Từ lâu, ngành thể thao đã trở thành một cỗ máy kinh tế khổng lồ, ước tính, doanh thu toàn cầu của ngành thể thao, bao gồm tiền tài trợ, doanh thu tại cổng, phí bản quyền truyền thông và bán sản phẩm thương mại, năm 2013 đạt 133 tỷ USD; trong khi đó ngành hàng thể thao như thiết bị, may mặc và giày dép ước tính đạt mức khoảng 300 tỷ USD.

Giải đua xe đạp Tour de france nổi tiếng thế giới. Ảnh: AP
Giải đua xe đạp Tour de france nổi tiếng thế giới. Ảnh: AP

Ngành công nghiệp này đang được hỗ trợ không nhỏ bởi các hoạt động liên quan đến tài sản trí tuệ.

Các tài sản trí tuệ gắn với thể thao

Hãy tưởng tượng mùa giải Olympic đang bắt đầu, hàng ngàn cổ động viên đổ dồn đến sân vận động, mang theo cờ trống, mũ áo và khăn mang biểu tượng của các câu lạc bộ và vận động viên yêu thích. Không khó để bắt gặp những biển quảng cáo xung quanh sân cỏ mang tên các nhà tài trợ lớn hay ban tổ chức. Cũng như nhiều ngành khác, các chủ sở hữu thương hiệu trên thế giới đều tìm cách kiếm soát Nhãn hiệu (Trademark) của mình - bao gồm tên, ký hiệu, logo, thiết kế, hình ảnh, dòng chữ khẩu hiệu… để người tiêu dùng phân biệt họ với các đối thủ khác. Thông thường, việc sử dụng một nhãn hiệu (Trademark™ hoặc Service Mark SM) bất kỳ không chắc chắn sẽ bảo vệ quyền lợi của tổ chức về mặt pháp lý, trừ khi nhãn hiệu đó được đăng ký (® - Registered Trademark).

Khi cổ động viên ổn định chỗ ngồi, các cầu thủ ra sân để hâm nóng bầu không khí. Vài cá nhân có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để kiểm soát việc sử dụng một số hình ảnh nhất định liên quan tới họ. Vận động viên chạy nước rút người Jamaica Usain Bolt với tư thế chào tia chớp và câu khẩu hiệu “to di world”, ngôi sao bóng rổ Mỹ Michael Jordan với tư thế “jumpman” và đôi giày thương hiệu Air Jordan của anh đều là những nhãn hiệu đã được đăng ký. Dù không có quyền tuyệt đối đối với các tư thế và cụm từ trên, nhãn hiệu ngăn việc sử dụng trên quy mô thương mại các sản phẩm cá nhân trên mà không được chứng thực từ người nổi tiếng. Ngay cả khi không đăng ký, các vận động viên nổi tiếng vẫn có “quyền hình ảnh” để ngăn việc sử dụng tên, bề ngoài hoặc thuộc tính cá nhân của họ.

Một đôi giày thể thao có thể được bảo vệ bởi một số quyền tài sản trí tuệ
Một đôi giày thể thao có thể được bảo vệ bởi một số quyền tài sản trí tuệ

Trong lúc cầu thủ khởi động, đèn camera truyền hình bật sáng và người dẫn chương trình hào hứng tường thuật sự kiện. Những tiến bộ trong công nghệ truyền thông như vệ tinh, dây cáp, băng thông rộng và mobile internet đã tạo ra một cuộc cách mạng về đưa tin phát sóng thể thao, cho phép hàng tỷ người trên thế giới tham gia vào những sự kiện thể thao lớn cũng như chứng kiến những cảnh tượng phấn khích trên sân đấu. Bản quyền và các quyền liên quan góp phần chống việc truyền phát trái phép các chương trình phát sóng. Thông thường, đài truyền hình hoặc các tổ chức truyền thông phải trả một khoản tiền lớn để độc quyền phát sóng trực tiếp các sự kiện thể thao. Tại kì World Cup năm 2010 ở Nam Phi, trong tổng số 3.7 tỷ USD doanh thu không kể bán vé của FIFA thì 2/3, tương đương 2.4 tỷ USD, là từ việc bán bản quyền phát sóng; việc bán quyền tiếp thị mang lại 1.1 tỷ USD cho FIFA, phần còn lại đến từ việc bán quyền cung cấp khách sạn và cấp phép (licensing). Các bên truyền hình độc quyền có thể thu lợi hàng triệu đô từ việc bán quảng cáo trong các sự kiện thể thao danh giá; năm 2016, chi phí trung bình cho 30 giây quảng cáo ở trận chung kết Super Bowl (Mỹ) là trên 5 triệu USD.

Trong suốt trận đấu, các vận động viên vung gậy, đánh bóng, chạy qua chạy lại trong những bộ đồ, trang thiết bị chuyên dụng. Các vật dụng này rất có thể mang trong mình thiết kế được bảo hộ. Bằng sáng chế đầu tiên được cấp liên quan đến thể thao là thiết kế ván trượt tuyết cạnh thép của Rudolf Lettner vào cuối những năm 1920. Ngày nay, hàng ngàn phát minh được tạo ra nhằm nâng cấp chất lượng cũng như giá trị của thể thao, từ giày đến áo tắm, vợt tennis đến chiếc xe đạp, máy tập đến thiết bị đo cảm biến cầm tay, và cả những công nghệ tiên tiến như công nghệ xác định bàn thắng goal-line hay trợ lý trọng tài video (VAR).

Quyền phát sóng và những kẻ ngoài lề

Bản quyền liên quan đến những tổ chức phát sóng là nền tảng củng cố mối quan hệ giữa thể thao với các loại hình truyền thông khác. Theo Công ước Rome năm 1961, các nhà đài có quyền độc quyền trong 20 năm để cho phép phát lại, phát sóng cố định, tái bản và truyền thông công chúng các chương trình của họ. Họ có thể bán quyền phát sóng của mình cho các bên khác để thu lợi nhuận. Trong giải đua xe đạp Tour de France phát sóng trên 180 quốc gia, bản quyền truyền hình được cho là chiếm khoảng 60% thu nhập. Giải bóng đá Ngoại hạng Anh phát sóng ở 212 quốc gia trong ba mùa 2010-2013 có doanh thu bản quyền truyền hình trong nước và quốc tế lên tới 3,2 tỷ bảng Anh.

Tuy nhiên, do các công nghệ cho phép công chúng truy cập rộng rãi ngày càng tinh vi, rủi ro của các hành vi trộm cắp tín hiệu cũng tăng lên, ví dụ sử dụng công nghệ chia sẻ tệp ngang hàng (peer-to-peer) hoặc phát trực tiếp (livestreem) trên facebook để phát trái phép các buổi thể thao trực tiếp. Điều này không chỉ đe dọa doanh thu và quảng cáo của các đài truyền hình đã trả tiền độc quyền, mà còn có nguy cơ làm giảm giá trị các quyền đó và ảnh hưởng đến tổ chức thể thao.

Trong khi luật pháp từng quốc gia cung cấp nhiều biện pháp khác nhau để giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền như đóng cửa các trang web bất hợp pháp, phạt tiền, thu giữ giấy phép,… thì các tổ chức phát thanh truyền hình vẫn đang tạo sức ép để được bảo vệ pháp lý tốt hơn ở cấp quốc tế.

Bằng sáng chế: bảo vệ công nghệ được sử dụng để phát triển giày.
Thiết kế, kiểu dáng công nghiệp: bảo vệ vẻ ngoài của giày.
Nhãn hiệu: phân biệt giày với các sản phẩm tương tự và bảo vệ danh tiếng của đôi giày cũng như công ty sản xuất nó
Bản quyền: có thể dùng để bảo vệ các sản phẩm sáng tạo và nghệ thuật dạng nghe nhìn được dùng để quảng bá công khai đôi giày đó.