Ngày nay, việc nuôi dạy trẻ, thay vì được gia đình nhiều thế hệ phụ trách, lại dồn lên hai (đôi khi chỉ một) ông bố bà mẹ. Gia đình hạt nhân làm phình tướng cái tôi cá nhân của trẻ từ rất sớm, dẫn đến những hệ lụy dễ thấy.

Trên kệ của mỗi tiệm sách hay gia đình có con nhỏ, các sách phương pháp nuôi dạy con luôn chiếm diện tích lớn cùng vị trí trang trọng với đủ các trường phái: kiểu Mỹ, kiểu Nhật, kiểu Phần Lan, kiểu Trung Quốc, kiểu mẹ hổ, kiểu không nước mắt,... Thế nhưng cũng không khó để thấy những chia sẻ nửa đùa nửa thật trên mạng xã hội rằng các sách đó đều nên được xếp vào mục “khoa học viễn tưởng”.

Hiện trạng trớ trêu ấy hóa ra cũng xuất hiện ở Mỹ, nơi thường được lấy làm hình mẫu dạy con theo phong cách phương Tây. Michaeleen Doucleff, phóng viên chuyên mục Khoa học của đài NPR, mở đầu cuốn Nghe thổ dân kể chuyện dạy con: Săn bắt, hái lượm & nghệ thuật làm cha mẹ (*), bắt đầu với cảnh má cô hằn vết cào cấu của con gái 3 tuổi không chịu vâng lời mỗi khi mẹ đưa ra yêu cầu. Cô lên mạng tra cách tiếp cận tối ưu rồi quyết triển khai phương pháp (khoa học) “uy quyền và thấu hiểu” và mọi việc… vẫn thế.

Câu hỏi vang lên trong đầu mỗi phụ huynh hẳn sẽ là: “Mình đã làm gì sai?”. Khi Doucleff rong ruổi đến những vùng hẻo lánh ở châu Mỹ để đưa tin, cuộc gặp với những người dân tộc bản địa (Maya, Inuit, Hadzabe) đã làm cô thay đổi câu hỏi. Nhờ điền dã việc nuôi dạy con của các nền văn hóa cổ xưa cùng con gái 3 tuổi, câu hỏi của Doucleff đã đổi thành “Tại sao ta nuôi dạy con theo cách ta đang làm?”

Xuất phát điểm đó yêu cầu ta phải lật ngược lại các tài liệu và xem xét những điều đang thấy trên Internet hay sách thường thức bắt nguồn từ đâu và nó có thực sự là “chân lý đương nhiên” hay không.

Sau khi dành nhiều thập niên để phân tích các dữ liệu nhân học, mô tả dân tộc học và ghi chép lịch sử, nhà nhân học David Lancy, trong cuốn Nhân học về thời thơ ấu: Tiểu thần tiên, của để dành, đồ tiểu quỷ, đưa ra tổng kết rằng nhiều thực hành mà đại chúng Mỹ tin rằng là thiết yếu với trẻ nhỏ hóa ra lại không tồn tại tương đương với bất kỳ nền văn hóa cổ truyền nào trên thế giới hoặc chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây.

Nên để trẻ hành động tự do trong sự quan sát của cha mẹ. Nguồn: INT
Nên để trẻ hành động tự do trong sự quan sát của cha mẹ. Nguồn: INT

Liệu ngợi khen có phải cách tốt nhất để khích lệ trẻ nhỏ? Liệu cha mẹ có cần thường xuyên khơi dậy sự hào hứng và chơi với con cái? Ngôn từ có phải cách tốt nhất để giao tiếp với trẻ nhỏ? Hướng dẫn bằng lời có phải phương pháp tốt nhất để dạy trẻ? Theo Lancy, những ý tưởng phổ biến này bắt nguồn từ một ý niệm căn bản của phương Tây: gia đình hạt nhân (gồm bố mẹ và các con) là mô hình lý tưởng cho việc phát triển con cái.

Nhìn suốt chiều dài lịch sử, mô hình này mới xuất hiện khoảng 0,1% thời gian của nhân loại. Việc nuôi dạy trẻ, thay vì được gia đình nhiều thế hệ phụ trách, nay dồn lên hai (đôi khi chỉ một) ông bố bà mẹ. Cùng với sự phát triển của đô thị công nghiệp, trẻ (phần nhiều là con một) ít được tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa, dẫn đến việc đứa trẻ như bị cô lập cùng ông bố bà mẹ. Bố mẹ gần như là cầu nối duy nhất dẫn con đến với xã hội, là niềm động viên, an ủi duy nhất cho con. Sự cô lập ấy sớm dẫn tình trạng kiệt sức cho bố mẹ và dẫn đến vòng xoáy ta gặp ở đoạn trên. Bố mẹ la hét, con la hét lại, bố mẹ la hét to hơn, con chuyển sang bạo lực cào cấu,... Chưa bao giờ làm cha mẹ lại thành gánh nặng khủng khiếp đến vậy.

