Nhiều nghiên cứu đã cho thấy động vật chân đầu cũng cảm thấy đau đớn. Hiện nay, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đang xem xét các quy định mới về phúc lợi động vật để xếp chúng vào cùng loại với khỉ, chuột.

c
Với khoảng 500 triệu tế bào thần kinh, hệ thống thần kinh của bạch tuộc có phần tương tự với hệ thống thần kinh của động vật có xương sống. Ảnh: Getty Images

Bạch tuộc là loài thông minh và tinh vi, có bộ não lớn nhất trong số các loài động vật không xương sống. Với khoảng 500 triệu tế bào thần kinh, hệ thống thần kinh của nó có phần tương tự với hệ thống thần kinh của động vật có xương sống. Trong các thí nghiệm, bạch tuộc có thể tìm đường thoát khỏi mê cung, mở lọ và hoàn thành các nhiệm vụ khó khăn để nhận phần thưởng là thức ăn. Trong tự nhiên, người ta đã quan sát thấy chúng đang sử dụng các công cụ - một dấu hiệu cho thấy chúng có nhận thức cao.

Các nhà nghiên cứu từ lâu đã kinh ngạc trước khả năng ngụy trang, tái tạo các xúc tubị mất và tiết ra mực như một cơ chế phòng vệ của bạch tuộc.

Bạch tuộc là đối tượng thử nghiệm cho các nghiên cứu về tác động của chất gây ảo giác đến não bộ và chúng thậm chí có thể mơ ngủ. Đáng chú ý, nghiên cứu cho thấy chúng dường như cũng cảm thấy đau đớn.

Hầu hết các loài động vật đều có phản xạ với các kích thích có hại, còn được gọi là cảm giác đau, nhưng không phải tất cả đều nhận thức được rằng cảm giác đó là xấu hoặc khó chịu - một nhận thức mà các nhà khoa học ngày nay cho rằng bạch tuộc và các loài động vật chân đầu khác đều có. Theo họ, đây là bằng chứng cho thấy chúng có khả năng tri giác.

Điều này đã khiến các chuyên gia thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) tự hỏi liệu những động vật này - bao gồm cả mực ống, mực nang và ốc anh vũ - có xứng đáng được bảo vệ trong quá trình nghiên cứu giống như động vật có xương sống hay không. NIH viết trên trang web của mình: “Ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh rằng động vật chân đầu sở hữu nhiều cơ chế sinh học cần thiết để nhận biết cơn đau”. Cơ quan này sẽ tiếp nhận phản hồi từ các nhà khoa học và công chúng cho đến cuối tháng 12.

Hiện tại, động vật không xương sống chưa được liệt kê trong Đạo luật Phúc lợi Động vật ở Hoa Kỳ và chúng cũng không nằm trong tiêu chuẩn quốc gia dành cho động vật thí nghiệm trong các nghiên cứu được liên bang tài trợ. Đối với những động vật được áp dụng những đạo luật và tiêu chuẩn trên như chuột và khỉ, các nhà khoa học phải xin phép hội đồng đạo đức của tổ chức họ cho các thí nghiệm liên quan đến chúng. Các hội đồng đạo đức này đảm bảo rằng các thí nghiệm được đề xuất tuân thủ luật pháp liên bang và giảm thiểu sự đau đớn cũng như đau khổ cho động vật.

Các nhà khoa học thường dùng chuột, khỉ, giun và cá ngựa vằn làm đối tượng để mô phỏng các triệu chứng bệnh ở người và nghiên cứu các quá trình sinh học. Nhưng hiện tại họ ngày càng quan tâm đến việc nghiên cứu động vật chân đầu để xem xét sự di chuyển, hành vi, học tập và sự phát triển của hệ thần kinh, điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều nhà nghiên cứu đang thực hiện các thí nghiệm trên động vật chân đầu.

