Tại quận Wannsee ở thủ đô Berlin (Đức) có một cây cầu nhỏ bắc qua sông Havel, kết nối thành phố với Potsdam. Trong suốt thời Chiến tranh Lạnh (Cold War)1, đây là ranh giới phân chia Đông và Tây Berlin. Ngoài ra, vị trí tương đối hẻo lánh cũng khiến cây cầu trở thành địa điểm chiến lược cho việc trao đổi tù binh cao cấp.

Một bức hình chụp cây cầu năm 1987. Ảnh: Flickr
Một bức hình chụp cây cầu năm 1987. Ảnh: Flickr

Ngay từ thế kỷ XVII, ở khu vực này đã tồn tại một cây cầu gỗ phục vụ hoạt động săn bắn xung quanh Stolpe (một ngôi làng cổ thuộc ngoại ô Berlin ngày nay). Đến đầu những năm 1800, một công trình mới bằng gạch và gỗ kết hợp được xây dựng lên trước lưu lượng người qua lại ngày càng lớn giữa Berlin (thủ đô của Vương quốc Phổ) và khu dân cư Hohenzollern ở Potsdam. Nhưng sang thế kỷ XX, cây cầu lại một lần nữa trở nên quá tải và được thay thế bằng một kết cấu thép mang phong cách hiện đại. Công ty Johann Caspar Harkort ở Duisburg (thành phố nay thuộc bang Nordrhein-Westfalen, một trung tâm công nghiệp quan trọng có quy mô dân số lớn thứ 12 tại Đức) trúng thầu thiết kế, và cây cầu được khánh thành vào ngày 16/11/1907.
Cầu Glienicke ngày nay. Ảnh: Uwca/Wikimedia Commons
Cầu Glienicke ngày nay. Ảnh: Uwca/Wikimedia Commons

Trong thời kỳ nước Đức bị chia cắt (1945 – 1990), chính quyền Đông Đức thường gọi cây cầu là “Cầu Thống nhất” (Bridge of Unity), cho dù trên thực tế đã không hề có bất cứ nỗ lực “thống nhất” nào được thực hiện. Năm 1952, Đông Đức thậm chí còn quyết định cấm cửa, không cho phép người Tây Đức đặt chân lên cầu. Sau này, khi Bức tường Berlin được xây dựng (năm 1961) thì quyền tiếp cận cây cầu còn bị giới hạn với cả công dân Đông Đức, ngoại trừ các tùy viên quân sự và ngoại giao thuộc khối Warszawa2.

Trong số tất cả những trạm kiểm soát biên giới giữa Đông và Tây Đức, Cầu Thống nhất có một vị thế hết sức đặc biệt. Lực lượng quân sự Liên Xô không chỉ hiện diện mà trên thực tế mới là người hoàn toàn kiểm soát cây cầu. Đây cũng là địa điểm thường được hai phe lựa chọn để thực hiện trao đổi tù binh cao cấp, vì thế mà cây cầu còn được đặt cho biệt danh là “Cây cầu của các điệp viên” (Bridge of Spies). Nổi tiếng nhất trong số này là vụ phóng thích đại tá Rudolf Abel (1903 – 1971, điệp viên Liên Xô nằm vùng) để đổi lấy phi công lái máy bay do thám U2 của Mỹ – Francis Gary Powers (1929 – 1977), người đã bị Liên Xô bắn hạ và bắt giữ năm 1960; sự kiện diễn ra ngày 10/2/1962 và sẽ sống mãi trong ký ức của người dân Mỹ nhờ cuốn sách Strangers on a Bridge: The Case of Colonel Abel and Francis Gary Powers (Tạm dịch: Những kẻ xa lạ trên cầu: Vụ trao đổi Đại tá Abel và Francis Gary Powers) xuất bản năm 1964 của James Donovan (1916 – 1970). Nó cũng trở thành niềm cảm hứng cho bộ phim Bridge of Spies (Cây cầu của các điệp viên) do Stephen Spielberg đạo diễn, tài tử Tom Hanks thủ vai James Donovan.

