Trong “Trước nỗi đau của người khác”, Susan Sontag cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm của việc suy giảm cảm xúc đạo đức khi những hình ảnh bạo lực của chiến tranh tràn ngập trên các phương tiện truyền thông được nhìn mà không được thấy.

Tháng 10/2004, trên các phương tiện truyền thông quốc tế tràn ngập hình ảnh Margaret Hassan, nữ giám đốc của tổ chức nhân đạo CARE tại Iraq, người bị một nhóm khủng bố không rõ danh tính bắt cóc và sau đó hành hình. Đoạn băng ghi lại cuộc hành quyết đã được những kẻ khủng bố gửi tới hãng thông tấn Al-Jazeera. Trước khi bị hành quyết, Hassan đau đớn khẩn cầu các quốc gia hãy làm mọi cách để giữ mạng sống cho mình. Thế giới hiếm khi nhìn thấy những hình ảnh bạo lực đến như thế: Gương mặt của một người phụ nữ bị biến dạng bởi nỗi kinh hoàng và đau đớn. Đây không phải là một đoạn phim hư cấu mà là một tình huống thực tế khủng khiếp, trong đó những kẻ bắt cóc đã vượt qua mọi giới hạn của sự tàn bạo. Chúng ta cần phản ứng thế nào với những hình ảnh này khi không thể làm gì để cứu cô ấy? Chúng ta cần có thái độ như thế nào khi nhìn vào hình ảnh của đau khổ?… Đây là những vấn đề nan giải được Susan Sontag đề cập tới trong tác phẩm “Trước nỗi đau của người khác – Về tính phổ biến, ý nghĩa và tác động của bạo lực”.

Đối mặt với hình ảnh tàn bạo, như Sontag đã viết, chúng ta thường thấy mình ở vị trí “khán giả” hoặc “kẻ hèn nhát”. Với cả hai tư thế đó, chúng ta đều không thấy thoải mái. Cuốn sách của bà là một nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề về khoảng cách giữa chúng ta và nỗi đau của người khác. Và nếu không thể triệt tiêu được cái khoảng cách này thì ít nhất cũng phải thấu hiểu nó. Một nỗ lực như vậy thực sự là quan trọng và cao quý, bởi vì trong thế giới tràn ngập hình ảnh và thông tin về thảm họa, chúng ta thực sự có nguy cơ mất đi cảm giác về thực tế, hoặc tệ hơn là mất đi cảm giác đồng cảm với những người đang đau khổ. Một khi chúng ta mất đi sự đồng cảm, chúng ta sẽ mất đi nhân tính.

Cuốn sách của Susan Sontag được xuất bản lần đầu vào năm 2003. Ảnh: DT
Cuốn sách của Susan Sontag được xuất bản lần đầu ở Mỹ vào năm 2003. Trong ảnh: Phiên bản tiếng Việt được xuất bản vào năm 2020 bởi NXB Tri thức. Nguồn: DT

Sontag cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm của việc suy giảm cảm xúc đạo đức. Bà không cực đoan đến mức cho rằng những hình ảnh thực tế của chiến tranh đầy bạo lực phải được giữ bí mật, nhưng bà cảnh báo về nguy cơ khi việc chứng kiến nỗi đau của người khác bị lợi dụng một cách tàn bạo đến mức ý thức đạo đức và ý chí hành động của người xem bị bào mòn bởi sự thờ ơ và ý muốn khước từ hành động. Một hình ảnh bị cạn kiệt sức mạnh bởi cái cách nó được sử dụng, sử dụng ở đâu và tần xuất xuất hiện. Với cách khai thác hình ảnh đau thương của các cuộc chiến tranh trên báo chí, truyền hình hiện nay, những hình ảnh trước sau sẽ trở nên nhàm chán. No nê về hình ảnh khiến độ tập trung của người xem giảm, dễ trở nên dửng dưng.

Nguy cơ “bão hòa” hình ảnh đau thương là một hiện tượng mới mẻ, một sự đảo ngược. Cho đến tận thế kỷ 19, đa số người dân chưa thể tận mắt nhìn thấy sự khủng khiếp và đau khổ của chiến tranh, các bãi chiến trường thì xa xôi về không gian và thời gian, chiến tranh đối với đa số họ là câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng và danh dự. Họ không nhận thức được thực tế khủng khiếp của chiến tranh. Chúng ta có thể tha thứ cho sự ngây thơ của họ bởi họ là nạn nhân của sự tuyên truyền và giáo dục quốc gia. Một trong những ví dụ điển hình nhất về kết quả tuyên truyền của các quốc gia vào đêm trước của Thế chiến I, những cỗ máy tuyên truyền coi chiến tranh là chủ nghĩa anh hùng và sự hy sinh vì lợi ích của cộng đồng. Năm 1914, sau gần một trăm năm hòa bình, người châu Âu không còn nhớ chiến tranh là gì. Hơn nữa, họ được dạy phải tin rằng đó là điều tốt. Ngày nay, hình ảnh bạo lực quân sự hiện diện trên khắp các phương tiện truyền thông. Chúng ta biết chiến tranh là gì. Những hình ảnh này đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ của công chúng đối với Chiến tranh Iraq, đóng vai trò to lớn trong phong trào phản chiến những năm 1960 và trong Chiến tranh Việt Nam, nhưng cũng góp phần làm lan rộng sự thờ ơ. Tiếp xúc quá nhiều khiến chúng ta một lần nữa quên hoặc muốn quên rằng bạo lực và đau khổ là có thật.

Năm 1947, hai năm sau khi kết thúc ngày tận thế mang tên Thế chiến thứ hai, bốn nhiếp ảnh gia nổi tiếng về những bức ảnh về chiến tranh - Robert Capa, Henri Cartier-Bresson, George Rodger và David “Chim” Seymour - đứng ra thành lập công ty nhiếp ảnh uy tín nhất thế giới Magnum Photos. Họ tạo ra Magnum để bày tỏ bản chất độc lập của họ với tư cách là con người và nhiếp ảnh gia, nhấn mạnh rằng với nhiếp ảnh chiến tranh, cái quan trọng không chỉ là những gì được nhìn thấy mà còn cả cách chúng ta nhìn thấy chúng.

Nhiều thập kỷ đã trôi qua và phần lớn hoạt động báo ảnh ngày nay đã xa rời các nguyên tắc đạo đức mà các nhiếp ảnh gia tiền bối đã nêu. Giờ đây, theo nhận định của Sontag, “những bức ảnh trở dễ đọc một cách thô bạo”. Hơn nữa, nếu như trước kia chỉ có các phóng viên ảnh là những người “khách du lịch chuyên nghiệp” duy nhất có thể mô tả trực quan sự tàn bạo của chiến tranh thì giờ đây, các binh sĩ cũng có thể chụp với những chiếc điện thoại di động và gần như ngay lập tức có thể chia sẻ góc nhìn nhiếp ảnh của họ về chiến tranh với mọi người trên toàn cầu. Truyền hình đã cách mạng hóa việc đưa tin về chiến tranh; nhiếp ảnh kỹ thuật số cũng đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta chứng kiến chiến tranh với tư cách là những khán giả. Công nghệ số khuyến khích quá trình “toàn cầu hóa đau khổ”, nhưng việc phổ biến ảnh về chiến tranh thông qua những người không chuyên đang gây ra những hậu quả đáng tiếc,bao gồm cả kiểm duyệt. Để ngăn chặn việc phổ biến tràn lan trên mạng internet các hình ảnh chiến tranh được chụp bởi những người không chuyên, đã có một nỗ lực có hệ thống nhằm xác định giới hạn của những gì công chúng nên biết. Vì thế xuất hiện tình trạng trớ trêu là các vụ hành quyết con tin thì tràn lan trên mạng trong khi công chúng, đặc biệt là công chúng Mỹ, hầu như không được biết đến những hình ảnh các tù nhân bị quân đội Mỹ tra tấn tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq. Sự bất đối xứng thông tin này đã khiến công chúng trên thế giới trở nên nghi ngờ về sự trung thực của chính quyền Mỹ.

Hình ảnh về những nỗi đau khổ, dù là nhiếp ảnh hay phim ảnh, là một ký ức nói trực tiếp và nói bằng một ngôn ngữ duy nhất cho tất cả các thế hệ. Nguy cơ kiệt sức do tràn ngập hình ảnh các nạn nhân của bạo lực luôn hiện diện, không thể tránh khỏi trong thế giới hiện đại và không thể giải quyết bằng các biện pháp kiểm soát truyền thông giả tạo. Quan trọng nhất, bất chấp những rủi ro, như đã nói ở trên, nhiệm vụ của chúng ta là không làm ngơ trước nỗi đau của người khác. Chúng ta cần áp dụng tư duy phê phán, không chỉ ở cách chúng ta nhìn những bức ảnh ghi lại những hành động tàn bạo và tìm kiếm ý nghĩa của việc nhìn chúng, mà còn vào cách chúng ta viết và đọc về chúng. Chúng ta cần đặt ra những câu hỏi chất vấn như: Ai là người đã gây ra những điều khủng khiếp trong các bức ảnh này? Ai là người phải chịu trách nhiệm về nó? Liệu nó có thể tha thứ được không? Chỉ khi có khả năng gieo vào lòng mỗi người xem những nỗi niềm ưu tư ấy, các bức ảnh chiến tranh và các tác giả của nó mới được xem là đã làm tròn phận sự của mình.