Khi lớn lên trong một đại gia đình nhiều thế hệ và thành phần, trẻ sẽ có nhiều trách nhiệm và bổn phận hơn. Trông em nhỏ, chăm người già, nấu nồi canh lớn cùng anh em họ cho bữa cơm cúng của đại gia đình. Trẻ sẽ tự nhiên hình thành khả năng thích nghi và thuận theo tập thể.

Ở chiều ngược lại, gia đình hạt nhân làm phình tướng cái tôi cá nhân của trẻ từ rất sớm, dẫn đến những hệ lụy dễ thấy: hay cáu giận, thiếu hợp tác, không coi trọng cảm xúc của người khác.

Phát triển hơn nữa ý tưởng này, Doucleff cho rằng mô hình gia đình hạt nhân tạo ra ba vấn đề sau:

Một là, hoạt động nuôi dạy trẻ tuân theo nguyên tắc lấy cá nhân trẻ làm trung tâm sớm dẫn đến việc trẻ thiếu thích nghi với thế giới xung quanh, thế giới luôn đối nghịch với nhu cầu đơn nhất của cá nhân.

Hai là, nuôi dạy trẻ theo “lịch trình” kiểu nhà máy (đúng giờ nào làm việc gì) khiến cho trẻ bất hợp tác hơn bởi chúng không cảm thấy được tại sao mình phải làm việc này một cách tự nhiên nhất. Các động lực ngoài (khen thưởng hoặc đe dọa) khuôn trẻ vào một lịch sinh hoạt cứng nhắc chỉ làm suy yếu các động lực bên trong của trẻ, thứ hình thành nên tính cách ổn định ở trẻ.

Ba là, việc cố thiết kế ra các không gian nhân tạo: bảo tàng, thủy cung,... để kích thích liên tục trẻ không phải một biện pháp lý tưởng và triệt để. Trẻ cũng cần sớm tham gia vào thế giới thực, nơi bố mẹ đang làm bánh và cần người nhào bột cùng (dù cục bột thành phẩm có xấu xí đi nữa).

Từ các nguyên tắc trên, Doucleff triển khai bốn chìa khóa cơ bản để dạy trẻ. Đây cũng là những điều cô trực tiếp trải nghiệm và thực hành sự minh triết cùng các bà mẹ ở các nền văn hóa xưa.

Gần gũi: Hãy luôn để trẻ tham gia vào hầu hết các việc nhà cơ bản cùng bố mẹ: đi chợ, rửa rau, cho mèo ăn,... Để các em thoải mái đóng góp một phần sức lực nhỏ bé vào việc chung.

Khích lệ: Không sử dụng cách dọa nạt, trừng phạt. Hãy coi trẻ là một người lớn phiên bản tí hon; nói chuyện kiên nhẫn và bình tĩnh đến khi trẻ hiểu.

Tự chủ: Để trẻ hành động tự do (trong sự quan sát của cha mẹ). Chính sự tương tác thoải mái với gia đình, họ hàng, bạn bè giúp trẻ tự hình thành năng lực và phẩm chất.

Can thiệp tối thiểu: Ít yêu cầu sự chú ý từ trẻ và trẻ sẽ ít yêu cầu sự chú ý từ cha mẹ.

Các ý tưởng trên, hẳn là độc giả đã gặp ở đâu đó trong các sách nuôi dạy trẻ phổ biến. Nhưng điểm độc đáo của Nghe thổ dân kể chuyện dạy con là tác giả đã kết hợp đa dạng các nghiên cứu từ sử học, thần kinh học, tâm lý học, và đặc biệt là nhân học đa văn hóa (về các xã hội săn bắt và hái lượm) để triển khai các luận điểm này.

Những ý tưởng trên đáng tham khảo cho độc giả Việt Nam khi chúng ta đang ở một xã hội lưng chừng giữa đô thị hiện đại kiểu Âu Mỹ kèm với những nét văn hóa cộng đồng khó phai mờ.

___________

(*) Đã được xuất bản ở Việt Nam bởi Huy Hoàng Books và NXB Phụ nữ, tháng 6/2023