Lằn ranh giới cũ phân chia Đông và Tây Berlin trên cây cầu. Ảnh: Roland.h.bueb/Wikimedia Commons
Lằn ranh giới cũ phân chia Đông và Tây Berlin trên cây cầu. Ảnh: Roland.h.bueb/Wikimedia Commons

Tháng 4/1964, người Anh thả sĩ quan tình báo KGB Konon Molody (1922 – 1970) để đổi lấy điệp viên MI6 Greville Wynne (1919 – 1990) bị Liên Xô bắt giữ. Ngày 12/6/1985, 23 điệp viên CIA đang bị giam giữ ở Đông Âu cũng được dùng để đổi lấy Marian Zacharski (sinh năm 1951, gián điệp công nghiệp hàng đầu Ba Lan, từng tìm cách ăn cắp nhiều bí mật công nghệ quân sự của Hoa Kỳ) cùng ba điệp viên Liên Xô khác. Vụ trao đổi cuối cùng diễn ra vào ngày 11/2/1986 khi tù nhân chính trị, nhà hoạt động nhân quyền Anatoly Shcharansky (sinh năm 1948 tại Liên Xô, sau trở thành Chủ tịch điều hành Cơ quan Tình báo Israel) và ba điệp viên phương Tây được phóng thích để Karl Koecher (sinh năm 1934, điệp viên Tiệp Khắc cũ nằm vùng ở CIA, hiện vẫn đang sống ở Cộng hòa Séc) cùng bốn điệp viên Đông Âu khác được trả tự do.

Một phân cảnh trong bộ phim Bridge of Spies do Stephen Spielberg đạo diễn.
Một phân cảnh trong bộ phim Bridge of Spies do Stephen Spielberg đạo diễn.

Năm 1980, chính quyền Tây Đức thực hiện tu sửa phần cầu nằm trên địa phận của mình, và đến năm 1985 tài trợ sửa chữa nốt nửa phía Đông, đổi lại cây cầu sẽ mang tên “Cầu Glienicke” (một cung điện nổi tiếng gần đó). Sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ (9/11/1989), cùng với việc tháo dỡ nhiều rào chắn ngăn cách Đông và Tây Đức, cầu Glienicke cũng được mở để đón tất cả mọi người đi bộ – đặt dấu chấm hết cho một biểu tượng của sự chia cắt.
-----
Chú thích

1. Chiến tranh Lạnh (1947-1991) là thuật ngữ thường được giới sử học dùng để chỉ sự căng thẳng địa chính trị và xung đột ý thức hệ giữa hai siêu cường: Hoa Kỳ và Liên Xô. Chiến tranh Lạnh khởi phát từ năm 1947 với sự ra đời của thuyết Truman, và kết thúc vào năm 1991 sau sự kiện Liên Xô tan rã. Ở đây, thuật ngữ “lạnh” được sử dụng khá chính xác bởi hai siêu cường trên thực tế không hề trực tiếp giao tranh mà ủng hộ các nước đồng minh đang có xung đột để củng cố và gia tăng ảnh hưởng chính trị. Đó là thời kỳ gắn với những cuộc chiến tranh ủy nhiệm (proxy wars).

2. Khối Warszawa là một liên minh quân sự bao gồm 7 nước xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu: Liên Xô, Ba Lan, Bulgaria, Đông Đức, Hungary, Romania và Tiệp Khắc cũ. Khối được thành lập để đối chọi lại với NATO do Hoa Kỳ dẫn dắt trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh leo thang. Ban đầu hiệp ước được ký ở thủ đô Warszawa của Ba Lan nhưng trụ sở của khối đặt tại thủ đô Moskva của Liên bang Xô viết. Sau sự kiện Liên Xô tan rã, khối Warszawa cũng không còn tồn tại.