Không ít nhóm hoạt động giáo dục ở Việt Nam ra đời từ suy nghĩ bộc trực này, và hiệu ứng xã hội họ nhận được thật bất ngờ.

 TS Đặng Văn Sơn, thành viên của Liên minh STEM, dự Ngày hội STEM huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) 2018. Đây là địa phương đã mời Liên minh về tập huấn nhiều đợt cho các giáo viên. Ảnh: Hoa Học Trò
Các thành viên Liên minh STEM họp triển khai dự án ở các trường THPT. Ảnh: HVĐ

Cứ làm thôi

Sau một thời gian đi tập huấn trực tiếp cho các thầy cô ở trường phổ thông, ThS quản lý giáo dục Hoàng Anh Đức nhận thấy, hầu như chỉ các trường tư mới có điều kiện tổ chức tập huấn cho giáo viên về những phương pháp dạy và học mới, chẳng hạn như project based learning. Trong khi đó, tài liệu tham khảo cho giáo viên trường công vừa ít lại vừa kém cập nhật, chưa kể “chỉ đề cập các thủ thuật là chính”. “Không ai làm thì mình làm” - từ suy nghĩ đó, anh Đức cùng một số bạn bè quyết định lập ra nội san Dạy và Học nhằm chia sẻ những kiến thức, lý thuyết, kỹ năng sư phạm nền tảng và hiện đại mà các thầy cô có thể đọc hoặc tải xuống miễn phí tại trang day-hoc.org.

Thoạt tiên nhóm gồm 8 người có chuyên môn sư phạm, anh Đức kể. Nhưng sau mấy số đầu, nhiều người - có cả chuyên gia, nhà quản lý, phụ huynh học sinh, hoặc đơn giản chỉ là người giỏi tiếng Anh - ngỏ ý được tham gia nhóm. Thành phần khá “lộn xộn”, lại sống ở nhiều nước khác nhau, nhưng nhờ tất cả giữ đúng cam kết mỗi tuần dành ít nhất 2 giờ làm việc cho nội san, đến nay, Dạy và Học đã ra được 14 số, dung lượng mỗi số khoảng 40 trang, với các chuyên mục chính Học thế nào?, Dạy thế nào?, Quản lý giáo dục, Cải tổ giáo dục, Góc nhìn, Nhân vật, Từ thực địa, Giới thiệu sách… Các bài viết, bài dịch đều được “review chéo” giữa các thành viên, giờ đã tăng lên 23 người.

“Bất ngờ và vui mừng là ngay số đầu tiên, nội san đã có tới 10 nghìn lượt download. Đến nay, trung bình mỗi số đều có 10 – 11 nghìn lượt download. Mọi người xem và chia sẻ rất tích cực, điều đó khiến cho đội ngũ tình nguyện viên chưa gặp mặt nhau bao giờ lại có động lực làm việc,” anh Đức chia sẻ.

“Cảm ơn những người hùng bản địa như các bạn,” TS Daniel Gray Wilson, Giám đốc Đề án Số Không, Trường Giáo dục Harvard, nói về tờ nội san ra đều đặn vào ngày thứ Hai cuối cùng mỗi tháng, sau khi được xem bản thảo và nghe giới thiệu về định hướng của nó. “Tôi nghĩ rằng một ấn phẩm với định hướng thực hành như Dạy và Học có thể đem lại ảnh hưởng lớn không chỉ ở những lời khuyên thực tế dành cho giáo viên mà còn giúp nâng cao vị thế nghề nghiệp và cách mà giáo viên suy nghĩ về bản thân và công việc của mình.”

Cũng từ câu hỏi mang tính tự vấn “Mình không làm thì ai làm?”, nhóm Cánh Buồm đã ra đời và hoạt động đến nay vừa tròn 10 năm, biên soạn và phát hành khoảng 100 nghìn bản SGK Văn, Tiếng Việt, Khoa học, Lối sống, Tiếng Anh bậc tiểu học và THCS.

