Đầu tư qua lăng kính giới (Gender lens investing) là các khoản đầu tư có cân nhắc đến yếu tố giới tính của người chủ doanh nghiệp, sự công bằng về giới tại nơi làm việc của doanh nghiệp, hoặc các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp hướng đến cải thiện cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em gái.

Doanh nghiệp do nữ làm chủ đang phát triển ở Việt Nam. Trong ảnh, một buổi chia sẻ kiến thức của chuyên gia với các nữ doanh nhân năm 2017 | Ảnh: Ngaynay
Doanh nghiệp do nữ làm chủ đang phát triển ở Việt Nam. Trong ảnh, một buổi chia sẻ kiến thức của chuyên gia với các nữ doanh nhân năm 2017 | Ảnh: Ngaynay

Nó cũng bao hàm việc nhà đầu tư là phụ nữ, bởi những nhà đầu tư này có xu hướng đồng tình và ưu tiên các giá trị về giới trong những doanh nghiệp mà họ hỗ trợ.

Theo một cuộc khảo sát gần đây từ Viện Đầu tư Bền vững Morgan Stanley, 67% chủ sở hữu tài sản toàn cầu xác định đa dạng giới tính là một lĩnh vực quan tâm trong danh mục đầu tư của họ.

Họ thấy rằng các khoản đầu tư vào doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ không chỉ tạo ra những thay đổi có ý nghĩa trong xã hội mà còn đem lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư. Nghiên cứu của Viện kinh tế quốc tế Pearson (PIIE) cho thấy trong số các công ty được chọn mẫu khảo sát, những doanh nghiệp mà ít nhất 30% lãnh đạo là phụ nữ có lợi nhuận ròng kỳ vọng cao hơn 6 điểm phần trăm so với các công ty không có lãnh đạo nữ.

Trên toàn thế giới, lượng vốn rót vào các quỹ đầu tư có lăng kính giới hoặc có danh mục đầu tư cân bằng về giới đang ngày một tăng. Năm 2013, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã phát hành "Trái phiếu phụ nữ". Công cụ tài chính này cho đến nay đã phân bổ ít nhất 175 triệu USD cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Kể từ đó, các ngân hàng phương Tây như Morgan Stanley, Barclays, Ngân hàng Hoàng gia Canada và các ngân hàng lớn khác cũng đưa ra các quỹ tập trung vào việc tăng dòng vốn cho các nữ doanh nhân và các doanh nghiệp và hợp tác xã do phụ nữ đứng đầu.

Năm 2018, các quốc gia G7 cũng đã phát động Thử thách 2X để huy động 3 tỷ USD để trao quyền kinh tế cho phụ nữ ở các nước đang phát triển. Các khoản đủ điều kiện nhận đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí tối thiểu cho phụ nữ trong việc lãnh đạo, quản trị, sở hữu tài sản và tham gia vào lực lượng lao động, hoặc cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ có lợi cho phụ nữ.

Châu Á là khu vực lớn thứ hai về đầu tư qua lăng kính giới. Vốn đầu tư đã tăng gấp đôi vào năm 2019, theo báo cáo của APVN. Tính đến năm ngoái, đã có 37 sản phẩm đầu tư tư nhân và 10 sản phẩm đầu tư công cộng nhắm đến thị trường này với tổng giá trị quản lý lên tới 1,4 tỷ USD.

Đào tạo nhà đầu tư ở Đông Nam Á

Xu hướng đầu tư có lăng kính giới đang được các nhà đầu tư ở Đông Nam Á cân nhắc. Ba quốc gia là Indonesia, Philippines và Việt Nam chiếm tới 80% trong tổng số các thương vụ đầu tư qua lăng kính giới trong khu vực. Trong số đó, báo cáo hồi tháng 3 do tổ chức Investing In Women và Value For Women thực hiện cho biết có tới 85% là nguồn vốn từ các nhà đầu tư thiên thần.

Mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần Manila (MAIN) của Philippines tạo điều kiện để các nữ doanh nhân tìm được phương thức vốn phù hợp | Ảnh: MAIN
Mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần Manila (MAIN) của Philippines tạo điều kiện để các nữ doanh nhân tìm được phương thức vốn phù hợp | Ảnh: MAIN

Để thúc đẩy việc kết nối đầu tư qua lăng kính giới, một chương trình đào tạo mạng lưới nhà đầu tư xuyên biên giới Đông Nam Á mang tên "Beyond 2021: Investing across borders and innovation" đã được khởi động.

Chương trình do Frontiers Lab Asia và chính phủ Úc bảo trợ, với sự tham gia của tổ chức thúc đẩy kinh doanh Spring Activator (Canada), mạng lưới nhà đầu tư thiên thần ANGIN (Indonesia), vườn ươm doanh nghiệp tạo tác động Villgro (Philippines), quỹ đầu tư mạo hiểm Invest2Innovate (Pakistan) và doanh nghiệp huấn luyện về đổi mới sáng tạo KisStartup (Việt Nam).

Ngày 18/8, Chương trình đã khởi động bằng một hội nghị cấp cao và sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2021.

Bà Juan Tolosa, quản lý dự án cho biết Chương trình nhằm giúp các nhà đầu tư làm quen với cách đầu tư qua lăng kính giới thông qua việc sử dụng case-study và các mô hình hoạt động được áp dụng trên thế giới. Các nhà đầu tư sẽ được kết nối 1:1 và kết nối nhóm với doanh nghiệp và các bên liên quan để giúp nhà đầu tư mở rộng mạng lưới đối tác.

Theo đại diện ban tổ chức, ngay cả khi Chương trình kết thúc, các nhà đầu tư vẫn có cơ hội kết nối tới những dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng do phụ nữ lãnh đạo trong khu vực Đông Nam Á, bởi họ kỳ vọng sẽ xây dựng được một cộng đồng đầu tư xuyên biên giới tại đây.