Các công ty công nghệ từ lâu đã nổi tiếng với phúc lợi cao và thái độ tích cực chiêu mộ nhân tài, nhưng sau đợt sa thải hàng loạt, mọi thứ đã thay đổi. Các lập trình viên cho biết để được tuyển dụng, họ có thể phải mất nhiều ngày làm các bài kiểm tra không công với những nhiệm vụ khó nhằn.

Vào năm 2022, sau khi kiệt sức vì quãng thời gian đại dịch và năm năm lao lực tại một công ty lưu trữ đám mây, Catherine quyết định đã đến lúc mình cần phải nghỉ ngơi, làm những việc mình ấp ủ từ lâu, như dành năm tháng đi bộ hơn 4.000km dọc Đường mòn Pacific Crest. Đến cuối năm 2023, chị đã sẵn sàng trở lại tìm kiếm một công việc liên quan đến kỹ thuật phần mềm khác. Song hóa ra giờ đây cơ hội tìm kiếm việc làm còn khó khăn hơn so với việc đi bộ đường dài.

Trong một buổi phỏng vấn gần đây, Catherine đã được giao một nhiệm vụ làm tại nhà: Xây dựng một ứng dụng dành cho máy tính để bàn, kết nối nó với một mô hình hệ thống phụ trợ và soạn văn bản giải thích kỹ lưỡng về từng bước. Sau khi dành cả ngày để lập trình mà công việc vẫn chưa xong, Catherine rút lại đơn xin việc.

Đó là một dấu hiệu - cho thấy các cuộc phỏng vấn trong ngành công nghệ đã trở nên khắt khe hơn. Chẳng hạn, ttrong một cuộc phỏng vấn cho vị trí kỹ sư tại Netflix, một nhà tuyển dụng đã yêu cầu ứng viên gửi bản đánh giá dự án dài ba trang trong vòng 48 giờ - tất cả đều trước vòng phỏng vấn đầu tiên. Tương tự, ứng viên ứng tuyển vào Snap đã nhận được một email tóm tắt quy trình phỏng vấn gồm sáu vòng dành cho một ứng viên kỹ thuật tiềm năng, mỗi phần kéo dài một giờ.

Laszlo Bock, Phó chủ tịch phụ trách nhân sự trong 10 năm, và hiện là cố vấn của Công ty Đầu tư mạo hiểm General Catalyst, cho biết sự thay đổi này một phần là do người sử dụng lao động giờ đây có thể thể hiện quyền lực của mình nhiều hơn trong một thị trường lao động cạnh tranh.

Kết quả là các lập trình viên đã phải bỏ ra hàng giờ làm việc không công mà chưa chắc được nhận. Buzz Andersen, cựu kỹ sư tại Apple, Square và Tumblr, gần đây đã tham gia các buổi tuyển dụng, lưu ý rằng “các cuộc phỏng vấn việc làm gần đây trong ngành công nghệ đã lên đến một mức độ vô lý kinh khủng”.

Nâng tiêu chuẩn

Năm ngoái, ước tính có khoảng 260.000 nhân viên tại 1.189 công ty công nghệ đã bị sa thải, theo công cụ theo dõi cập nhật trực tiếp có tên Layoffs.fyi. Và tình trạng sa thải vẫn tiếp tục kéo dài đến năm 2024, buộc lượng nhân tài dồi dào phải gia nhập một thị trường vốn đã cạnh tranh khắc nghiệt. Ước tính có khoảng 41.000 nhân viên công nghệ đã bị sa thải trong năm nay.

Tất nhiên, không phải tất cả nhân viên công nghệ bị mất việc đều là kỹ sư. Aline Lerner, người điều hành một startup cung cấp nền tảng luyện tập phỏng vấn phổ biến có tên Interviewing.io, cho rằng tổng số kỹ sư bị sa thải năm ngoái là gần 15.000.

Trước đây rất hiếm khi ứng viên phải làm những bài kiểm tra lập trình tại nhà, nó chỉ xảy ra khi  nhà tuyển dụng vẫn còn phân vân về năng lực của ứng viên. Giờ đây, những người được phỏng vấn thường xuyên được giao các dự án phải mất nhiều ngày làm việc. Ảnh: Information-age
Trước đây rất hiếm khi ứng viên phải làm những bài kiểm tra lập trình tại nhà, nó chỉ xảy ra khi nhà tuyển dụng vẫn còn phân vân về năng lực của ứng viên. Giờ đây, những người được phỏng vấn thường xuyên được giao các dự án phải mất nhiều ngày làm việc. Ảnh: Information-age

Dữ liệu từ Interviewing.io cho thấy tiêu chuẩn phỏng vấn đã cao hơn nhiều. Khách hàng của Interviewing.io sẽ trả từ 225 USD trở lên để luyện tập phỏng vấn với những nhà quản lý tuyển dụng có kinh nghiệm. Những người quản lý này tiến hành các buổi phỏng vấn thử và sau đó đưa ra phản hồi chi tiết. Trong tám năm qua, startup của Lerner đã lưu lại điểm số của những buổi phỏng vấn này. Ứng viên được chấm điểm không chỉ dựa trên tiêu chí kiến thức, mà còn cả những tiêu chí như khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp.

