẩm của ông đã được xuất bản tại Việt Nam, gồm “Chiến thắng của đô thị” (2019 và tái bản 2022) và “Sinh tồn của đô thị” viết chung với David Cutler (2022).

Đô thị không chỉ là những công trình và những tòa nhà

Trong cuốn “Chiến thắng của đô thị”, Glaeser nhiều lần nhấn mạnh rằng đô thị không chỉ là những công trình và những tòa nhà mà là không gian cho sự giao lưu và giao thương.

Một đô thị vận hành tốt luôn thu hút lượng dân cư đông đúc với hy vọng mưu sinh và thành công trong cuộc sống. Minh chứng điển hình nhất cho thấy khi một đô thị tập trung quá nhiều vào các công trình thay vì các chính sách dân sinh và kích thích giao thương chính là thành phố Detroit tại Mỹ.

Detroit đầu thế kỷ 20 là thủ phủ của nền công nghiệp ô tô, tuy nhiên, từ những những năm 1970, thành phố này liên tục đối mặt với tình trạng người dân cũng như các nguồn vốn đầu tư rời đi. Đây là hiện tượng chung xảy ra tại Mỹ lúc bấy giờ, được gọi là Vành đai Rỉ sét (Rust Belt), tức là các doanh nghiệp và dân cư rời bỏ một loạt các thành phố lớn dẫn đến sự suy tàn của đô thị. Sự suy thoái của ngành công nghiệp ô tô lúc bấy giờ đã kéo theo sự sụp đổ của Detroit. Edward Glaeser mô tả thực trạng ấy như sau: “Trong khoảng từ năm 1950 tới 2008, Detroit đã mất đi hơn 1 triệu người – 58% tổng số dân của nó. Giờ đây, 1/3 dân số Detroit thuộc diện nghèo đói. Thu nhập bình quân theo hộ dân của Detroit là 33.000 đô la mỗi năm, bằng khoảng một nửa so với mức bình quân toàn Hoa Kỳ. Năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp của Detroit là 25%, cao hơn 9% so với tỷ lệ thất nghiệp của bất kỳ thành phố lớn nào và cao hơn 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp trung bình cả nước. Năm 2008, Detroit có tỷ lệ giết người cao nhất Hoa Kỳ, cao hơn 10 lần so với tỷ lệ giết người của New York. Nhiều thành phố Hoa Kỳ đã trải qua sự sụp đổ bởi giá nhà đất trong năm 2006-2008. Nhưng Detroit là một trường hợp đặc biệt bởi không trải qua cơn sốt nhà đất đầu thập kỷ nhưng lại hứng chịu sự sụt giá 25% kể từ thời điểm rớt giá.”

Đối diện với thực trạng này, chính quyền Detroit, thay vì chuyển đổi mô hình kinh tế để giữ chân doanh nghiệp và người dân, đã chọn cách đầu tư tái thiết các công trình mới, thay thế các khu ổ chuột bằng những tòa nhà sang trọng với hi vọng nâng giá bất động sản. Tuy nhiên, những giải pháp “chữa ngọn” này không hề giúp viễn cảnh của Detroit sáng sủa hơn: người dân tiếp tục mất việc làm, môi trường sống không cải thiện, tỷ lệ tội phạm tiếp tục tăng… trong khi giá bất động sản không tăng, bởi vì mức xây dựng đã vượt quá ngưỡng so với nhu cầu thực. Edward Glaeser kết luận: “Đầu tư vào các tòa nhà thay vì con người ở các khu vực nơi giá cả đã thấp sẵn có thể chính là sai lầm lớn nhất của chính sách đô thị.”

Thực hiện khảo sát rộng khắp ở nhiều đô thị khác nhau trên thế giới, Edward Glaeser chỉ ra rằng chính sách đô thị hướng tới khuyến khích giao thương và giao lưu mới là cốt lõi của đô thị hiệu quả. Đông đúc không phải là một vấn nạn của đô thị, mà đó là dấu hiệu của một đô thị đang trên đà phát triển đúng hướng, bởi bất cứ người dân nào tìm đến đô thị đều mong mỏi được học tập từ những người giỏi hơn và có nhiều cơ hội việc làm cũng như kinh doanh hơn.
Người nghèo đô thị

Trái với quan điểm cho rằng đô thị là nơi tập trung những người giàu có và trung lưu, còn người nghèo là gánh nặng cho sự phát triển của đô thị, Glaeser cùng với các cộng sự của mình đã chỉ ra rằng đô thị là nơi tốt để giúp những người thu nhập thấp cải thiện cuộc sống. Giao thông thuận tiện, việc làm dồi dào, mua bán nhộn nhịp…, người thu nhập thấp luôn tìm cách sống tại các trung tâm đô thị để tối ưu chi phí và nguồn lực hữu hạn của mình. Trong khi đó, những người giàu lại chuyển ra các vùng ngoại ô rộng rãi hơn.

