Theo GS. TS Phùng Hồ Hải, vấn đề căn bản nhất là cần xác định lại nội hàm của GS/PGS, ít nhất là cho 15 năm tới. Tuy nhiên, nếu bất chấp xu thế hội nhập, không thay đổi quan điểm hiện thời thì mọi thay đổi chỉ là vá víu.

Vấn đề căn bản nhất là cần xác định lại nội hàm của GS/PGS, ít nhất là cho 15 năm tới. Có 2 phương án: 1) Quan điểm “đường ta, ta đi”, bất chấp xu thế hội nhập, không thay đổi quan điểm hiện thời, GS/PGS vừa trách nhiệm thì ít mà vinh danh thì nhiều, sau khi được phong ai vận dụng được gì thì vận dụng; 2) Hội nhập quốc tế, coi GS/PGS là một vị trí công tác, quyền lợi đi lẫn với nghĩa vụ và chỉ tồn tại ở các trường đại học và viện nghiên cứu. Sau khi chốt được phương án thì mới bàn tiếp được quy trình phong/bổ nhiệm...

a) Phương án 1 “Đường ta ta đi”

Với phương án này, thì mọi thay đổi chỉ là vá víu. Tuy nhiên tôi vẫn xin đề nghị mấy điểm sau về quy trình:

Thứ nhất: Thực tế thời gian vừa qua cho thấy sự trì trệ và bảo thủ trong tư duy của một số cá nhân tại Cục Nhà giáo trong việc xây dựng Dự thảo. Điển hình, sau khi Viện Toán học có công văn góp ý với Dự thảo, một số đại diện của Viện Toán đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc trọn một buổi sáng. Phó Thủ tướng cơ bản nhất trí với các nội dung do Viện Toán học đề xuất và chỉ đạo thư ký làm việc lại với Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên những nội dung đó không thấy đưa vào nội dung dự thảo.

Các cán bộ soạn dự thảo Quy định về tiêu chuẩn GS/PGS đưa ra những tiêu chí cứng như: viết sách, hướng dẫn NCS, tham gia xây dựng chương trình đào tạo, chủ trì đề tài. Họ không sao hiểu được một điều đơn giản là trên thế giới này (ngoại trừ Việt Nam)tất cả những “tiêu chí” nhắc tới ở trên luôn là sở thích/mong muốn/nguyện vọng của một GS/PGS nhưng không là trách nhiệm, càng không thể là “điểm sàn” để xét phong/bổ nhiệm GS/PGS. Đối với chức danh này chỉ có hai tiêu chí: nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm giảng dạy.

Thứ hai: Bỏ hội đồng cấp cơ sở và cấp nhà nước, giữ lại hội đồng ngành, song song với việc nâng cao chất lượng hội đồng ngành, tiến hành bầu hội đồng này một cách công khai dựa trên tiêu chí duy nhất: uy tín khoa học tính bằng thành tích nghiên cứu mà cụ thể là công bố quốc tế uy tín (tôi nhấn mạnh chữ uy tín).

Thứ ba: chỉ giữ lại hai tiêu chí cứng duy nhất khi xét công nhận GS/PGS: thành tích nghiên cứukhoa học (thông qua công bố quốc tế uy tín) và kinh nghiệm giảng dạy (tính theo thâm niên). Cho phép chuyển đổi điểm công bố để bù thiếu hụt về giờ dạy.
Thứ tư: để đảm bảo tính chất vinh danh, không thể công nhận GS/PGS tràn lan. Vì vậy cần xem xét cấp quota cho mỗi ngành khoa học dựa theo thành tích công bố của ngành đó. Có như vậy mới không gây bức xúc trong dư luận: có những ngành đầy GS/PGS nhưng chẳng có công bố nào.

b) Phương án 2 “Hội nhập”

Khi đã quyết định hội nhập thực sự thì có tương đối nhiều mô hình để ta có thể lựa chọn. Tuy nhiên cần hiểunguyên lý căn bảncủa việc hội nhập là coi GS/PGS như một bộ phận cơ hữu của một trường đại học: GS/PGS phải là bộ não trong cơ thể của một trường. Cũng nhưkhông tồn tại một người không não, không thể có một trường đại học, một khoakhông có GS/PGS. Ngược lại, chức danh GS/PGS phải gắn liền với một vị trí giảng dạy hay nghiên cứu.

Thứ nhất: bỏ chuyện công nhận GS/PGS tại một hội đồng nhà nước, đưa việc bổ nhiệm GS/PGS về cho từng trường đại học.

Thứ hai: đặt quota GS/PGS cho từng trường đại học, viện nghiên cứu(dựa trên số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh theo học). Trên thế giới người ta gọi đó là các “vị trí GS” hay các “chân GS”.

Thứ ba: nếu muốn đảm bảo chất lượng sàn của đội ngũ GS/PGS có thể thành lập các hội đồng ngành để kiểm định trình độ nghiên cứu của các ứng viên dựa trên tiêu chí duy nhất: công bố quốc tế uy tín.

GS. TS Phùng Hồ Hải (Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)