TPP và các hiệp định thương mại tự do khác đang mở ra những đòi hỏi mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, buộc Việt Nam phải có điều chỉnh thích hợp cho xu thế hội nhập.

Bên cạnh đó, các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội đất nước cũng đặt ra nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển để sở hữu trí tuệ thực sự trở thành động lực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - đã có cuộc chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Chương trình mang tầm quốc gia

Hiện Việt Nam đang xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ để đáp ứng yêu cầu mới, vậy chiến lược sẽ có tác động như thế nào đến cộng đồng, thưa ông?

Trong thực tế, thời gian qua đã xảy ra nhiều va chạm về quyền sở hữu trí tuệ với tất cả các đối tượng - từ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu lẫn chỉ dẫn địa lý. Thực trạng này cho thấy nhận thức của các doanh nghiệp và công chúng về quyền sở hữu trí tuệ phần nào đã được nâng lên, nhất là trong bối cảnh chúng ta tham gia các hiệp định thương mại tự do như TPP và các hiệp định FTA khác.

Để đáp ứng tình hình mới, Cục Sở hữu trí tuệ đang soạn thảo Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, chuẩn bị lấy ý kiến các bộ, ngành, các tổ chức liên quan thông qua các bảng câu hỏi và đề xuất cụ thể.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ảnh: Phượng Hằng

Trên cơ sở đó sẽ đề xuất một chương trình mang tầm quốc gia nhằm thúc đẩy hệ thống sở hữu trí tuệ trong nước đáp ứng yêu cầu nội tại và phù hợp với những cam kết quốc tế, để sở hữu trí tuệ được sử dụng như một công cụ hữu hiệu trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu tổng quát về phát triển khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước.

Chiến lược này cũng hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực của cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ, từ hạ tầng kỹ thuật - công nghệ thông tin, nhân lực cho tới hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.

Với những cơ chế, chính sách vận hành hệ thống sở hữu trí tuệ phù hợp được đề xuất, hoạt động xác lập quyền sẽ phải được cải thiện để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có được kết quả đăng ký sớm hơn, công chúng dễ dàng tiếp cận đến thông tin và các tư liệu sở hữu công nghiệp để phục vụ tốt hơn cho hoạt động nghiên cứu triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xã hội hóa một số khâu trong hệ thống, giúp giảm tải công việc đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Các mục tiêu cũng như giải pháp được đề xuất trong chiến lược còn hướng tới mong muốn công chúng và cộng đồng doanh nghiệp nâng cao được nhận thức về vai trò và lợi ích của quyền sở hữu trí tuệ; qua đó đạt được mục tiêu người dân, doanh nghiệp có ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, không bị vướng vào các tranh chấp do sơ ý hoặc thiếu kiến thức mà dẫn đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ được đặt trước yêu cầu phải thay đổi để thích ứng như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đang còn một lượng lớn đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bị tồn đọng. Khi hội nhập TPP, việc chậm xử lý đơn quá mức thông thường sẽ dẫn đến việc phải đền bù thêm một thời gian bảo hộ bổ sung cho chủ văn bằng bảo hộ sáng chế. Thời gian bảo hộ sáng chế càng kéo dài sẽ khiến cho việc tiếp cận đến sáng chế của cộng đồng càng bị hạn chế, nhất là đối với các sáng chế thuộc lĩnh vực có tác động lớn đến xã hội như dược phẩm, nông hóa phẩm…

Chính vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đang tìm mọi cách để tăng nguồn lực đầu tư cho việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin cũng như tăng cường đội ngũ thẩm định viên, nhằm cố gắng giảm bớt thời gian xử lý đơn đăng ký tại cục.

Thay đổi để đáp ứng TPP

Việc tham gia TPP cũng mở ra nhiều yêu cầu về quyền sở hữu trí tuệ như cho phép đăng ký những loại đối tượng sở hữu trí tuệ phi truyền thống. Vậy doanh nghiệp Việt Nam khi muốn đăng ký bảo hộ các loại đối tượng sở hữu trí tuệ mới này có thể thực hiện được không?