Nhưng sự tập trung đông đúc những người dân thu nhập thấp ở trung tâm của các đô thị có thể gây ra nhiều rủi ro như tệ nạn xã hội, dịch bệnh bùng phát, ô nhiễm môi trường… và có thể khiến cảnh quan của trung tâm kém phần hấp dẫn. Tuy nhiên, tiến trình phát triển của một đô thị không thể thiếu đi những người thu nhập thấp, bởi ai sẽ là lực lượng lao động tạo ra của cải vật chất cho các ngành kinh tế, ai sẽ dọn dẹp vệ sinh, sẽ vận chuyển hàng hóa… nếu không phải là những người nghèo đang mong muốn mưu sinh hoặc đổi đời.

Edward Glaeser cho biết, “Hầu hết mỗi thành phố ở các quốc gia đang phát triển đều có những nơi nghèo nàn, những khu ổ chuột. Ở một vài nơi, như Kolkata hay Lagos, sự nghèo đói có thể nhiều và cực đoan đến mức các nhà quan sát không thể không xem cả thành phố như địa ngục. Ngay cả tại các nước phát triển, thành thị cũng nghèo nàn chẳng kém. Ở Mỹ, tỷ lệ đói nghèo trong các khu đô thị là 17,7% và ngoại ô là 9,8%.”… “Các thành phố tràn ngập dân nghèo không phải vì chúng làm cho người ta nghèo đi mà bởi chúng thu hút người nghèo tới với viễn cảnh cuộc đời tươi sáng hơn. Tỷ lệ nghèo đói của nhóm người mới đến các thành phố lớn cao hơn tỷ lệ nghèo đói của những cư dân lâu năm, điều này cho thấy rằng, theo thời gian, cơ hội của những người sống ở thành thị có thể được cải thiện một cách đáng kể.” (Trích “Chiến thắng của đô thị”)

Chăm lo cho những người thu nhập thấp tại các đô thị và hỗ trợ họ là trách nhiệm của các chính quyền đô thị, tuy nhiên, Glaeser khẳng định, hãy hỗ trợ người nghèo để họ thoát nghèo chứ không phải là giúp đỡ cho sự nghèo đói. Việc khuyến khích từ thiện hay các ưu tiên cho người nghèo có thể khiến cho người nghèo tiếp tục chọn lựa cái nghèo. Khi cái nghèo đeo đuổi và xâm chiếm một đô thị, nó có thể khiến đô thị ấy nhanh chóng suy sụp. Những kịch bản về sự suy tàn của các đô thị được trình bày một cách chi tiết trong cuốn “Sinh tồn của đô thị” mà Edward Glaeser viết chung với David Cutler. Rất nhiều đô thị trên thế giới luôn cắt giảm các chi phí và nguồn lực đầu tư hỗ trợ dân sinh, đặc biệt là với người nghèo mà không nhận ra rằng việc làm ấy có thể dẫn đến những rủi ro rất lớn.

Chi phí quản lý rủi ro cho các đô thị không hề rẻ: nhiều cảnh sát hơn để hạn chế tội phạm và bạo loạn, nhiều kiểm định hơn để đảm bảo an toàn vệ sinh, nhiều tòa nhà hơn để giá bất động sản rẻ hơn, nhiều y tế công hơn để chữa trị được cho đông bệnh nhân hơn, nhiều trường công hơn để hạn chế thất học và thất nghiệp, nhiều công trình dẫn nước hơn để tránh ô nhiễm nguồn nước… Các khoản chi này luôn khiến các chính quyền đô thị đặt lên bàn cân những khoản đầu tư cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một khi rủi ro lớn xảy đến, thiệt hại kinh tế không thể lường hết được. Bởi vì, không nhà đầu tư nào yên tâm đầu tư vào một đô thị phải đối mặt với quá nhiều rủi ro, họ luôn chọn lựa những điểm đến an toàn. Và việc gạt quyền lợi của người nghèo ra khỏi những đắn đo về chính sách trong tương lai có thể dẫn đến việc đánh mất các lợi thế và thời cơ kinh tế.