Các mô hình kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng, và cả ngành nông nghiệp nói chung, cần trở nên bao trùm (inclusive) hơn đối với những người canh tác và chủ thể nhỏ trong chuỗi giá trị, từ đó mang lại hiệu quả xóa đói giảm nghèo trên quy mô toàn cầu.

Đó là kết luận của các nhà nghiên cứu tại Viện Nuôi trồng thủy sản (Institute of Aquaculture) thuộc Đại học Stirling (Anh Quốc) và WorldFish (trụ sở tại Penang, Malaysia). Họ đã tập trung làm rõ, xem liệu nuôi trồng thủy sản có thể giúp xóa đói giảm nghèo cùng tình trạng bất bình đẳng, thông qua việc mang đến cơ hội cho những người thu nhập thấp – với nguồn lực giới hạn và là nạn nhân của thất bại thị trường (market failure, thuật ngữ do triết gia Henry Sidgwick người Anh phát triển), giúp họ cải thiện địa vị kinh tế xã hội.

.


“Các mô hình kinh doanh bao trùm (IBM) được xem là bền vững và đạo đức hơn cả. Có thể kể đến một vài ví dụ như hình thức canh tác theo hợp đồng với những người trồng cafe tại châu Phi, hay trồng bông ở Nam Mỹ,” Alexander Kaminski – nhà khoa học dẫn dắt dự án – phát biểu. “Chúng thường được phát triển dựa trên mối quan hệ đối tác kinh tế (economic partnership) giữa các công ty tư nhân với những chủ thể nghèo hơn, từ đó cùng lúc tạo ra động lực phát triển và duy trì lợi nhuận theo hướng win-win solution cho đôi bên. Vì thế, chúng tôi đã đi vào thực hiện một đánh giá tổng quan về hiệu quả áp dụng các mô hình như vậy trong ngành thủy sản ở một số nước thu nhập thấp (low income countries), nhằm giúp người nghèo – bao gồm cả người sản xuất, bán và tiêu thụ- vượt qua những rào cản gia nhập chuỗi giá trị.”

Một trại  nuôi cá rô phi quy mô nhỏ tại Zambia. Ảnh: © Kyra Hoevenaars.

Một trại nuôi cá rô phi quy mô nhỏ tại Zambia. Ảnh: © Kyra Hoevenaars.

Nhóm đã lựa chọn 36 mô hình IBM trong chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản ở các quốc gia thu nhập thấp để thực hiện đánh giá. Chúng được xếp loại thành: canh tác theo hợp đồng (contract farming), nhượng quyền quy mô nhỏ (micro-franchising), liên danh (joint ventures), canh tác cấy rẽ (sharecropping), canh tác thuê đất (tenant farming), hợp tác xã (farming cooperatives), cấp chứng chỉ (certification) và đối tác công tư (public-private partnerships). Ở đây, nghiên cứu cần tập trung vào khía cạnh: những mô hình này đã giúp người nghèo trong chuỗi vượt qua các trở ngại mà họ đối mặt, hoặc tái sắp xếp để biến những rủi ro thành cơ hội mang tính bao trùm như thế nào?

“Đôi khi, các mô hình này có nguy cơ mang đến kết quả trái ngược so với mục tiêu [bao trùm] ban đầu cho những người vốn đứng ngoài rìa, khiến họ lâm vào cạm bẫy bóc lột bởi hợp đồng hoặc phải làm việc trong điều kiện hết sức tồi tệ,” Kaminski lý giải.

Kết quả đánh giá cho thấy: một vài IBM đã tỏ ra đặc biệt hiệu quả trong ngành nuôi trồng thủy sản, so với các lĩnh vực khác thuộc nông nghiệp. Ở đây, nhóm đã không xét đến yếu tố trùng lặp. Chẳng hạn, mô hình canh tác theo hợp đồng thường gặp trong ngành sản xuất cafe có nhiều nét tương đồng với hình thức nông hội – người nông dân tự tổ chức lại với nhau thành những cụm (cluster) sản xuất trước khi tham gia vào hợp đồng với các doanh nghiệp lớn. Nghiên cứu đã dẫn trường hợp những mô hình hợp tác xã ở Thái Lan và Việt Nam, giúp người nông dân cải thiện khả năng chia sẻ tri thức và tiến trình ra quyết định, mang đến cho họ sức mạnh thương thuyết mạnh hơn khi kết nối với các chuỗi bán lẻ, nhà chế biến và thương mại.

“Phần lớn những mô hình mà chúng ta xem xét thường nhắm tới cải thiện điều kiện kinh tế hơn là địa vị xã hội của người nghèo. Chính sách cung trang bị hoặc tín dụng cho nông dân là một chuyện, nhưng việc mang đến cơ hội giúp họ cải thiện điều kiện làm việc, hay bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, … cũng quan trọng không kém. Để nuôi trồng thủy sản tiếp tục đi đúng hướng như lộ trình phát triển hiện nay, và đóng góp vào sứ mệnh hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs), các chuỗi giá trị ngành cần trở nên bao trùm hơn, còn khu vực tư nhân cũng phải nỗ lực thêm để phát huy vai trò quan trọng trong cỗ xe tăng trưởng, thông qua sự gắn kết với những thành phần yếu thế,” Kaminski lưu ý.

“Chúng ta hiện vẫn chưa xây dựng được nhiều tiêu chí tốt để đánh giá tính bao trùm. Ngoài ra, các hệ thống nuôi trồng thủy sản cũng quá đa dạng; VD: mô hình này có thể phù hợp với chuỗi giá trị ngành cá, chẳng hạn cá rô phi (tilapia) tại châu Phi, song lại không hiệu quả với tôm ở châu Á. Vì thế, chúng ta cần thiết phải nghiên cứu thử nghiệm và triển khai thêm nhiều mô hình mới,” Kaminski nhấn mạnh.

Alexander Kaminski mong muốn thấy nhiều doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản áp dụng các mô hình kinh doanh nhấn mạnh yêu tố đạo đức hơn.

Alexander Kaminski mong muốn thấy nhiều doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản áp dụng các mô hình kinh doanh nhấn mạnh yêu tố đạo đức hơn.

Thông tin thêm về dự án

Nghiên cứu A review of inclusive business models and their application in aquaculture development (Một tổng quan về mô hình kinh doanh bao trùm và ứng dụng trong phát triển nuôi trồng thủy sản) vừa được công bố trên tạp chí Reviews in Aquaculture. Dự án do WorldFish tài trợ, nằm trong khuôn khổ chương trình Research Programme on Fish Agri-food Systems của Consultative Group for International Agricultural Research (CGIAR), với sự cộng tác của các chuyên gia đến từ Viện Nhiệt đới Hoàng gia (The Royal Tropical Institute) tại Amsterdam (Hà Lan); Trường các vấn đề về biển và môi trường (School of Marine and Environmental Affairs) tại ĐH Washington (Mỹ); Viện Đại dương và Nghề cá (Institute for the Oceans and Fisheries) tại ĐH British Columbia; và GIZ (Đức).