Kak Rose, chủ một nhà hàng nhỏ 25 năm tuổi ở Malaysia đã gần như phải đóng cửa, chỉ còn bán rất ít suất mang về, khi chính phủ ban hành Lệnh kiểm soát di chuyển để đối phó với đại dịch COVID-19.

Chuyển đổi số để sinh tồn

Kak Rose, chủ một nhà hàng nhỏ 25 năm tuổi ở Malaysia đã gần như phải đóng cửa, chỉ còn bán rất ít suất mang về, khi chính phủ ban hành Lệnh kiểm soát di chuyển để đối phó với đại dịch COVID-19. Rose đã đăng ký để tham gia sáng kiến giao đồ ăn mới mang tên E-Kitchen của Grab, thanh toán không dùng tiền mặt và phục vụ nhiều khách hàng hơn, khiến doanh số bán hàng tăng 50%. Cô dự tính sau đại dịch vẫn sẽ chuyển một phần kinh doanh của mình sang trực tuyến vĩnh viễn.


Những câu chuyện tương tự có thể được tìm thấy trên khắp Đông Nam Á. Khi hoạt động gọi xe phải dừng do các lệnh hạn chế di chuyển, Grab đã nhanh chóng thích nghi bằng cách chuyển gần 150.000 đối tác tài xế ở khắp Đông Nam Á sang giao hàng, cho phép các tài xế trở thành huyết mạch của thị trường và tiếp tục có thu nhập. Họ cũng cho ra đời nền tảng GrabMerchant giúp các doanh nghiệp thiết lập một cửa hàng trực tuyến chỉ trong vòng 24h.

Tất nhiên, Grab không làm tất cả điều này từ lòng tốt của chính mình. Họ đang tiếp cận theo hướng “cùng thắng” – giúp càng nhiều doanh nghiệp SME số hóa hơn để mở rộng lượng người dùng và tăng doanh thu từ các dịch vụ trên nền tảng của Grab.

Mới số hóa những hợp phần dễ nhất

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Malaysia chiếm tới 98,5% số công ty. Trái với lầm tưởng cho rằng SME không cần thiết phải số hóa do quy mô nhỏ của họ, các doanh nghiệp số hóa lại đang được hưởng lợi từ việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số làm tăng từ 26-60% năng suất. Nếu gần 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ này chuyển đổi số thành công, nền kinh tế Malaysia sẽ thu được lợi ích đáng kể, bởi khu vực SME đã chiếm khoảng gần 40% GDP của Malaysia.

Nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường coi số hóa là một công việc phức tạp, tốn kém nên chỉ tập trung vào những khâu đơn giản, sử dụng công nghệ cơ bản và dễ dàng nhất trong số hóa. Theo khảo sát của Viện nghiên cứu Khazanah, việc áp dụng kỹ thuật số của SME tập trung nhiều vào phần giao diện “bề nổi” tiếp xúc khách hàng như phát triển web, thương mại điện tử, thiết bị và kết nối máy tính (85%).

Trong khi đó, những quy trình phức tạp hơn thuộc về quản lý nội bộ mới chỉ được số hóa ở mức khiêm tốn, chẳng hạn như quản lý hàng tồn kho (14%) và phần mềm thực hiện đơn hàng (11%). Chưa đầy một nửa doanh nghiệp SME sử dụng hệ thống tài chính và kế toán kỹ thuật số. Chỉ có 44% và 54% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng điện toán đám mây và phân tích dữ liệu.

Những thách thức từ trước số hóa vẫn còn

Những thách thức lớn nhất đối với số hóa doanh nghiệp SME không chỉ ở khả năng số hóa mà là những vấn đề nội tại từ trước đại dịch, gồm tài chính, kỹ năng của nhân viên và công nghệ không đầy đủ, bà Gong nhận xét.

Bất chấp sự hỗ trợ của chính phủ trong thời kì khó khăn, khoảng 50% doanh nghiệp SME cho biết thiếu vốn là một trở ngại chính cho số hóa, trong khi 60% nói rằng họ không biết về các lựa chọn tài chính của mình. Chỉ một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp SME tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính để thay đổi các kênh thanh toán cho các dịch vụ trên Internet của mình.

44% doanh nghiệp SME cho rằng băng thông rộng - giá cao và tốc độ thấp là rào cản chính đối với việc sử dụng dịch vụ đám mây. Ngoài ra, 48% doanh nghiệp SME phàn nàn rằng kỹ năng nhân viên của họ không phù hợp cho việc số hóa. Ví dụ như các nhân viên cần phải phát triển cả kỹ năng bán hàng, tiếp thị, quản lý kinh doanh và công nghệ thông tin. Đây là một thách thức lớn với những doanh nghiệp ngay từ đầu không xác định sẽ đầu tư nhiều vào học hỏi và nâng cao năng lực của nhân viên. Các doanh nghiệp này cũng thường thiếu những người chuyên về công nghệ hoặc không tìm được các nhà tư vấn công nghệ phù hợp.

Ngay cả các doanh nghiệp SME đã hiện diện trực tuyến cũng cần nhiều trợ giúp hơn - 76% muốn tăng khả năng hiển thị của mình trên Internet, trong khi 56% cho biết họ cần thêm công cụ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cung cấp góc nhìn chi tiết hơn về khách hàng - theo một khảo sát nội bộ của Grab.

Chính phủ: không chỉ hỗ trợ tiền bạc

Chính vì những khó khăn trong việc chuyển đổi số, các doanh nghiệp SME cần sự hỗ trợ lớn từ chính phủ. Trên thực tế, thời gian qua, chính quyền Malaysia đã chú tâm vào chuyển đổi số và đưa ra chương trình thúc đẩy SME - từ cung cấp tiền trực tiếp để doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ số đến đầu tư cho các chương trình đào tạo kỹ năng, kết nối công nghệ và cải thiện hạ tầng viễn thông.

Tuy nhiên, các sáng kiến của chính phủ có thực sự hiệu quả? Trước Covid, Malaysia đã đưa ra Kế hoạch kết nối và cáp hóa quốc gia (NFCP) với trọng tâm là áp dụng công nghệ 5G và kết nối Internet nhanh hơn và rẻ hơn trên toàn quốc. Để giúp SME ứng phó với đại dịch, Malaysia đã tuyên bố phân bổ 100 tỷ RM trong 5 năm để hỗ trợ 100.000 doanh nghiệp theo Gói kích thích kinh tế Prihatin. Thông qua sáng kiến số hóa SME này, Malaysia sẽ cung cấp các khoản tài trợ 50% lên đến 5.000 RM cho mỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ đăng ký các dịch vụ kỹ thuật số.

Bất chấp kỳ vọng của chính phủ, chỉ có 25% SME đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi số của mình do đại dịch Covid-19, trong khi 60% vẫn bị chậm lại. Trên thực tế, các doanh nghiệp không dễ tiếp cận được các khoản hỗ trợ này vì vấp phải nhiều thủ tục hành chính trói chân. Một số doanh nghiệp SME đã nộp đơn xin ưu đãi kể từ tháng tư, nhưng đến tháng 12 vẫn không được phê duyệt.

Datuk Michael Kang, Chủ tịch quốc gia của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia, ước đoán có thể cuối cùng chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp được hỗ trợ so với mục tiêu 20.000 của năm. Thực tế, cho đến cuối thời hạn giải ngân vào tháng 12/2020, mới chỉ 2.000 doanh nghiệp được hỗ trợ.

“Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ không còn bận tâm đến các khoản tài trợ của chính phủ nữa. Họ thà tự chi trả để tồn tại trong đại dịch,” Kang nói. Bởi vậy, ông kêu gọi chính phủ cải thiện việc thực thi chính sách, đặt ra các chỉ số hiệu suất (KPI) rõ ràng và xem xét tại sao các quỹ lại phân phối chậm như thế.

Kang hi vọng rằng cơ quan chính phủ sẽ có thể làm nhiều hơn nữa trong việc tiếp cận cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ để giảm rào cản thông tin. Ông lý giải, thay vì độc lập trong các quyết sách, thì các cơ quan công quyền nên hợp tác sâu hơn với các hiệp hội doanh nghiệp hoặc các nhà lãnh đạo ngành công nghệ để lắng nghe và được phản hồi lập tức về hiệu quả chính sách, từ đó điều chỉnh các chính sách phù hợp hơn với doanh nghiệp.

Rachel Gong, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Khazanah ở Kuala Lumpur và những nhà quan sát khác cho rằng các nỗ lực của Chính phủ Malaysia đang đi đúng hướng, tuy nhiên, chúng cần được thực thi tốt hơn nữa để tiếp cận nhiều đối tượng hơn với cường độ cao hơn. Để đạt được một nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện có lợi cho tất cả các bên, Gong nhấn mạnh rằng trước mắt, chính quyền cần đảm bảo một nền tảng hạ tầng cho số hóa với chất lượng và giá cả phải chăng; khuyến khích doanh nghiệp số hóa ở các quy trình nội bộ tiên tiến hơn, và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, bao gồm cả biết đến các chương trình ưu đãi của chính phủ về chuyển đổi số khi mà có tới 60% doanh nghiệp nói rằng họ không biết tới các lựa chọn tài chính để chuyển đổi số của mình trong mùa dịch COVID.

Theo Techwire Asia, The Edge Malaysia, New Straits Times