Lerner tiết lộ, kể từ năm 2022, khả năng đạt được điểm “đồng ý tuyển dụng” trong một cuộc phỏng vấn kỹ thuật đã khó hơn khoảng 22%. “Xu hướng này rất dễ nhận thấy,” chị nói. “Nó không gói gọn trong các cuộc phỏng vấn tại một số công ty công nghệ lớn, mà cả ở những công ty công nghệ khác nữa.”

Trên ứng dụng Blind, một ứng dụng thảo luận ẩn danh, một số kỹ sư cho biết các cuộc phỏng vấn tạo ra cảm giác “vô lý”. Một người dùng đã viết vào đầu tháng hai rằng tiêu chuẩn để được tuyển dụng vào làm nhân viên của những gã khổng lồ công nghệ là “hai [bài kiểm tra] mức độ trung bình/khó của nền tảng lập trình trực tuyến LeetCode trong vòng 40 phút và hầu hết bạn bè của tôi đều thất bại”. Một nhân viên khác phàn nàn trên Blind rằng việc chuẩn bị cho các câu hỏi của LeetCode đòi hỏi “hàng trăm giờ” chuẩn bị.

Đối với những nhà tuyển dụng đang nỗ lực tìm kiếm nhân tài công nghệ, việc kiểm tra kỹ lưỡng những ứng viên tiềm năng là điều cần thiết cho dù thị trường lao động đang diễn ra như thế nào. “Mỗi đợt tuyển dụng đều rất quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi chỉ có 14 người,” Jessica Powell, cựu nhân viên Google, hiện là CEO của Công ty Khởi nghiệp AI AudioShake , chia sẻ.

Gian lận khi phỏng vấn

Cũng giống như nhiều hoạt động khác trong ngành công nghệ, hoạt động tuyển dụng cũng đã có phần thay đổi bởi sự bùng nổ của AI trong thời gian qua. Đôi khi, các nhà quản lý đã tuyển dụng phải những kỹ sư không có tay nghề cao, vì những kỹ sư này đã ứng dụng AI để gian lận trong buổi phỏng vấn.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, những người tìm việc hiện đang tích cực sử dụng AI vào quá trình tìm kiếm việc làm. Mùa thu năm ngoái, một video TikTok với hơn 100.000 lượt thích đã giới thiệu cách một ứng viên xin việc “không có kiến ​​thức” có thể trả lời trôi chảy câu hỏi của nhà tuyển dụng trong cuộc phỏng vấn video nhờ ChatGPT. Trong một video khác được đăng trên YouTube, một lập trình viên giới thiệu tiện ích mở rộng của trình duyệt ChatGPT giúp ứng viên trả lời nhanh câu hỏi phỏng vấn về việc Javascript là ngôn ngữ lập trình đơn luồng hay đa luồng.

Lerner cho rằng những vụ gian lận này có thể buộc các công ty công nghệ phải đánh giá lại quy trình phỏng vấn của họ. Nhóm phát triển tại Interviewing.io đã công bố kết quả của một thử nghiệm mà họ mới tiến hành trên những người được phỏng vấn sử dụng ChatGPT. Những nhà tuyển dụng không được thông báo rằng ứng viên có thể dùng ChatGPT, trong khi đối tượng phỏng vấn sẽ được hướng dẫn rõ ràng cách sử dụng ChatGPT cho các bộ câu hỏi của LeetCode, cũng như một số câu hỏi tùy chỉnh. (Interviewing.io không quay video các cuộc phỏng vấn thử vì lý do riêng tư)

Trong số 32 cuộc phỏng vấn, không một nhà tuyển dụng nào nhận ra rằng người ở đầu bên kia đang sử dụng ChatGPT để “qua mặt họ”.

Lerner hy vọng mối đe dọa của AI sẽ buộc các công ty phải suy nghĩ lại về cách thức phỏng vấn của họ. “Rất nhiều công ty công nghệ này đang sử dụng đi sử dụng lại các chiến thuật phỏng vấn giống nhau và điều đó thật lố bịch,” chị nhận định. “Tôi nghĩ với sự ra đời của ChatGPT, các công ty sẽ phải suy xét lại và bắt đầu đặt ra những câu hỏi có ý nghĩa hơn”.

Andersen, cựu nhân tiên của startup Fable, vừa tìm được công việc mới. Anh ấy đã từ chối khi công ty tuyển dụng yêu cầu anh hoàn thành các bài kiểm tra trên Coderpad - một nền tảng tương tự như LeetCode. May mắn thay, công ty đã linh động chuyển sang hình thức tương tác, đánh giá trực tiếp.

Catherine, người đã quay trở lại thị trường tuyển dụng sau quãng thời gian nghỉ việc để tham gia chuyến đi bộ đường dài, cũng đã quyết định rằng chị sẽ không lãng phí thời gian vào những buổi đánh giá, phỏng vấn nặng nề. Thay vào đó, chị tập trung vào những công ty nhỏ mà ngay từ đầu chị nghĩ sẽ phù hợp hơn với kỹ năng của bản thân. Mức độ cạnh tranh để có được công việc kỹ thuật lương cao tại các công ty như “FAANG” (Meta, Apple, Amazon, Netflix và Alphabet) quá lớn. “Tôi đã lọc rất kỹ những công ty nhỏ hơn để tìm nơi có môi trường làm việc tích cực”, Catherine chia sẻ.

Hiện chị vẫn chưa tìm được công việc tiếp theo nhưng chị đã đi phỏng vấn ở ba nơi. Cho đến nay, các buổi phỏng vấn đều mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu.

Theo WIRED