Mỗi năm, hàng triệu tấn rác thải vẫn được vận chuyển từ các quốc gia phát triển sang những nước nghèo hơn ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latin để tái chế.

Một chiếc xà lan chở rác thải.
Một chiếc xà lan chở rác thải.

Phương án xuất khẩu rác thải thường có chi phí rẻ hơn nhiều so với việc đầu tư cơ sở hạ tầng tái chế tại chỗ. Đó là lựa chọn giúp các nước giàu giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, đồng thời mang lại một nguồn thu nhập bổ sung cho những quốc gia nhập khẩu. Rác trên thực tế thường hiếm khi được tái chế đúng cách mà đơn giản chỉ bị đốt hoặc đổ trộm vào các bãi chôn lấp – gây suy thoái môi trường và đe dọa sức khỏe con người.

Ngay từ thập niên 1970, thành phố Philadelphia ở tiểu bang Pennsylvania đã vận hành các lò đốt rác và gửi tro đến New Jersey để chôn lấp. Năm 1984, giới chức New Jersey phát hiện thấy tro rác thải chứa nồng độ asen, cadmium, chì, thủy ngân, dioxin tương đối cao, bên cạnh nhiều tác nhân độc hại khác, nên quyết định không tiếp nhận nữa. Ngoài ra, sáu tiểu bang khác ở miền Đông Hoa Kỳ cũng ban hành lệnh cấm tương tự khiến Philadelphia – vốn sản sinh khoảng 180.000 tấn tro mỗi năm từ hoạt động đốt rác – lâm vào tình trạng khó xử. Giải pháp là xuất khẩu tro sang những quốc gia áp dụng tiêu chuẩn môi trường ít nghiêm ngặt hơn. Năm 1986, chính quyền thành phố thuê công ty Joseph Paolino & Sons với kinh phí 6 triệu USD để loại bỏ đống tro này. Trong khi Paolino & Sons lại tiếp tục ký hợp đồng với Amalgamated Shipping Corp & Coastal Carrier Inc – đơn vị vận tải biển sở hữu một xà lan chở hàng mang tên Khian Sea.


Rất khó để có những số liệu đáng tin cậy về lượng chất thải độc hại do các nước phát triển xuất khẩu sang những quốc gia nghèo và đang phát triển. Lấy ví dụ, một công ty ở Mỹ hoặc Nhật có thể gọi chất thải của họ là “hàng xuất khẩu” để tránh phải nộp thuế và các khoản phí khác khi mang sang nước sở tại. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc (UN), trong số hơn 50 triệu tấn hàng điện và điện tử bị vứt bỏ hằng năm, chỉ chưa tới 10% là được tái chế, còn lại sẽ trú ngụ tại bãi rác của những nước đang phát triển. Kết quả là hàng triệu người nghèo trên khắp thế giới đang phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ từ các chất thải độc hại này.


Ngày 31/8/1986, hơn 14.000 tấn tro được chất lên con tàu và rời cảng đến Bahamas. Tuy nhiên, Chính phủ Bahamas đã được tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace)1 thông báo về bản chất của lô hàng nên từ chối không cho tàu cập bến. Trong 14 tháng tiếp theo, Khian Sea đã “trôi dạt” trên khắp Đại Tây Dương để tìm nơi đổ hàng. Chủ sở hữu con tàu rất muốn hoàn thành nhiệm vụ để nhận được tiền thanh toán, nhưng không một quốc gia nào chấp nhận “đánh đổi tương lai” bằng cách tiếp nhận lô hàng “ô nhiễm” trên. Con tàu đã lần lượt bị Cộng hòa Dominica, Honduras, Panama, Bermuda, Guinea Bissau và Antilles (lãnh thổ hải ngoại của Hà Lan) từ chối; còn việc quay trở lại Philadelphia cũng là bất khả thi.

Đến tháng 12/1987, Khian Sea tưởng đã tìm được “người nhận”. Chính phủ Haiti được thông báo rằng con tàu chở phân bón nên đã cho phép nó đổ hàng tại một địa điểm gần thị trấn Gonaïves. Nhưng khi các thủy thủ bắt đầu tác nghiệp thì Greenpeace lại một lần nữa vào cuộc. Chính phủ Haiti nhận ra họ đã bị lừa và yêu cầu thuyền trưởng của Khian Sea chất lại hàng để rời đi ngay trong đêm, để lại một đống tro lớn (khoảng 4.000 tấn). Sau đó, con tàu hướng tới Senegal, Morocco, Nam Tư cũ, Sri Lanka và Singapore trong những nỗ lực đàm phán (bao gồm cả hành vi hối lộ) tuyệt vọng. Trải qua hai lần đổi tên, từ Khian Sea thành Felicia, rồi Pelicano, nhưng cách làm này vẫn không thể giúp che giấu danh tính thật của con tàu cùng lô hàng mà nó đang mang. Cuối cùng, chủ sở hữu đành phải điều động thủy thủ đoàn đưa Khian Sea về lại Philadelphia hòng tìm kiếm một giải pháp khác. Nhưng trong khi đang neo đậu trên sông Delaware, một đám cháy bất ngờ đã phá hủy bến tàu và Khian Sea bị buộc phải ra khơi một lần nữa.

Bản đồ xuất khẩu rác thải điện tử trên thế giới. Nguồn: Greenpeace và Mạng lưới Hành động Basel.
Bản đồ xuất khẩu rác thải điện tử trên thế giới. Nguồn: Greenpeace và Mạng lưới Hành động Basel.

Cuối cùng, vào tháng 11/1988, con tàu cập cảng Singapore và lô hàng đã biến mất một cách đầy bí ẩn. Nhiều năm sau, người thuyền trưởng thừa nhận tại tòa rằng số tro đó đã được đổ xuống Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương – hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Năm 1993, chủ sở hữu của Khian Sea bị kết tội gian lận, và bản thân con tàu cũng bị tháo dỡ để lấy phế liệu trước đó một năm.

Hàng nghìn tấn tro hiện vẫn còn nằm lại Haiti, mặc dù mỗi năm mất đi vài chục tấn do mưa gió. Sau đó, vào năm 1999, trước áp lực của Greenpeace và các tổ chức bảo vệ môi trường, công ty Eastern Environmental Services đã đồng ý dọn dẹp đống rác thải “ô nhiễm” này. Năm 2000, phần tro còn lại được chất lên một chiếc sà lan để vận chuyển đến Pennsylvania và vùi trong bãi chôn lấp sau khi trải qua rất nhiều đợt kiểm tra, phân loại của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA).
------
Chú thích
1. Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) được thành lập ở Vancouver, British Columbia, Canada năm 1971, nổi tiếng vì đã phát động những chiến dịch nhằm chống lại nạn săn bắt cá voi. Trong những năm gần đây, mục tiêu trọng tâm của Greenpeace được chuyển qua các vấn đề môi trường khác như nạn đánh bắt cá tận diệt, hiện tượng nóng lên toàn cầu, nạn phá rừng nguyên sinh, năng lượng hạt nhân, và công nghệ gene. Greenpeace hiện có văn phòng tại 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Tổ chức nhận được sự ủng hộ tài chính từ khoảng 3 triệu người, bao gồm các quỹ từ thiện, nhưng không nhận nguồn của chính phủ và doanh nghiệp.