Sau bảy năm triển khai, Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2013-2018, kéo dài tới tháng 6/2020 (Chương trình Tây Bắc) đã đưa ra được những kết quả nghiên cứu ứng dụng, làm cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm theo nhu cầu của nhiều địa phương.

Nhưng đây cũng là lúc các địa phương tiếp tục đặt câu hỏi, trong nhiều lĩnh vực có tiềm năng như vậy, đâu là điểm nhấn cần tập trung để tạo đột phá trong phát triển. Đó là vấn đề được các đại biểu quan tâm đặt ra tại Hội nghị Tổng kết Chương trình Tây Bắc do ĐHQG HN phối hợp cùng với Bộ KH&CN tổ chức ngày 24/7.

Là một trong những vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khó khăn, đặc thù đa dạng tộc người cao, luôn có tỉ lệ nghèo đói cao nhất cả nước nên Tây Bắc vẫn lúng túng với câu hỏi có tiềm năng gì để phát triển trong suốt nhiều năm qua. Chương trình Tây Bắc đặt ra mục tiêu đánh giá các nguồn lực của vùng để đưa ra mô hình phát triển kinh tế xã hội phù hợp, nghiên cứu và chuyển giao các giải pháp khoa học để phát huy các nguồn lực riêng có ở đây. Sau bảy năm thực hiện, “Chương trình đã điều phối và thu hút 40 tổ chức và tổng số 600 nhà khoa học đăng ký tham gia chủ trì thực hiện đề tài đến từ nhiều tổ chức KHCN trong cả nước. Có 200 tổ chức khoa học lớn tham gia phối hợp thực hiện, trong đó có 12 sở ngành thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc. Toàn bộ 58 đề tài, dự án thuộc chương trình được tiến hành dựa trên CSDL có độ tin cậy cao, các phương pháp nghiên cứu, triển khai, cách tiếp cận phong phú, đa dạng, hiện đại, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ”, theo GS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG HN tổng kết tại Hội nghị. Đặc biệt, để bám sát định hướng ứng dụng, phục vụ tốt nhất cho các hoạt động kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng, Chương trình có điểm mới là “có sự tham gia tích cực ngay từ đầu của chính quyền các địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nhà khoa học trong vùng vừa với tư cách là cộng tác viên, là người đặt hàng, người đánh giá (định kỳ, nghiệm thu) và vừa là người trực tiếp sử dụng kết quả của Chương trình”, GS Nguyễn Kim Sơn nói.

Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Giám đốc ĐHQG HN Nguyễn Kim Sơn tham quan gian hàng giới thiệu kết quả Chương trình Tây Bắc. Ảnh: Ngũ Hiệp.

Nhờ những nỗ lực đó, nhìn về tổng thể, Chương trình Tây Bắc “đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá. “Nhiều kết quả từ các nhiệm vụ nghiên cứu đã và đang được chuyển giao/bàn giao cho các ban, bộ, ngành, địa phương. Tiêu biểu là các kết quả về: Bộ cơ sở dữ liệu liên ngành, các luận cứ khoa học, các khuyến nghị,… phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh; Các mô hình, tiêu chí và bản đồ quy hoạch phát triển bền vững vùng; Các mô hình về sinh kế, nuôi trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

Đại diện các địa phương – những “người đưa ra đơn đặt hàng” để nghiên cứu đều hào hứng trước các kết quả nghiên cứu được báo cáo hoặc mô hình, giải pháp khoa học công nghệ đã bước đầu được triển khai thử nghiệm. Tại hội nghị, Giám đốc sở KH&CN tỉnh Hà Giang cho biết đã nhận được kết quả của 13 nhiệm vụ nghiên cứu mà tỉnh đặt hàng và giờ đây có 7 dự án được triển khai ứng dụng, đưa vào đời sống. Hầu hết những dự án ở tỉnh này đều rất thiết thực với đời sống của người dân của một tỉnh có điều kiện khó khăn nhất của khu vực miền núi phía Bắc, như lọc nước; dự báo thời tiết tiểu vùng và cháy rừng, bầu ươm cây tự hủy, di thực và bảo tồn một số loài dược liệu quý…

Không chỉ những tỉnh nhận được nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng như vậy mới đánh giá cao vai trò của Chương trình, mà Phú Thọ, dù chỉ tham gia một nhiệm vụ về xây dựng cơ sở dữ liệu y tế nhưng đã nhận thấy bộ dữ liệu này “hỗ trợ rất đắc lực cho hệ thống y tế ở Phú Thọ” và nhận thấy các đề tài, nhiệm vụ khác của chương trình đều có ý nghĩa thiết thực với địa phương nên cuối năm 2019 vừa qua đã “đăng ký tiếp thu 22 kết quả nghiên cứu của chương trình”, theo ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Phú Thọ.

Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, lãnh đạo Sở KH&CN, Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, Công ty CPNN Chiềng Sung và chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý hạt ngô giống bằng một số nano kim loại để tăng năng suất thu hoạch của cây ngô tại một số địa phương vùng Tây Bắc” kiểm tra tiến độ đề tài. Nghiên cứu này đã nâng năng suất thu hoạch ngô lên tới 20%.

