Câu chuyện về khủng hoảng nước sinh hoạt ở Flint, một thành phố có hơn 100.000 dân cư của bang Michigan, Mỹ vào năm 2014 đã trở thành một bài học điển hình về quản lý dịch vụ công ích đô thị, lĩnh vực gắn liền với cuộc sống và thậm chí là sinh mệnh của người dân.

Nước nhiễm độc chì lấy ra từ vòi của Flint. Nguồn: NYTimes
Nước nhiễm độc chì lấy ra từ vòi của Flint. Nguồn: NYTimes

Khủng hoảng y tế công cộng từ nguồn nước sinh hoạt

Cuộc khủng hoảng nước sạch bắt đầu vào tháng 4/2014 từ sự nghi ngờ vào chất lượng nước của các hộ dân thành phố, khi họ phàn nàn về chất lượng, màu sắc và vị từ vòi nước máy nhà mình. Chính quyền thành phố cho biết đã phát hiện ra vi khuẩn coliform trong nước và đưa ra lời tư vấn mọi người hãy dùng nước sôi; đồng thời họ đã tăng thêm chlorine để xử lý nước và làm sạch đường ống. Lời khuyên đun sôi nước được dỡ bỏ như một hình thức chứng minh nước an toàn.

Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý là vào tháng 10/2014, nhà máy ô tô General Motors tại Flint loan báo là không thể sử dụng nước vì lo ngại tình trạng ăn mòn nhà máy do nước gây ra trong khi chính quyền vẫn khẳng định, nước đủ an toàn để người dân có thể uống thẳng từ vòi.

Thế bế tắc chỉ được phá vỡ từ hành động của Lee-Anne Walters, một bà mẹ bốn con ở Flint, khi chị liên hệ trực tiếp với Cục Bảo vệ môi sinh liên bang (EAP) để phản ánh lo ngại về màu sắc khác lạ từ nước của nhà mình và cho rằng có thể đây là nguyên nhân khiến lũ trẻ bị ốm. Rút cục, các mẫu nước lấy từ vòi cho thấy, nó chứa 104 ppb chì, nghĩa là cao gấp 7 lần mức quy định 15 ppb của EPA. Kết quả này cho thấy, hàm lượng chì trong nước đã ở mức nguy hiểm cho sức khỏe con người. Những mẫu nước tiếp theo được EPA thu thập ở Flint thậm chí còn nhiễm độc ở mức cao hơn, 397ppb.

Tháng 9/2015, hợp tác với các nhà khoa học địa phương, TS kỹ thuật môi trường Marc Edwards từ trường Đại học Bách khoa Virginia đã lấy mẫu nước xét nghiệm và cho biết, tất cả các mẫu nước này đều chứa hàm lượng chì vô cùng cao. Ví dụ trong một mẫu nước lấy sau khi nước chảy 45 giây đã chứa hơn 1000 ppb, tức là gần gấp 70 lần mức quy định của EPA. Cũng trong tháng 9/2015, TS. Mona Hanna-Attisha, một bác sĩ nhi khoa địa phương tại Trung tâm Y học Hurley và trường Đại học bang Michigan (MSU), đã công bố một báo cáo về sự gia tăng nồng độ chì trong máu (BLLs) ở mức 5 μg/dL hoặc cao hơn trong trẻ dưới 5 tuổi. Điều này hết sức nguy hiểm bởi thứ kim loại này sẽ bị lưu lại trong xương và có thể trở lại hệ tuần hoàn. Chị khuyến nghị chính quyền thành phố dùng nước Hồ Lớn thay thế nguồn nước đang dùng.

Trong những ngày tiếp theo, chính quyền thành phố đưa ra lời khuyên cho cư dân là xả vòi nước và chỉ dùng nước lạnh để uống, nấu ăn và pha sữa. Sau khi Ban Y tế vùng Genesee đưa ra cảnh báo về tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng vào ngày 1/10/2015, nghĩa là 18 tháng sau những nghi ngờ đầu tiên, chính quyền Flint mới chịu công nhận lỗi về mình.

Ai có lỗi?

Khi cư dân Flint bắt đầu phẫn nộ đòi Ban quản lý nước sạch thành phố trả lời về sự việc thì mọi chuyện mới thực sự vỡ lở. Cơn khủng hoảng nước thực ra đã có từ đầu năm 2013. Để tiết kiệm kinh phí 12 triệu USD mỗi năm, các quan chức Flint đã quyết định thay đổi nơi cung cấp nước của thành phố từ Ban Nước sạch và thoát nước Detroit (DWSD) sang Cơ quan Nước sạch Karegnondi (KWA), cho dù DWSD đã đề nghị được tiếp tục cấp nước cho Flint. Dẫu sao, KWA đang trong quá trình xây đường ống mới nên chưa sẵn sàng cấp nước theo yêu cầu. Do đó, Flint cần một giải pháp ngắn hạn và họ quyết định chọn sông Flint, tự xử lý nước tại cơ sở địa phương.