Sau khi nhà giáo Phạm Toàn, “linh hồn” của nhóm, qua đời vào cuối tháng 6 vừa qua, mảng biên soạn SGK tạm ngưng, chỉ còn duy trì tái bản. Nhưng các thành viên của nhóm đã nhanh chóng khởi sang những mảng khác: mở CLB Giáo viên hiện đại hoạt động như một trung tâm sư phạm phi chính quy, phi lợi nhuận, đào tạo giáo viên dựa trên khung chương trình của bộ SGK Cánh Buồm; và lập nhóm Sao Đêm chuyên tâm dịch các cuốn sách kinh điển về tâm lý học giáo dục. Bằng cách đó, công việc của nhóm Cánh Buồm vẫn đang được tiếp nối và phát triển.

Những nhóm hoạt động giáo dục chủ trương “cứ bắt tay vào làm đã”, không bận tâm nguồn lực đủ hay chưa, điều kiện có thuận lợi không, như kể trên xuất hiện khá nhiều thời gian gần đây, mà nhóm Cánh Diều là một ví dụ khác.

Tại thời điểm nhóm Cánh Diều ra đời vào năm 2016, Giáo dục tích cực còn là cụm từ hết sức mới mẻ ở Việt Nam. Nhận thấy giá trị của Giáo dục tích cực ở chỗ nó đưa cả hạnh phúc và thành công làm mục tiêu chính của giáo dục con người, nhóm bắt tay dịch bộ ba cuốn sách quan trọng về Tâm lý học tích cực - nền tảng cho Giáo dục tích cực - và cùng nhau thực hành các bài tập trong bộ ba đó vào đời sống và nghiên cứu cá nhân. Trong khi chờ cơ hội xuất bản các bản dịch của mình, năm 2017, nhóm Cánh Diều quyết định thành lập Fanpage Tâm lý học tích cực và website canhdieuproject.wordpress.com với định hướng cung cấp vừa đủ lượng lý thuyết và các bài tập thực hành để độc giả phổ thông có thể hiểu và ứng dụng chúng.

Theo thành viên sáng lập nhóm Nguyễn Minh Thành – hiện đang học thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học giáo dục và phát triển tại Viện Tâm lý học thuộc Đại học Sư phạm Quý Châu, Trung Quốc - Fanpage của nhóm có hơn 12 nghìn lượt yêu thích và hơn 13 nghìn người theo dõi thường xuyên. Số thành viên của nhóm được duy trì ổn định, gồm hơn 10 người, và chủ yếu làm việc online. Năm nay, nhóm cũng vừa tổ chức thành công 2 buổi chia sẻ về Tâm lý học tích cực tại TPHCM và Hà Nội với tổng số gần 300 người tham dự.

Như đã thấy, mặc dù bề ngoài được tổ chức khá lỏng lẻo, không trụ sở, không lãnh đạo, không ràng buộc về lợi ích vật chất, làm việc bằng sự tự nguyện, tự giác cá nhân là chính, nhưng tất cả những yếu tố đó không ngăn trở các nhóm giáo dục hoạt động bền bỉ và thậm chí hết sức thành công. Liên minh STEM Việt Nam là một trường hợp như vậy. Với thành phần gồm các giảng viên đại học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, kỹ sư, sau hơn 5 năm hoạt động, Liên minh này được tiếng tinh nhuệ và đáng tin cậy trong các nhiệm vụ đào tạo, tập huấn, tư vấn về giáo dục STEM cho giáo viên và nhà quản lý ở hàng chục tỉnh/thành phố trên khắp cả nước. Nhờ uy tín ngày càng lớn, các thành viên trong Liên minh cũng được giao triển khai, điều phối những hoạt động quy mô như Chương trình Hỗ trợ đưa Giáo dục STEM tới học sinh THPT do dự án VinUni tài trợ hay dự án Xây dựng mô hình giáo dục STEM cho các trường THCS và THPT tại tỉnh Lào Cai do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ...

Giúp người cũng là giúp mình

Theo TS Phạm Hiệp, khi những người có chuyên môn chủ động hành động, không cần chỉ đạo từ ai, thì đó chính là một chỉ dấu tích cực về sự phát triển của xã hội. “Xã hội càng phát triển, vai trò của các nhóm hoạt động từ dưới lên càng mạnh. Khi đủ lớn, họ sẽ trở thành các hiệp hội, có khả năng xác lập những tiêu chuẩn, tiêu chí đủ tốt để nhà nước cứ thế sử dụng, đưa vào khung chính sách. Việt Nam sẽ tiến tới chỗ đó, không sớm thì muộn.”