Theo yêu cầu của TPP, khi hiệp định này có hiệu lực thì Việt Nam phải sửa đổi các quy định để bảo hộ cả nhãn hiệu âm thanh. Mặc dù nhãn hiệu mùi hương cũng cần phải cân nhắc, tuy nhiên việc bảo hộ loại nhãn hiệu này sẽ tùy thuộc vào năng lực của chúng ta chứ không bị bắt buộc nếu Việt Nam chưa có đủ điều kiện và năng lực vận hành cơ chế bảo hộ nhãn hiệu mùi hương.

Riêng đối với nhãn hiệu âm thanh sẽ phụ thuộc nhiều vào cách thức diễn tả âm thanh. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ này rất đặc biệt, chưa có nhiều nước trên thế giới có các quy định rõ ràng và đầy đủ về loại nhãn hiệu này.

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng âm thanh hay một dấu hiệu nhận dạng bằng âm thanh của doanh nghiệp hiện nay đã xuất hiện và đang ngày càng gia tăng. Nhãn hiệu âm thanh có thể thể hiện dưới dạng đoạn nhạc hay một cách thức nào đó có thể chuyển tải tới công chúng. Khi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh với Cục Sở hữu trí tuệ, thì công chúng phải biết đến nhãn hiệu này và lưu ý tránh xâm phạm quyền của chủ sở hữu.

Trong khi đó, việc soạn thảo các quy định pháp luật đáp ứng những yêu cầu mới về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TPP cũng không hề đơn giản, nhất là đối với một nước còn hạn chế về nhiều mặt như Việt Nam. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải cân nhắc, xem xét để tìm các biện pháp phù hợp dựa vào kinh nghiệm của các hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh trên thế giới để dần hoàn thiện hệ thống trong nước.

Hiện Việt Nam chưa có sẵn cơ sở pháp lý và hạ tầng cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, và xa hơn là nhãn hiệu mùi hương. Chúng ta sẽ có khoảng 3 năm theo lộ trình thực hiện TPP để chuẩn bị việc cho đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Điều đó có nghĩa là khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được ban hành thì các quy định cụ thể về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh đã phải sẵn sàng trong đó.

Ngoài những yêu cầu mới như trên, theo ông, khi các quy định của TPP có hiệu lực sẽ thúc đẩy việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?

Tôi cho rằng việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ hiệu quả hơn, nghĩa là các chủ sở hữu quyền lúc này được bảo hộ ở mức cao hơn, mạnh hơn. Chủ sở hữu không chỉ là người nước ngoài mà cả cá nhân và tổ chức trong nước cũng được khai thác quyền sở hữu trí tuệ ở môi trường tốt hơn, với những chế tài mạnh hơn được áp dụng khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm. Những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, xâm phạm nhãn hiệu trong môi trường số sẽ bị xử lý giống như ở môi trường thực.

Việc đẩy mạnh hoạt động thực thi bằng biện pháp dân sự và hình sự, bổ sung một số chế tài hành chính vào thủ tục dân sự cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ sở hữu thực thi quyền của mình một cách linh hoạt và hiệu quả hơn.

Hiệp định TPP cũng cho phép các nước áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới một cách chủ động hơn đối với các loại hàng hóa sao chép lậu quyền tác giả và quyền liên quan, cũng như hàng giả mạo nhãn hiệu. Bên cạnh đó, các hoạt động tập kết hàng hóa để xuất khẩu hoặc xuất khẩu cũng được kiểm soát về quyền sở hữu trí tuệ một cách chặt chẽ hơn.

Trên thực tế hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức đầy đủ về giá trị của quyền sở hữu trí tuệ và khai thác, bảo vệ chúng một cách tương xứng hay chưa, thưa ông?

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa nhận thức rõ quyền sở hữu trí tuệ có khả năng đem lại những lợi ích gì cho họ. Do đó, việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ cho hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn chưa được quan tâm một cách đúng mực. Khi doanh nghiệp không để ý đến sở hữu trí tuệ, họ có thể vẫn đầu tư tài chính cho hoạt động sáng tạo để tạo ra sản phẩm, công nghệ mới, vẫn đưa các dịch vụ ra thị trường theo cách thông thường, nhưng kết quả sáng tạo của doanh nghiệp có thể bị sao chép, lạm dụng, xâm phạm mà không có cách hữu hiệu nào khác để bảo vệ.

Doanh nghiệp sẽ đối mặt với thiệt hại về tài chính và công sức trí tuệ đã bỏ ra để sáng tạo sản phẩm, công nghệ trước sự cạnh tranh của những doanh nghiệp khác. Ngược lại, nếu đăng ký thành công quyền sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp sẽ có khả năng được pháp luật bảo vệ trong trường hợp này. Quyền sở hữu trí tuệ còn cho phép chủ sở hữu xuất phát trước các đối thủ cạnh tranh thông qua độc quyền sử dụng trong một thời gian nhất định. Trong trường hợp dựa trên tài sản trí tuệ có chất lượng cao và khả năng thương mại hóa tốt, quyền sở hữu trí tuệ còn đem lại những nguồn lợi tài chính đáng kể cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu.

Rõ ràng là, nếu các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không tập trung mạnh vào vấn đề xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, cũng như không có văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác thì việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với họ sẽ là vấn đề nhãn tiền, nhất là trong thời gian hội nhập sắp tới.

Vậy ông có khuyến cáo gì để các doanh nghiệp có thể bảo vệ được tài sản trí tuệ cũng như khai thác chúng một cách hiệu quả?

Chúng ta đã có trên 30 năm vận hành hệ thống sở hữu trí tuệ trong nước. Đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có ý thức tạo lập, đăng ký và phát triển tài sản trí tuệ để bảo vệ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, cũng có không ít chủ thể trong số đó vẫn còn suy nghĩ phải chờ đợi cho đến khi có sản phẩm tốt hoặc sản phẩm thành công trên thương trường rồi mới tiến hành đăng ký sở hữu công nghiệp. Cách làm này sẽ dẫn đến khả năng bị từ chối đăng ký bảo hộ do thời điểm đăng ký đã quá muộn hoặc đã bị người khác đăng ký trước.

Cũng có doanh nghiệp lại chú trọng vào việc sao chép sản phẩm của người khác đã có chỗ đứng trên thị trường nhằm thu lợi một cách nhanh chóng. Hành động này rất dễ rơi vào hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khác nếu sản phẩm sao chép thuộc đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đã được đăng ký bảo hộ.

Việt Nam đã ký kết Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do khác, yêu cầu về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ được nâng cao, do đó trong trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và vướng vào các tranh chấp, xâm phạm về sở hữu trí tuệ thì họ sẽ vấp phải khả năng bị xử lý bởi những chế tài mạnh hơn.

Đặc biệt là những tình huống liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan, giả mạo nhãn hiệu hoặc xâm phạm bí mật thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi đó, doanh nghiệp xâm phạm quyền không chỉ bị phạt tiền, tiêu hủy tang vật mà những người có liên quan còn có thể đối mặt với hình phạt bị bỏ tù.

Chế tài của môi trường thực xử lý vi phạm ở môi trường số

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day) năm 2016 lấy chủ đề về sáng tạo số, ông có thể cho biết vấn đề sở hữu trí tuệ trên lĩnh vực nội dung số đang được thực thi như thế nào tại Việt Nam?

Sáng tạo số ngày nay xuất hiện ở khắp mọi nơi trong đời sống của chúng ta. Dạng sản phẩm sáng tạo này mang đến sự tiện lợi cho người sử dụng, song lại đang là thách thức rất lớn trong việc bảo hộ đối với người sáng tạo.

Với môi trường số, các doanh nghiệp, cá nhân đang kinh doanh có thể tiến hành quảng cáo và đưa thông tin bán hàng lên Internet một cách dễ dàng và nhanh chóng. Không ít doanh nghiệp bán hàng trên mạng đang xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác, nhưng việc quản lý hoạt động này hiện không hề đơn giản. Việc quảng cáo bán hàng xảy ra ở Việt Nam nhưng máy chủ có thể đặt ở nước ngoài, do đó gây ra nhiều khó khăn trong công tác xử lý.

Tuy nhiên, Hiệp định TPP yêu cầu các nước tham gia phải đưa ra những chế tài mạnh mẽ đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số và cảnh báo rằng mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý giống như ở môi trường thực.

Xin cảm ơn ông!