Dĩ nhiên là kế hoạch này đã thất bại bởi đường ống dẫn nước lão hóa đã giải phóng một tỷ lệ lớn chì vào dòng nước, tạo ra cuộc khủng hoảng y tế công cộng, gây nguy hiểm cho hàng trăm đứa trẻ và ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi cư dân. Đây là kết luận từ nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học trường Đại học Bách khoa Virginia, những người không chỉ tìm ra nguyên nhân nhiễm độc chì mà còn lập một trang web tập hợp các chứng cứ khoa học, bài viết, một tài khoản Facebook kêu gọi mọi người quan tâm đến Flint. Cuộc vận động cũng thu hút cả các nhà khoa học xã hội, ví dụ như Noah Hall, một giáo sư luật của trường Đại học Wayne ở Detroit, hỗ trợ kêu gọi một cuộc điều tra về khủng hoảng nước cấp liên bang.

Dù vào ngày 16/10/2015, chính quyền thành phố đã đổi nhà cung cấp nước DWSD và lấy nước Hồ Lớn thay thế nhưng rất nhiều người đã không còn tin vào các quan chức chính quyền, chuyển sang uống nước đóng chai và đến nay vẫn chưa từ bỏ thói quen này.

Thị trưởng thành phố Flint đã ra một văn bản công bố tình trạng khẩn cấp của thành phố vào ngày 14/12/2015, sau đó là chính quyền bang Michigan vào ngày 5/1/2016 và Tổng thống Obama vào ngày 16/1/2016. Khi đó Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ mặc dù chỉ định một cơ quan liên bang là Nhóm điều phối hợp nhất (Unified Coordination Group) phụ trách vãn hồi sự việc nhưng vẫn cùng các Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) và Cơ quan Đăng ký các hợp chất độc và dịch bệnh (ATSDR) làm việc với thành phố và bang để xây dựng một kế hoạch ứng phó và phục hồi sức khỏe cho người dân. Cho tới tháng 3/2016, Trung tâm điều hành tình trạng khẩn cấp (CDC) vẫn sát cánh với cư dân thành phố để điều phối công việc.

Thành phố sau đó đã phải mở một cuộc điều tra về hệ thống dẫn nước và thay thế các đường ống lão hóa ở 8.260 ngôi nhà. Tháng 3/2017, gần ba năm sau khủng hoảng nước phơi bày ra trước ánh sáng, EPA đã trao 100 triệu USD để đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng nước ở Flint. Vài tuần sau đó, chính quyền thành phố mới tuyên bố chính thức là nước đủ an toàn để uống. Thậm chí, trong một cuộc gặp người dân và quan chức Flint đích thân Tổng thống Obama lúc đó phải mở vòi nước và uống thẳng để chứng minh độ an toàn.

Do việc số hóa đã bắt đầu ở thành phố này từ cuối năm 2015, trường Đại học Michigan giúp thiết kế một thuật toán có thể dự đoán khả năng xảy ra nguy hiểm về nguồn nước.

Cuộc khủng hoảng nước diễn ra ở thành phố nhỏ với trên 100.000 dân sinh sống này bất ngờ đã thu hút được sự theo dõi của nhiều tờ báo lớn nhỏ trên thế giới, riêng The New York Times đã có hàng chục bài viết kể từ năm 2015 đến nay. Có lẽ, đến lúc xảy ra khủng hoảng, người ta mới thấy số phận của những người dân ở một thành phố nghèo cũng quan trọng như những người khác: 43% dân số sống dưới mức nghèo khổ, 11% dân số tốt nghiệp đại học trở lên, khoảng 13% người dưới 65 tuổi không có bảo hiểm y tế. Rất nhiều người thu nhập thấp và nhóm thiểu số trong thành phố, trẻ em ở Flint rơi vào tình trạng nhiễm độc chì cao hơn người khác do nơi bảo quản thực phẩm xuống cấp và điều kiện dinh dưỡng nghèo nàn.

Cuộc khủng hoảng nước qua đi, bốn quan chức của thành phố đã phải đối mặt với cáo buộc hình sự nhưng sau đó chỉ bị buộc thôi việc. Tuy nhiên Flint đã đi vào lịch sử ô nhiễm nước đô thị như một trường hợp điển hình về quản lý các dịch vụ dân sinh gắn liền với vận mệnh con người.