Tuy nhiên, những nghiên cứu này mới chỉ là cơ sở khoa học ban đầu để đánh giá xác định tiềm năng của các nguồn lực ở vùng. Các mô hình và triển khai tại vùng chưa có đủ thời gian để phát huy hết các giá trị. Nhiều đề tài đã cung cấp luận cứ khoa cho phát triển bền vững của vùng nhưng chưa đủ thời gian và nguồn lực tài chính để triển khai xây dụng các dự án chuyển giao có sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp theo hướng vùng và liên kết vùng. Nhiều đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phát triển dược liệu, mô hình thí điểm,…cần thêm thời gian triển khai thử nghiệm (2-3 vụ trồng) để xác định tính hiệu quả trước khi chuyển giao và nhân rộng cho người dân và địa phương. Nhu cầu đặt hàng, đề xuất nghiên cứu vẫn còn rất lớn, ban chủ nhiệm Chương trình cho biết các địa phương trong toàn vùng đã đưa ra tới khoảng 2000 đề xuất, trong khi số lượng được triển khai còn khiêm tốn - mới chỉ dừng lại ở 58 nhiệm vụ. Vì vậy Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét quyết định tiếp tục triển khai “Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (giai đoạn 2021-2025)”. Các nhiệm vụ được triển khai trong giai đoạn 2013-2020 sẽ là cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô và nghiên cứu chiều sâu trong giai đoạn 2021-2025.

Từ phía mình, các địa phương cũng đưa ra “đơn hàng” trong thời gian tới ngay tại Hội nghị. Ông Phan Trọng Tấn cho biết tỉnh cần các nhà khoa học nghiên cứu xác định thế mạnh của địa phương mình. Bởi vì hiện nay “chúng tôi tự thấy mình có nhiều thế mạnh, về vị trí địa lý gần Hà Nội và dễ dàng kết nối với nhiều địa phương khác, có diện tích lớn, nguồn nhân lực cho sản xuất đông…Chúng tôi có thể phát triển nhiều lĩnh vực, nhưng lấy gì làm đột phá thì chúng tôi rất cần các nhà khoa học xác định cùng”, ông Tấn nói. Một ví dụ cụ thể có thể dễ dàng nhìn thấy là, Phú Thọ có vùng sản xuất chè lớn nhưng “thương hiệu chè chưa có, chưa xác định được chè Phú Thọ ở đâu trong chuỗi giá trị chè”, và bản thân tỉnh “khó khăn trong việc xác định điều đó” và ông mong là trong giai đoạn hai Phú Thọ sẽ tham gia để tìm câu trả lời.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đánh giá cao những kết quả đạt được của Chương trình KH&CN Tây Bắc, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ KHCN để quản lý điều hành chương trình. Theo đó, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định tiếp tục triển khai Chương trình KH&CN Tây Bắc giai đoạn 2021-2025. Các nhiệm vụ được triển khai trong giai đoạn 2013-2020 sẽ là cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô trong giai đoạn 2021-2025. Bộ KH&CN cùng Bộ Tài chính cần lưu ý đầu tư kinh phí cho Chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là cho các đề tài, dự án triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình chuyển giao cho các sản phẩm KHCN vào sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc và các cơ quan, doanh nghiệp vùng Tây Bắc. Trong quá trình thực hiện cần huy động tốt các nguồn lực địa phương, doanh nghiệp, các nguồn lực quốc tế. Cần xác định rõ cơ chế phối hợp để lồng ghép các đề tài, dự án của Chương trình KH&CN Tây Bắc với các chương trình kinh tế -xã hội khác.

Một số kết quả nổi bật của Chương trình Tây Bắc

55 đề tài, 03 dự án sản xuất thử nghiệm. Trong đó 31 đề tài có sự tham gia của doanh nghiệp và địa phương;
21 sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ; 11 sản phẩm được công nhận độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích và tiến bộ kỹ thuật; 05 sản phẩm được thương mại hoá;
Hơn 20,000 đơn vị sản phẩm thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng được sản xuất thử nghiệm theo quy chuẩn;
42 mô hình thử nghiệm, mô hình trình diễn phục vụ sinh kế, mô hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
56 quy trình công nghệ trong lĩnh vực y dược; chế biến thực phẩm; quy trình kỹ thuật trong trồng trọt; chăn nuôi; xử lý ô nhiễm môi trường; phát triển năng lượng mới; hồ sơ thiết kế hệ thống máy móc và dây chuyền sản xuất trong nông nghiệp.
22 hệ thống bản đồ trong các lĩnh vực quy hoạch phát triển bền vững; không gian văn hoá lịch sử, dân tộc; định hướng phát triển sinh kế bền vững, du lịch sinh thái gắn với di sản tự nhiên...
39 sổ tay, cẩm nang hướng dẫn các quy trình sản xuất và thực thi giải pháp, kỹ năng hoạt động; các bộ công cụ, bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực phát triển; bộ cơ sở dữ liệu liên ngành 14 lĩnh vực hoạt động vùng Tây Bắc...