Chính phủ Trung Quốc đang có tham vọng đưa vào thí điểm 178 trại nuôi cá ngoài khơi đến năm 2025, đặc biệt là tại những vùng biển tranh chấp với các quốc gia láng giềng. Một số công ty đóng tàu và dầu khí chủ lực của nước này được xem là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chiến lược đó.

Các đối tác kỹ thuật trên hiện đang cố gắng điều chỉnh, thu nhỏ kích thước của những cấu trúc lớn mà họ đã quá quen thuộc, sao cho phù hợp với ngân sách của đa số công ty nuôi trồng thủy sản, “thường là các doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ, không thể đầu tư quá nhiều cho thiết bị canh tác” – theo ông Michelle Wang Ming, giám đốc nghiệp vụ tại CIMC Blue, một công ty con của Liên danh đóng tàu và giàn khoan CIMC Raffles lớn nhất Trung Quốc, hiện đang phát triển loại lồng Blue Whale 1 để theo đuổi tầm nhìn đó.

Một mô-đun trong kết cấu lồng nổi của De Maas đang được chế tạo tại Thanh Đảo. Ảnh: UCN.

Một mô-đun trong kết cấu lồng nổi của De Maas đang được chế tạo tại Thanh Đảo. Ảnh: UCN.

Tại buổi lễ ra mắt hôm 25/4/2019 tại Yên Đài, tỉnh Sơn Đông – nơi đặt nhà máy của CIMC, lãnh đạo công ty cho biết Blue Whale 1 được thiết kế để thả neo dưới biển, và là “lồng nuôi ngoài khơi đầu tiên của Trung Quốc được trang bị các hệ thống quản lý thông minh”. Được bàn giao cho công ty Thủy sản Hongxiang tại Trường Đảo để nuôi giống cá Hexagrammos otakii đen và vàng của Nhật, lồng còn mang tên khác là “Long Whale 1”, có dạng hình hộp cao 30,5 m, thể tích 60.000 m3, được gắn cảm biến theo dõi cá và tời cuộn lưới tự động trong giai đoạn thu hoạch. Thiết kế trên được đánh giá là phù hợp để triển khai tại vùng biển Hoàng Hải, nơi có độ sâu không quá lớn.

Với kinh phí chế tạo chỉ 40 triệu NDT (5,85 triệu USD), Blue Whale 1 khá khiêm tốn so với mô hình Ocean Farm 1 của SalMar (Nauy) – ước tính đắt gấp 10 lần. Ngoài ra chi phí vận hành lồng trên mỗi m3 thể tích cũng chỉ dao động trong khoảng 700 – 800 NDT (chưa tới 150 USD). Như Wang Ming lý giải, đó là tham số quan trọng nhất cần xem xét khi muốn triển khai lồng nuôi ngoài khơi, và như vậy Blue Whale 1 đang trở nên cạnh tranh nhất trên thị trường. Chưa hết, Wang còn tiết lộ thêm về một thiết kế nữa của CIMC – giải pháp lồng nuôi đa loài neo ngoài biển, có thể tích 27.000m3, với chi phí trên mỗi m3 cao hơn nhưng lại đem đến sự linh hoạt, chủ động cho người nuôi. Ngoài ra, công ty còn chế tạo thêm 26 nhà giàn mini làm chỗ cư trú cho nhân công và là nơi lưu trữ, trông giống như những giàn khoan nhỏ ngoài xa. CIMC Blue đã quảng bá cả ba thiết kế này tại Hội chợ Ngư nghiệp và Thủy sản Thượng Hải (CFSE) hồi đầu tháng 11/2018.

Thiết kế Blue Whale 1 của CIMC Blue. Nguồn: CIMC Blue.
Thiết kế Blue Whale 1 của CIMC Blue. Nguồn: CIMC Blue.

Thiết kế Geng Hai 1 của CIMC Blue với giàn đỡ vững chắc phía đáy và trang bị nhiều hệ thống thông minh. Ảnh: CIMC.
Thiết kế Geng Hai 1 của CIMC Blue với giàn đỡ vững chắc phía đáy và trang bị nhiều hệ thống thông minh. Ảnh: CIMC.

Trong khi các thiết kế của CIMC Blue đã được đúc kết rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí và đóng tàu thì ngược lại, công ty De Maas của Hà Lan và có trụ sở tại Thanh Đảo đang rất nỗ lực chế tạo những hệ thống tương tự từ con số 0 – theo nhà đồng sáng lập Philip Schreven. Điểm khác biệt là lồng nổi De Maas sẽ sử dụng rất ít thép so với các thiết kế khác (loại bỏ những chi tiết thừa), giúp cắt giảm đáng kể chi phí (ước tính chỉ khoảng 650 NDT/m3, rẻ hơn Blue Whale 1) – Schreven khẳng định. Chưa hết, lồng còn có thể chìm xuống khi bão lớn ập đến để tránh thiệt hại. Hiện tại, công ty đang đóng một lồng với thể tích lên đến 150.000m3 giống với thiết kế trên ở xưởng đóng tàu Mawei, tỉnh Phúc Kiến, cho một đối tác nuôi hoàng ngư hay cá lù đù (yellow croaker). Mặt khác, De Maas cũng đang tìm mọi cách để đăng ký bảo hộ và ngăn chặn các đối thủ sao chép thiết kế này.

Tháng 9/2018, một công ty thủy sản Trung Quốc khác là Xinpingmao Fishery tại Chu Hải đã ra mắt mô hình trại nuôi có cấu trúc giống như giàn khoan bán chìm ở ngoài khơi vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông. Được phát triển bởi Học viện Thủy sản Trung Quốc (CAF) hợp tác với Công ty Công nghệ Bảo vệ môi trường Desai ở Thiên Tân, lồng dài tới 91,3 mét, rộng 27,6 mét, và trông giống một con tàu với phần nóc bị gọt.

Long Whale 1 được ra mắt tại Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. Ảnh: CIMC Blue.

Long Whale 1 được ra mắt tại Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. Ảnh: CIMC Blue.

Một tên tuổi khác là Công ty đóng tàu Ngô Xuyên Thanh Đảo cũng tự xây dựng một thiết kế riêng cho đối tác Rizhao Wangzefeng để nuôi cá hồi Đại Tây Dương. Mang tên Blue Farm 1, nó có nhiều điểm tương đồng (gần như sao chép) với Ocean Farm 1 của SalMar, mặc dù nhỏ hơn một chút. Theo Wangzefeng, cá hồi hoàn toàn có thể sống sót qua những tháng hè nóng bức ở Trung Quốc nhờ hưởng lợi từ khối nước lạnh sâu bên dưới của biển Hoàng Hải – điều kiện mà theo nhận định là phù hợp để nuôi quanh năm. Sau khi hoàn tất chế tạo vào tháng 5/2018, Rizhao Wangzefeng đã kéo Blue Farm 1 đến một địa điểm ngoài khơi, cách thành phố Rizhao ven biển Hoàng Hải khoảng 150 km về phía Đông. Tháng 11/2018, Wangzefeng cũng tuyên bố với Tân Hoa Xã (cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc) rằng họ sẽ sớm thu hoạch lô cá đầu tiên để kịp đón Tết Âm lịch (tháng 2/2020).

Giàn khoan của Trung Quốc trên biển Hoàng Hải. Ảnh: Internet.

Giàn khoan của Trung Quốc trên biển Hoàng Hải. Ảnh: Internet.

Mô hình trại nuôi Blue Farm 1 của Công ty đóng tàu Ngô Xuyên Thanh Đảo để nuôi cá hồi Đại Tây Dương. Ảnh: Qingdao Wuchuan Shipbuilding.

Mô hình trại nuôi Blue Farm 1 của Công ty đóng tàu Ngô Xuyên Thanh Đảo để nuôi cá hồi Đại Tây Dương. Ảnh: Qingdao Wuchuan Shipbuilding.

Thử nghiệm Blue Farm 1. Ảnh: Qingdao Wuchuan Shipbuilding.

Thử nghiệm Blue Farm 1. Ảnh: Qingdao Wuchuan Shipbuilding.

Một thiết kế lồng nuôi xa bờ khác nhằm tận dụng tiềm năng của khối nước lạnh ở Hoàng Hải cũng đang được công ty Neptune Blue Ocean Development (NBOD) theo đuổi và thực hiện tại cơ sở ở TP. Uy Hải (tỉnh Sơn Đông). Là một công ty tư nhân do doanh nhân Wang Lingyu thành lập, NBOD đang có kế hoạch đóng 8 chiếc lồng bán chìm với kinh phí 150 triệu USD để nuôi cá hồi. Các lồng sẽ được bố trí sao cho cá hồi sinh sống ở dưới một độ sâu ổn định mà vẫn đảm bảo trao đổi khí để duy trì sự hoạt bát, nhờ sự trợ giúp kết hợp của các thiết bị sục khí và chuông lặn (thường được dùng để cung cấp dưỡng khí cho thợ lặn).

Một tàu khổng lồ phục vụ nuôi cá hồi của Trung Quốc đang được đóng. Ảnh: Internet.

Một tàu khổng lồ phục vụ nuôi cá hồi của Trung Quốc đang được đóng. Ảnh: Internet.

Tháng 6/2018, 26 công ty đóng tàu lớn nhất và nhiều doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc đã cùng ký kết một thỏa thuận khung tại Khu thí điểm mậu dịch tự do Lâm Cảng, Thượng Hải, nhằm thúc đẩy hoạt động thiết kế và chế tạo các mô hình trại nuôi mới. Trong đó phải kể đến một con tàu có thể chứa tới 80.000 m3 nước tại các bể trên thân, với những đường ống dài lủng lẳng được thả xuống sâu bên dưới mặt nước (để hút nước lạnh lên tàu), phục vụ nuôi cá hồi Đại Tây Dương, cá ngừ, cá hổ phách đuôi vàng và hoàng ngư.