Thập niên 1930 là thời kỳ hoàng kim của các board game (trò chơi sử dụng bàn cờ) ở Mỹ. Đó là loại hình tiêu khiển rẻ nhất khi hàng triệu người đang phải thắt chặt hầu bao vì ảnh hưởng của cuộc Đại khủng hoảng (1929 – 1932)1.

Trong số này, “cờ tỷ phú” (Monopoly)2 được đặc biệt yêu thích bởi nó phù hợp với ước muốn tự nhiên của con người – tiền bạc và quyền lực.

Một trò chơi với thiết kế tương tự cũng ra đời gần như cùng thời điểm với “cờ tỷ phú”, nhưng không phải để vinh danh mà là nhằm “tiêu diệt” chủ nghĩa tư bản. Trò chơi mang tên Toward Soviet America (TSA tức Hướng về nước Mỹ Xô-viết) và tác giả của nó, không ai khác chính là Đảng Cộng sản Mỹ (CPUSA).

Thông tin trên báo chí Mỹ về game Monopoly trong thập niên 1930. Ảnh: Alamy Stock Photo
Thông tin trên báo chí Mỹ về game Monopoly trong thập niên 1930. Ảnh: Alamy Stock Photo

Trò chơi này kêu gọi người chơi hướng tới việc từ bỏ tiền bạc, quyền lực, xóa bỏ bất công, đưa giai cấp lao động lên nắm tư liệu sản xuất, và thậm chí biến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (USA) thành USSA tức Liên bang Xô-viết Hoa Kỳ.

Không phải ngẫu nhiên mà thập niên 1930 cũng là giai đoạn phát triển đỉnh cao của phong trào xã hội chủ nghĩa ở Mỹ – khi ấy chưa bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Cuộc Đại khủng hoảng đã gián tiếp giúp CPUSA tăng cường uy tín và Tổng bí thư William Zebulon Foster (1881 – 1961) giành được hơn 100 nghìn phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1932, mặc dù chỉ chiếm 0,3% tổng số phiếu bầu nhưng đã cao gấp ba lần thành tích trong hai lần chạy đua trước đó. Nhờ vậy mà Foster thường được những người đồng chí bên Liên Xô xem là anh hùng, với danh xưng “Lenin của nước Mỹ”. Năm 1961, ông qua đời ở tuổi 80 khi đang thăm Liên Xô và được tổ chức tang lễ cấp nhà nước tại Quảng trường Đỏ, do Nikita Khrushchev (1894 – 1991), Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, trực tiếp chủ trì.

Cuốn sách Toward Soviet America (xuất bản năm 1932) có lẽ là di sản được nhắc đến nhiều nhất của Foster. Nó cung cấp cho những người lao động (công nhân và nông dân) nghèo kiến giải về cách tự bảo vệ bản thân và đòi quyền lợi, đồng thời cổ vũ họ đứng lên thoát khỏi khu “rừng rậm” tư bản để xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước Mỹ, và tất nhiên là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. “Việc thành lập Chính phủ Xô-viết sẽ đánh dấu sự ra đời của một nền dân chủ đích thực tại Hoa Kỳ. Lần đầu tiên, người lao động được tự do làm chủ tư liệu sản xuất và nắm trong tay chính quyền thay vì bị giai cấp thống trị nô dịch”, sách viết. Các lãnh đạo CPUSA khi ấy hết sức coi trọng TSA, tới mức muốn biến nó thành một board game. Tháng 3/1934, tạp chí New Pioneer – cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Cộng sản Mỹ – đưa tin về việc phát hành trò chơi. Mặc dù căm ghét thị trường tự do nhưng CPUSA lại nhận ra một board game được thương mại hóa sẽ là phương thức tốt nhất để “Xô-viết hóa” tâm trí giới trẻ Mỹ thay cho một cuốn sách dài 340 trang với nội dung không mấy dễ hiểu, kiểu như:

Tem kỷ niệm 10 năm ngày mất (1961 – 1971) của William Zebulon Foster tại Liên Xô. Ảnh: Wikimedia
Tem kỷ niệm 10 năm ngày mất (1961 – 1971) của William Zebulon Foster tại Liên Xô. Ảnh: Wikimedia

