Cũng như Kipling của Mowgli, của chuyện rừng, Giữa ngàn khơi, Kipling của dân chài, của chuyện biển, là một cấu trúc phiêu lưu lồng các bài học sống.

Ảnh: Nhã Thuyên
Ảnh: Nhã Thuyên

Phiêu lưu không đặt mục đích trải nghiệm tự thân khoái cảm phiêu lưu, mà là cú bay may rủi của số phận, “của thời gian và các chuyến du hành”, buộc ta đối mặt và vượt qua những cú ngã đau đớn để trưởng thành.

Một cậu ấm ngang ngạnh ngã xuống biển được dân chài vớt lên, bắt đầu một hành trình mới cùng con tàu buồm nhỏ Chúng tôi đây đánh cá ven Bãi Lớn, cuối cùng - một kết thúc có hậu - đoàn tụ gia đình như một “dân Bãi Lớn Chính Tông Máu Ròng” và theo đuổi học hành để mai này sẽ trở lại biển, ở một tư cách khác - “ông chủ” của những con tàu lớn.

Có một sức sống hấp dẫn khó cưỡng, của Tự Nhiên (của Nước): Bãi Lớn hoang dã, “vùng tam giác hai trăm năm mươi dặm trải ra mỗi phía, vùng biển hoang lầy, phủ đặc sương mù, náo động gió bão, phiền nhiễu băng trôi” nơi Bắc Đại Tây Dương trở thành phông nền khắc tạc những người lao động khỏe khoắn, quả cảm, những con người sống cùng và chinh phục tự nhiên bằng hiểu biết và từng trải của mình, những con người “hầu như đã ở khắp mọi nơi - bằng đôi chân của sóng gió,” giong buồm giữa ngàn khơi và chèo thuyền câu vượt sóng.

Có lẽ chính những con người nhỏ bé muôn nơi đó, những cánh tay lao động vạm vỡ và những tấm lòng ân nghĩa thuần phác, những con người chọn lựa việc sống, trước hết, là sự tôn trọng và bảo vệ công việc kiếm sống của mình, tự sinh tự lập, không hoảng sợ gục ngã trước số phận và cái chết, tất cả đã kéo lại gần những tên đất, tên nước, những bãi, những ghềnh, những vịnh biển, những ngọn hải đăng, những cảng cá xa lạ của nước Mỹ (dù, ta đã có thể phóng to các điểm trên bản đồ không gian mạng, thay vì tưởng tượng cùng những chấm nhỏ của một tấm bản đồ giấy cũ kỹ trong tác phẩm). Sự gần gũi mạnh mẽ đến độ, đôi khi, dẫu chưa từng đặt chân tới nước Mỹ, tôi đã mường tượng thật nhiều một con tàu buồm đánh cá trên những bãi những ghềnh, cũng được gọi là Bãi, Bãi Lớn, Ghềnh Cái, Bãi Xanh, Bãi Cạn... của vùng biển Thái Bình Dương duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam, (mảng đời sống biển cả này, thật tiếc, dường như vắng bóng trong văn chương tiếng Việt).

Song hành, hẳn là một sức hấp dẫn khó cưỡng khác, của Kỹ Thuật, của máy móc, của sự giàu có từ công việc kinh doanh, của những háo hức về tiến bộ khoa học và lợi ích của giáo dục bài bản,... được biểu tượng hóa bằng hành trình dữ dội đến ngạt thở của con tàu hỏa đưa nhà đại triệu phú đi tìm con, một hành trình kỷ lục băng ngang những vùng địa hình đa dạng của nước Mỹ rộng lớn và hoang sơ (cũng là không gian Tự Nhiên, của Đất), và mở ra xa xôi hơn với những con tàu hơi nước được trang bị kỹ lưỡng thẳng tiến theo hải trình.

Tôi muốn nhắc ở đây một mẩu bình luận của Jorge Luis Borges: “Rudyard Kipling mang rất nhiều con người trong một (một quý ông Ăng-lê, một phóng viên Âu-Á, một tay mê sách, người phát ngôn cho lính tráng và núi non), nhưng không có gì thuyết phục hơn là một nhà chế tác, the artificer. Một nhà chế tác thể nghiệm, bí ẩn, bồn chồn, như James Joyce hay Mallarmé. Trong cuộc đời sung mãn của ông, không có đam mê nào như đam mê dành cho kỹ xảo.”1

Dễ thấy niềm hy vọng, hay là mơ mộng, về sự hợp nhất của hai cuộc phiêu lưu đó, trong Tự Nhiên và trong Kỹ Thuật, của đời sống hoang dã và những quy tắc văn minh, khi những con người của hai thế giới gặp nhau, trở thành “người nhà,” tạo nên một cộng đồng người lao động của những ông chủ - thợ thuyền đồng hội đồng thuyền, sự hợp nhất sức mạnh của ý chí cùng bản năng sống mãnh liệt.

Hẳn nhiên, cuốn sách này, cũng như những tác phẩm khác của Kipling, đã cần được đọc trong cái nhìn phê phán và nghĩ xa hơn, như về những sắp đặt đơn giản của cấu trúc, những dụ ngôn về nước Mỹ, về tính cách Mỹ, những dấu vết chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tính chất nam tính chủ đạo đầy vẻ khắc nghiệt… Nhưng trên tất cả, trải nghiệm về bản năng và ý chí sống từ câu chuyện thường nhật-lạ lùng của biển hoang, với những bài học không tránh được, nhất là khi đối diện sự sống-chết của con người, vẫn chinh phục người đọc nhiều lứa tuổi. Đặc biệt, cuốn sách này như thể dành riêng cho các bạn trẻ đang bước vào những cuộc phiêu lưu - để trưởng thành, trong một mối liên hệ khác: câu chuyện của cha và con.

Tôi đã nghĩ, cách duy nhất để tôi bước vào một thế giới cách ta cả trăm lẻ mấy chục năm, hay là cố gắng đọc ngôn ngữ tiếng Anh của Rudyard Kipling, là chọn dịch một tác phẩm. Captains Courageous (Những thuyền trưởng can trường) hấp dẫn tôi, có thể trước hết vì nhan đề mở ra thế giới biển, trong phả hệ chuyện biển, và tôi muốn đặt lại nhan đề cho bản tiếng Việt, Giữa ngàn khơi. Nhưng tôi nhiều lần đối diện cảm giác thất bại khi dịch tác phẩm này, vì nhiều nhất, tôi cũng chỉ là một khách đi tàu. Nhập vào ngôn ngữ, giọng nói cùng việc gọi tên chính xác các thuật ngữ của dân chài không dễ, chưa kể sự nhọc nhằn khi đọc thứ tiếng Anh vừa chuẩn xác vừa biến hóa đa dạng ngữ âm, ngữ pháp mà nếu không có trợ giúp từ các từ điển, các chú giải trên trang www.kiplingsociety.co.uk, các trang mạng thuật ngữ hàng hải, nhất là các trao đổi và đọc biên tập của dịch giả Hồ Thanh Vân và các bạn Suối Thơm, tôi đã không thể đi hết cuốn sách. Chúng tôi chủ ý chỉ chú thích một số tên đất, tên người, một số vùng địa lý cơ bản hoặc được dịch tên sang tiếng Việt (trong khi mong muốn dựng lại một bản đồ Bãi Lớn cùng lược đồ chuyến du hành của con tàu hỏa băng ngang nước Mỹ).

Cùng với những tác phẩm khác của Kipling trong tiếng Việt, như The Jungle Book, (bản dịch Chuyện rừng của Mạnh Chương, NXB Đà Nẵng, 1987: bản dịch Chuyện rừng xanh của Phạm Văn, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2013), Kim (Kim, bản dịch của Phạm Đăng Phụng, NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 1998), và một số truyện lẻ cho trẻ em khác, Captains Courageous (bản Những thuyền trưởng dũng cảm của Hoàng Hưng và Hùng Thao, dịch từ bản tiếng Pháp, NXB Trẻ, 1988), Giữa ngàn khơi mong góp thêm một lựa chọn đọc Captains Courageous nói riêng, và tác phẩm Kipling nói chung.

Chú thích: 1. Trích dịch theo Edward Shanks, Rudyard Kipling: A Study in Literature and Political Ideas, in trong cuốn Selected Non-Fictions của Jorge Luis Borges, Eliot Weinberger biên tập, Penguin Books, 1999.