Robyn Crook, nhà nghiên cứu đầu ngành về động vật chân đầu và là trợ lý giáo sư sinh học tại Đại học bang San Francisco, cho biết việc nghiên cứu động vật chân đầu có thể giúp chúng ta hiểu hơn về cách thức hoạt động của não. Crook là tác giả của một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy bạch tuộc có cảm xúc với nỗi đau - giống như động vật có vú - thay vì chỉ đơn giản là có phản ứng phản xạ với nó. Bà đã đặt bạch tuộc vào một chiếc hộp ba ngăn. Sau khi để các con vật bơi tự do giữa các ngăn, Crook tiêm cho chúng một chất gây nhức có tên axit axetic, và bà nhận thấy bạch tuộc tránh xa căn phòng mà chúng bị tiêm. Nhóm đối chứng được tiêm nước muối không thể hiện phản ứng như vậy.

Sau đó, bà tiêm cho những con bạch tuộc thuốc giảm đau và quan sát thấy rằng chúng có xu hướng thích căn phòng nơi chúng đã được tiêm thuốc giảm đau hơn. Trong khi đó, nhóm được tiêm nước muối lại không tỏ thái độ gì. Bà kết luận đây là bằng chứng cho thấy bạch tuộc trải qua trạng thái cảm xúc tiêu cực khi tiếp xúc với nỗi đau.

c
Một con bạch tuộc được dùng trong nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm sinh học biển ởMassachusetts (Mỹ). Ảnh: New York Times

Mở rộng sang các loài động vật khác

Động thái đầu tiên quan tâm đến tính nhân đạo khi sử dụng động vật chân đầu trong nghiên là vào năm 1991, khi Canada trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng các biện pháp bảo vệ động vật chân đầu. Năm 2010, Liên minh Châu Âu đã thông qua chỉ thị mở rộng các biện pháp bảo vệ đã được áp dụng đối với động vật thí nghiệm có xương sống sang cả động vật chân đầu. Úc, New Zealand, Thụy Sĩ và Na Uy cũng đã áp dụng các quy định tương tự. Năm ngoái, sau khi một báo cáo độc lập kết luận rằng động vật chân đầu và động vật giáp xác có khả năng cảm nhận đau đớn và đau khổ, Vương quốc Anh đã thông qua một văn bản sửa đổi công nhận chúng là sinh vật có tri giác.

Tại Hoa Kỳ, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Harvard đã gửi thư tới NIH vào năm 2020 yêu cầu cơ quan này sửa đổi định nghĩa “động vật” trong chính sách về phúc lợi động vật trong phòng thí nghiệm để bao hàm cả động vật chân đầu. Bức thư đã được gửi đến Quốc hội và vào tháng 10 năm ngoái, 19 nhà lập pháp đã yêu cầu Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, áp dụng các tiêu chuẩn xử lý chăm sóc nhân đạo cho loài này. “Trong những năm gần đây, đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng động vật chân đầu là những sinh vật thông minh, nhạy cảm. Cũng giống như các động vật khác đang được sử dụng trong nghiên cứu y sinh, chúng xứng đáng được đối xử nhân đạo”, nhóm các nhà khoa học viết trong bức thư.

Hiện tại, NIH đang xem xét các khuyến nghị và cơ quan này vẫn chưa ấn định ngày tiến hành những khuyến nghị đó. Một số nhà khoa học cho rằng NIH cũng nên cân nhắc mở rộng chính sách phúc lợi sang các loài động vật không xương sống khác, chẳng hạn như động vật giáp xác. Trong một nghiên cứu vào năm 2013, các nhà khoa học thuộc Đại học Belfast (Anh) đã chỉ ra rằng cua trong bể đã tìm cách tránh bị điện giật và di chuyển đến những khu vực khác nhau trong bể để chúng không bị điện giật. Các tác giả lập luận rằng đây là bằng chứng cho thấy cua trải qua một số dạng đau đớn chứ không chỉ dừng ở phản ứng mang tính phản xạ.

Nguồn: