Nhân loại cần suy nghĩ lại về phương án đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Đó là khẳng định của nhà khoa học chính trị Joshua S. Goldstein và kỹ sư năng lượng Staffan A. Qvist. Hôm 11/1/2019, trên tờ The Wall Street Journal có đăng bài tiểu luận nhấn mạnh quan điểm của bộ đôi này, trong đó lập luận: thế giới sẽ không thể giải quyết những thách thức khí hậu hiệu quả và nhanh nhất nếu chỉ biết tập trung cho năng lượng gói và mặt trời. Giải pháp khả thi hơn, theo các chuyên gia này, chính là cần coi trọng năng lượng hạt nhân một cách xứng đáng.

Điện hạt nhân sạch hơn chúng ta vẫn nghĩ. Ảnh: Futurism.

Điện hạt nhân sạch hơn chúng ta vẫn nghĩ. Ảnh: Futurism.

Goldstein và Qvist lý giải, ngay cả khi tất cả các quốc gia trên thế giới đều theo kịp tốc độ chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo của Đức – nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực này, thì chúng ta cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/5 nhu cầu điện sạch. Như vậy, sẽ phải mất khoảng 150 năm để có thể khử hết carbon trên hành tinh; tuy nhiên theo ước tính của các nhà khoa học khí hậu, nhân loại sẽ chỉ còn khoảng 3 thập kỷ trước khi đạt đến điểm bùng phát (tipping point) biến đổi khí hậu.

Thậm chí, ngay cả khi có thể triển khai điện gió và mặt trời với tốc độ nhanh hơn nhiều so với hiện nay, thì cả hai đều khó có thể đáp ứng nhu cầu về tính ổn định, chưa kể chúng còn đòi hỏi diện tích đất xây dựng rất lớn. “Thứ mà thế giới cần là một nguồn điện không phát sinh carbon, có thể triển khai nhanh trên quy mô lớn, đáng tin cậy, cung cấp điện suốt ngày đêm trong mọi kiện thời tiết, ngoài ra cũng không chiếm quá nhiều đất” - Goldstein và Qvist nhận định. Trong số tất cả các dạng năng lượng mà con người đang theo đuổi và có tiềm năng hiện thực hóa trong tương lai gần, duy chỉ hạt nhân là đáp ứng được tất cả các tiêu chí trên.

Chính những lo ngại về sai sót khi triển khai và vận hành năng lượng hạt nhân đã ngăn cản sự phát triển của nó. Khi nói tới điện hạt nhân, nhiều người hay nghĩ về thảm họa Chernobyl và chất thải phóng xạ. Nhưng trên thực tế, số người thiệt mạng do thảm họa Chernobyl – sự cố điện hạt nhân gây tử vong duy nhất trong suốt 60 năm qua – là quá nhỏ khi so sánh với các vụ tai nạn công nghiệp phi hạt nhân. Ngoài ra, chất thải mà các nhà máy điện hạt nhân sinh ra cũng ít hơn nhiều so với nhiệt điện than và các nhiên liệu hóa thạch khác. Theo tính toán, lượng chất thải tích tụ do một người Mỹ sử dụng điện hạt nhân suốt cả đời cũng chỉ nhét vừa đủ một lon soda.

Sau cùng, Goldstein và Qvis lập luận, nhân loại cần sớm vượt qua nỗi sợ hãi và dẹp bỏ định kiến đối với năng lượng hạt nhân để kết hợp và phát huy những lợi thế của nó vào cùng các nỗ lực nhằm ngăn chặn thảm họa khí hậu trên quy mô toàn cầu.