“Không có một quốc gia nào trên thế giới mà văn hóa lại đang suy đồi như nước Mỹ tư bản chủ nghĩa. Giai cấp thống trị đã duy trì một nỗ lực khổng lồ nhằm tước đoạt quyền lợi của những người lao động. Đó là một xã hội được đặc trưng bởi sự giả dối, thiếu sức sống, vô hồn,… Đám bút nô tư bản đang tìm cách thuyết phục người dân hài lòng với việc đi làm hưởng lương; giới văn nghệ sĩ thì tung hô món dưa muối của Heinz và các mục quảng cáo trên The Saturday Evening Post, hay xào nấu những câu chuyện yêu đương ngớ ngẩn và mấy thứ “rác rưởi” nhân danh lòng yêu nước, qua đó nhằm xoa dịu nỗi thống khổ và sự chán trường vô vọng trong xã hội tư bản; bên cạnh lũ khoa học gia cố gắng chứng minh mối liên hệ giữa khoa học và tôn giáo,…”

Sau đây là thể thức của trò TSA: tối đa bốn người chơi, mỗi người chọn cho mình một biểu tượng, sẽ xuất phát từ bốn hướng chính để đi một vòng [quanh nước Mỹ], tới thăm các điểm nóng về bất công xã hội trước khi về đích – tức nước Mỹ Xô-viết. Thay vì tung con xúc-xắc (bị cho là khuyến khích cờ bạc), họ phải chọn số bằng cách xoay vòng quay (có mũi kim chỉ) làm từ bìa cứng hoặc rút thẻ. Trên suốt cuộc hành trình, người chơi có thể quay vào các ô ghi dấu những sự kiện có lợi cho phong trào cách mạng vô sản (VD: ngày thành lập nghiệp đoàn của nông dân hay công nhân ngành ô-tô, …) và giành được phần thưởng, chẳng hạn tiến thêm ba ô. Tuy nhiên, đó cũng có thể là các ô bất lợi như gặp phải thành phần tiểu tư sản chủ trương xét lại (VD: những lãnh đạo nông dân, công nhân thỏa hiệp với giới chủ, ...) và bị phạt đi lùi ba ô. Trường hợp xui xẻo nhất là người chơi quay vào ô “giam cầm” (VD: trại sử dụng lao động trẻ em, cơ quan trục xuất, hoặc Ku Klux Klan3,…) và cần chờ được giải cứu. Sau khi hoàn thành hết cuộc hành trình, người chơi sẽ được đặt biểu tượng của mình vào khu vực trung tâm trên bàn game, nơi mà thiên đường xã hội chủ nghĩa mơ ước với các thần tượng Vladimir Lenin, Karl Marx, Joseph Stalin, Foster cùng nhiều nhân vật nổi tiếng khác như Ella Reeve Bloor (“Mẹ Bloor,” nhà hoạt động nữ quyền), Earl Browder (một lãnh đạo CPUSA cuối thập niên 1930 – đầu 1940), William L. Patterson (nhà hoạt động người Mỹ gốc Phi), Julio A. Mella (một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Cuba), Tim Buck (Tổng Thư ký Đảng Cộng sản Canada),… đang chào đón họ.

Nếu ngày đó William Z. Foster giành chiến thắng trong cuộc đua vào tòa Bạch Ốc thì viễn cảnh nước Mỹ Xô-viết có thể đã trở thành hiện thực, và hình ảnh của những người hùng này sẽ trở nên quen thuộc đối với công chúng thay cho George Washington, Thomas Jefferson hay Abraham Lincoln. Tuy nhiên, nước Mỹ cũng sẽ chẳng còn là siêu cường nữa.
-------
Chú thích
1. Đại khủng hoảng là thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra trong phần lớn thập niên 1930, bắt đầu ở Hoa Kỳ (năm 1929) rồi lan ra khắp thế giới. Nó được đánh giá là cuộc suy thoái dài nhất và với ảnh hưởng sâu rộng nhất trong thế kỷ 20.

2. Tên gốc là Monopoly (mang nghĩa độc quyền trong tiếng Anh), được lấy cảm hứng từ The Landlord’s Game (Trò chơi của lãnh chúa) do hãng Lizzie Magnesi (Mỹ) phát minh vào năm 1903. Mục đích của trò chơi là nhằm chứng minh lý thuyết: một nền kinh tế khuyến khích hoạt động sản xuất, tạo ra của cải vật chất sẽ tốt hơn duy trì sự độc quyền. Monopoly đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng, được cấp phép tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như được phát hành bằng gần 40 thứ ngôn ngữ. Việt Nam cũng phát hành Monopoly dưới tên Cờ tỷ phú hoặc Cờ triệu phú, với các địa danh được Việt hóa.

3. Ku Klux Klan thường được gọi bằng cái tên KKK hay Klan, là một nhóm kích động sự thù ghét của những người Mỹ trắng, hướng tới mục tiêu chính là người Mỹ gốc Phi. KKK đã bùng phát và gây bất ổn tại ba thời kỳ khác nhau trong suốt lịch sử Hoa Kỳ.