Cuốn sách tập hợp các bài nói chuyện của Louis Bezacier với cử tọa Hà Nội tại bảy cuộc hội thảo ở bảo tàng Louis Finot, nay là bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cách đây gần 90 năm. Tham vọng của tác giả là nghiên cứu nguồn gốc và sự phát triển của nền nghệ thuật An Nam cũng như khai thông những ảnh hưởng, không chỉ từ Trung Hoa, mà nó tiếp nhận.


Cuốn sách
Ảnh: NN

Cuốn sách được xuất bản năm 1944, gồm chín chương.

Ở bốn chương đầu, tác giả phác thảo về một nền nghệ thuật đa tôn giáo của Việt Nam thời kỳ tiền hiện đại. Trong đó, nghệ thuật quân sự, tang lễ, và Thái miếu, lăng mộ thuộc về Nho giáo. Tháp Phật, tháp mộ, và tượng pháp thuộc nghệ thuật Phật giáo.

Chương V và VI gồm các chuyên khảo từ công việc trùng tu các di tích lịch sử thuộc khu vực Trung Kỳ-Bắc Kỳ mà Bezacier được giao.

Chương VII là một nghiên cứu tổng thể về điện thờ trong các chùa Phật giáo.

Chương cuối được dành để phân loại theo trình tự thời gian những biểu hiện của nền nghệ thuật An Nam. Ông chia 11 thế kỷ lịch sử nghệ thuật An Nam thành bốn thời kỳ chính:

a/ Thời kỳ Đại La kéo dài từ thế kỷ IX đến thế kỷ XI

b/ Thời kỳ nhà Trần, từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIV

c/ Thời kỳ nhà Lê, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII

d/ Thời kỳ nhà Nguyễn, từ đầu thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX

Trong bài viết Thay lời tựa, PGS.TS Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm) chỉ ra, mô hình phân kỳ có tính chất phác thảo của Bezacier còn nhiều điểm chưa hợp lý. Nhưng điều này, theo anh, không làm giảm tầm ảnh hưởng và những đóng góp của Bezacier như một trong số ít học giả đặt những viên gạch đầu tiên cho lĩnh vực nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

PGS.TS Trần Trọng Dương còn cho biết, Bezacier là người đầu tiên phát hiện sự đồng điệu phong cách của các hoa văn ở Đại Việt với chân Thiết Tháp thời Tống. Ông coi đây là một biểu hiện cụ thể của sự ảnh hưởng Trung Hoa với nghệ thuật Việt Nam thời Lý Trần. Nhưng ông cũng là người phản biện lại luận điểm cho rằng nghệ thuật An Nam chỉ là “một bản sao lỗi”, phái sinh từ nghệ thuật Trung Hoa.

“Từ quan điểm của thuyết giống nòi (racism), và thuyết tiến hóa xã hội (Darwin socialism), Bezacier đã phối hợp với thuyết di cư và phương pháp so sánh văn hóa để cho rằng, nền nghệ thuật An Nam là một nghệ thuật đa nguyên, với những giao cắt phức hợp, nhiều màu: Trung Quốc có, bản địa có, Đông Á có, Nam Á có, Việt là chủ thể trong quá trình kiến tạo văn hóa, nhưng thêm vào đó là sự đóng góp của những nhóm Mường, Chăm, Mọi,… Tức là, ông tuyên bố xóa bỏ cách nhìn đơn sắc, và đơn tuyến về lịch sử nghệ thuật Việt Nam,” TS Trần Trọng Dương viết. “Hơn nữa, ông nhận xét rằng, nếu kiến trúc Chăm chỉ là những dạng phế tích (đã chết), thì nghệ thuật An Nam với những công trình kiến trúc tâm linh và thực hành tín ngưỡng, là một nền nghệ thuật đang sống, đang tồn tại, với nhiều biểu hiện đa dạng và sống động.”

Trong Lời nói đầu viết cho cuốn sách, George Cœdès (1886-1969), học giả người Pháp về khảo cổ học và lịch sử Đông Nam châu Á, cũng nhận xét, một kết quả quan trọng từ những nghiên cứu của Bezacier chính là phân tích các ảnh hưởng đến nghệ thuật An Nam, khẳng định sự độc đáo nhất định của nghệ thuật An Nam cổ so với nghệ thuật Trung Quốc, hay đúng hơn bác bỏ ý kiến được truyền bá rộng rãi cho rằng nghệ thuật An Nam chỉ đơn giản là hình thức thuộc địa của nghệ thuật Trung Quốc.

George Cœdès gọi tác phẩm của Louis Bezacier là “cuốn sách trung thực và không trau chuốt, thiếu những khéo léo văn chương nhưng lại phong phú sự thật”.

Louis Bezacier (1906 - 1966) theo học tại Trường Mỹ thuật Paris từ năm 1926. Ông đến Hà Nội ngày 3/10/1935, đảm nhiệm vai trò bảo tồn các công trình ở Bắc Kỳ, rồi ở Trung Kỳ.

Ngay khi đến Việt Nam, Louis Bezacier đã tiến hành công tác tu bổ một trong những công trình đẹp nhất Bắc Kỳ là chùa Ninh Phúc (hay còn gọi là chùa Bút Tháp), ở tỉnh Bắc Ninh. Ông cũng tu bổ một phù đồ gạch ở Bình Sơn, tỉnh Vĩnh Yên, có từ thế kỷ 11. Ngoài ra, ông còn chịu trách nhiệm tu bổ nhiều công trình Champa ở khu di tích Lý Sơn.

Đến năm 1945, ông dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho kiến trúc dân sự và tôn giáo cổ như chùa, lăng mộ, di tích cung điện triều Lê, cầu có mái che… ở châu thổ sông Hồng và tỉnh Thanh Hóa.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Louis Bezacier: L’Architecture religieuse au Tonkin (Kiến trúc tôn giáo ở Bắc Kỳ, 1938), L’art et les constructions militaires annamites (Nghệ thuật và các công trình quân sự An Nam, 1941), Le panthéon bouddhique des pagodes du Tonkin (Điện thờ Phật giáo trong các chùa ở Bắc Kỳ, 1943), Essais sur l’art annamite (Tiểu luận về nghệ thuật An Nam, 1943), L’art vietnamien (Nghệ thuật Việt Nam, 1955).


Buổi ra mắt bản dịch tiếng Việt của tác phẩm Tiểu luận về nghệ thuật An Nam của Louis Bezacier sẽ diễn ra vào 9h30-11h30, thứ Bảy, ngày 24/2 tại tầng 1, Complex 01, ngõ 167 Tây Sơn, Hà Nội.

Tham gia sự kiện có các khách mời: PGS. TS. Trần Trọng Dương; nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Tuấn Anh; và TS Văn học Mai Anh Tuấn.