Bản thân anh Hiệp cũng là thành viên điều hành của CLB Giáo dục Mới, vừa có cuộc ra mắt công chúng ấn tượng qua sự kiện Diễn đàn Giáo dục Việt Nam (Vietnam Educamp) 2019 hồi trung tuần tháng 8, với đơn vị đồng tổ chức là Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Anh Hiệp cho biết, CLB được thành lập theo sáng kiến của một nhóm các nhà nghiên cứu, hoạt động giáo dục trẻ tuổi - từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp cho đến giáo dục nghệ thuật, giáo dục suốt đời… -, sinh hoạt mỗi tháng một lần với tính chất đóng góp chuyên môn cho nhau và cùng nhau giải quyết những vấn đề về lý thuyết hay thực hành mà các thành viên gặp phải.

Một số thành viên Liên minh STEM họp bàn việc triển khai dự án ở trường THPT. Ảnh: HVĐ
Các nội dung thảo luận tại Vietnam Educamp 2019 thu hút sự chú tâm của đông đảo người tham gia. Ảnh: Dân trí

“Khi trao đổi, chúng tôi không chỉ giúp người khác giải bài toán của họ mà bản thân cũng được nâng tầm kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Giúp người khác chính là giúp mình vậy.” Bên cạnh đó, dù không nói ra, bởi nghe nó quá khẩu hiệu to tát, nhưng thực lòng ai cũng hy vọng hoạt động của CLB sẽ đóng góp hữu ích cho xã hội.

Một điều mà CLB Giáo dục Mới suy nghĩ nhiều là trong giáo dục hiện nay đang tồn tại khoảng cách giữa phụ huynh - thầy cô - nhà quản lý - nhà hoạch định chính sách. “Dường như họ chưa đủ gắn kết, chưa nói chuyện được với nhau”, theo anh Hiệp… Việc CLB chủ động hợp tác với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức Vietnam Educamp trước hết cũng là để các bên liên quan có cơ hội gặp nhau, nhờ đó hiểu mối quan tâm của nhau và biết ai đang làm gì, khó khăn vướng mắc ở đâu.

Vietnam Educamp, dự kiến được biến thành sự kiện thường niên, về hình thức giống “tiệc buffet”: ngoài hai phiên toàn thể về chương trình giáo dục phổ thông mới và công nghệ giáo dục, còn có hơn 30 báo cáo thuộc đủ loại chủ đề tại 6 phòng khác nhau. “Vietnam Educamp giới thiệu một mô hình trao đổi học thuật còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Đa số hội thảo của chúng ta hiện nay có xu hướng người tham dự ngồi nghe một chiều, có chán cũng không biết làm gì. Ở sự kiện của chúng tôi, người tham dự được đặt câu hỏi ngay trước khi bắt đầu các phiên thảo luận bàn tròn thông qua hệ thống online và nếu chán ‘món chủ đề’ này, họ có thể rời qua phòng bên cạnh để ăn ‘món’ khác,” anh Hiệp chia sẻ.

Hơn 400 người đã đến dự sự kiện và 3/4 ở lại đến tận phút chót. Mặc dù “không nghĩ nhỏ” nhưng con số này, theo anh Hiệp, quả là “lớn” so với kỳ vọng của Ban tổ chức. Sau sự kiện, ngay lập tức có nhóm phụ huynh đề xuất CLB hỗ trợ họ tổ chức một Educamp riêng về những mối quan tâm, lo lắng của các phụ huynh.

“Vietnam Educamp cho thấy mong mỏi đổi mới giáo dục không chỉ đến từ xã hội hay phụ huynh mà còn là nhu cầu tự thân của nhiều vị hiệu trưởng và thầy cô ở các đơn vị công lập. Họ đến sự kiện trong thâm tâm kỳ vọng đổi mới, mong học được những cách làm mới, gặp được những nơi có thể hỗ trợ họ thay đổi,” anh Đức, người đồng thời là thành viên của CLB Giáo dục Mới, nhận xét. “Rõ ràng đang có những nỗ lực đơn lẻ cần được tương tác mạnh hơn. Không bắt tay nhau thì không thể thành công dù là theo tiếp cận top-down hay bottom-up, bởi vậy càng có nhiều nhóm hoạt động giáo dục xuất hiện thì càng tốt.”