Từ các bài trình bày và thảo luận tại Diễn đàn Bền vững Việt Nam (VSF) năm 2019 (diễn ra trong hai ngày 17 và 18/01) tại Hà Nội, cho thấy “Nông nghiệp thông minh để phát triển bền vững”, tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn mà cách tiếp cận, khái niệm và các giải pháp nông nghiệp thông minh của các “nhà” rất khác nhau.


Các hướng tiếp cận nông nghiệp thông minh

Nhà nước hay các nhà quản lý nhìn nhận nông nghiệp thông minh và nông nghiệp công nghệ cao là những giải pháp mới rất có triển vọng, tạo mọi điều kiện cho các loại hình này phát triển bằng việc ban hành các chính sách ưu đãi, tìm cách tháo gỡ các vướng mắc lớn, tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc tiếp cận đất đai và tiếp cận tín dụng.

Các nhà khoa học và nhà nghiên cứu tập trung nhiều hơn vào sử dụng dữ liệu và công nghệ để giải quyết bài toán tối ưu hóa năng lực sản xuất, tiết kiệm các nguồn lực đầu vào trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua việc phân tích dữ liệu để đưa ra dự đoán và quyết định về thời điểm, vị trí gieo trồng, tưới nước, bón phân, thời điểm thu hoạch... hướng đến phát triển nông nghiệp chính xác. Các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp nhằm khuyến khích việc trao đổi dữ liệu có hiệu quả, cụ thể là thông qua các diễn đàn, các cổng thông tin, tổ chức các cuộc thi như hackathon để biến các dữ liệu thô thành các thông tin ứng dụng cụ thể...

Các doanh nghiệp hướng đến việc cơ giới hóa sản xuất, dùng công nghệ thông minh để hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường song song với tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và giải quyết bài toán thiếu diện tích sản xuất quy mô lớn, thiếu nông dân.

Điểm chung trong góc nhìn của cả ba đối tượng trên là đều đặt ra bài toán đưa các chính sách, các dữ liệu tự nhiên (thời tiết, đất đai, nước…) và các dữ liệu xã hội (thị trường, dịch bệnh, thị hiếu...) phức tạp cũng như các loại máy móc hiện đại đi vào cuộc sống của người dân. Một số ý kiến đề xuất việc sử dụng các phương tiện gần gũi với cuộc sống của người dân Việt Nam hiện nay, chẳng hạn như một ứng dụng thân thiện tích hợp trên điện thoại di động thông minh.

Cần cải thiện mối liên kết yếu

Có thể nói, Diễn đàn VSF 2019 đã làm rất tốt khâu kết nối, tạo ra một môi trường để các chủ thể tham gia gặp gỡ, trao đổi, khởi đầu những quan hệ hợp tác mới, cùng hướng đến giải quyết các điểm yếu cản trở sự phát triển bền vững. Việc diễn đàn được tổ chức thường niên từ năm 2018 và luôn nhận được sự quan tâm của giới quản lý, hoạch định chính sách, truyền thông, doanh nghiệp và các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực và quốc gia là minh chứng cho sức lan tỏa tới cộng đồng của diễn đàn cũng như tính thiết yếu của các vấn đề phát triển bền vững nói chung và phát triển bền vững trong nông nghiệp nói riêng.

Tuy nhiên, qua các trao đổi tại diễn đàn cũng như những bài học nhãn tiền từ thực tế, có thể dễ dàng nhận thấy một vấn đề nổi cộm đã tồn tại rất lâu ở Việt Nam là mối liên kết chưa bền vững giữa các chủ thể tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp.

Việc thiếu đi sự tham gia của nhà nông - những người nông dân và đại diện của họ tại diễn đàn khiến việc hình dung khả năng ứng dụng các công nghệ thông minh về dữ liệu, máy móc vào sản xuất cũng như khả năng vận dụng các chính sách ưu đãi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Thật khó để tưởng tượng đại bộ phận những người nông dân ở những vùng xa xôi của Tổ quốc, những người vốn đã quá quen với các phương thức canh tác truyền thông tiến hành hàng trăm năm nay chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh để quyết định thời điểm bơm nước vào đồng ruộng, gọi điện đến tổng đài để kiểm tra tình hình thời tiết và đưa ra quyết định về thời điểm gieo trồng hay thu hoạch, hay xây dựng một phương án kinh doanh chi tiết để đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.

Ông Andre Laperriere (Giám đốc điều hành Godan) gợi ý rằng cần tìm kiếm vai trò hỗ trợ của các trung gian giữa các doanh nghiệp, các nhà khoa học với người nông dân. Kinh nghiệm thực tế từ tập đoàn Mỹ Lan theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ (Rynan Holding JSC.) là thông qua bộ phận thương lái để đặt ra yêu cầu về việc ứng dụng công nghệ và các sản phẩm phân bón thông minh trong canh tác. Những sản phẩm thu hoạch từ quá trình canh tác theo đúng quy trình sẽ được mua với giá cao hơn các sản phẩm canh tác thông thường. Đây cũng là cách mà rất nhiều doanh nghiệp đã làm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, một vài trường hợp thành công so với rất nhiều những trường hợp lừa đảo, chủ doanh nghiệp bỏ trốn mang theo tất cả niềm tin và mồ hôi, công sức của người nông dân làm mối liên kết trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Nhà nông - trọng tâm cho phát triển nông nghiệp bền vững

Dù cơ cấu kinh tế thay đổi như thế nào và tiến trình công nghiệp hóa diễn tiến nhanh ra sao, 65% trong số gần 94 triệu dân Việt Nam vẫn là những người nông dân - với trình độ ứng dụng và tiếp cận khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại không thể nói là cao. Nếu hướng đến các giải pháp phát triển theo cách “bỏ lại phía sau” những thành phần không theo kịp, chắc chắn Việt Nam sẽ không thể đi xa được trong quá trình phát triển kinh tế bền vững. Do đó, rất cần thiết xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa các chủ thể khác trong nền kinh tế với người nông dân ngay từ những bước đi đầu tiên khi ứng dụng công nghệ. Người nông dân có thể không có khả năng viết một ứng dụng di động hay xử lý các dữ liệu phức tạp nhưng chắc chắn kinh nghiệm về thời tiết, đất đai, thủy lợi, phương thức canh tác… của họ chắc chắn không hề thua kém bất kỳ chuyên gia nông nghiệp nào. Thay vì tiếp cận theo hướng yêu cầu người nông dân phải sử dụng các phương thức mới mà họ không hiểu, nếu giúp họ phát huy sức mạnh kiến thức ngay từ đầu, sợi dây liên kết có thể sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều.

Cuối cùng, như ông Andre Laperriere nhấn mạnh, việc phát triển nông nghiệp bền vững đối với Việt Nam trước tiên nên là xây dựng được đội ngũ “nông dân thông minh” và có sự gắn kết với các chủ thể còn lại trong chuỗi giá trị - nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững.