Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam đi vào hiệu lực, rất cần phân tích điểm mạnh yếu trong khu vực FDI, vốn chiếm tới hơn 65% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam để lựa chọn dòng vốn đầu tư.

Ảnh: AP.
Ảnh: AP.

Sau 30 năm FDI thâm nhập vào Việt Nam, nền kinh tế quốc gia đã có những bước phát triển lớn. Các nhà đầu tư lớn nhất hiện là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, với phạm vi đầu tư trải dài từ bất động sản, cơ sở hạ tầng, ngân hàng, viễn thông cho đến sản xuất, trong đó chế biến chế tạo - đặc biệt là thiết bị điện tử - là ngành được chú ý cao nhất. Những tên tuổi hàng đầu thế giới như Samsung, Intel, LG, Microsoft hay Panasonic đã dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tiến trình dịch chuyển này được tăng cường trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, khiến một số công ty lớn của Trung Quốc như Foxconn cũng đang có ý định đổ bộ vào Việt Nam.

Tăng trưởng hộ và ít chuyển giao công nghệ

Nhưng việc tăng trưởng dựa quá nhiều vào FDI có nguy cơ biến Việt Nam thành nền kinh tế tăng trưởng “hộ” các nước khác. Năm 2018, trong khoảng 220 tỷ USD GDP của Việt Nam có tới hơn 60 tỷ USD do Samsung đóng góp do sản xuất điện thoại di động, các thiết bị điện tử. Số tiền này gần như sẽ được tập đoàn mang về Hàn Quốc. Trong khi đó, thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thu được của doanh nghiệp FDI trung bình chỉ 10,7% (do tận dụng được các ưu đãi) trong khi thuế suất phổ thông mà các doanh nghiệp nội địa phải đóng là 20%. Giai đoạn 2014-2016, số thuế thu nhập miễn giảm và ưu đãi của các doanh nghiệp FDI chiếm 70-75% tổng lượng miễn giảm của tất cả thành phần kinh tế mỗi năm.

Mặt khác, tác động lan tỏa của khu vực FDI – đặc biệt để phát triển các ngành phụ trợ và chuyển giao công nghệ - hầu như không thấy. Mặc dù một số doanh nghiệp FDI có quy mô nhà máy lớn, tạo được tỷ lệ việc làm cao cho người lao động địa phương nhưng phần lớn vẫn dừng ở những khâu thấp trong chuỗi giá trị, hàm lượng công nghệ rất ít ỏi.

Gần đây, do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, dòng vốn FDI nổi lên một nguy cơ mới. Nước láng giềng sát vách đang tìm cách đưa dòng tiền đầu tư sang Việt Nam để né tránh trừng phạt về thuế. Trong năm tháng đầu năm nay, Hong Kong và Trung Quốc đại lục lần lượt rót 5,08 tỷ USD và 2,02 tỷ USD vốn vào Việt Nam, chiếm gần một nửa trong tổng số 16,74 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của tất cả nhà đầu tư nước ngoài. Con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian ngắn tới khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hong Kong (AHKFTA) có hiệu lực từ 11/6.

Một dẫn chứng rất thú vị trong câu chuyện ba bên Mỹ-Trung-Việt là xuất khẩu gỗ. Trong năm 2018, giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt hơn 8,9 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2017, chủ yếu là ở các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong hai năm gần đây có xu hướng tăng tỷ trọng nhập khẩu gỗ từ Việt Nam (nhà cung cấp gỗ lớn thứ hai cho Mỹ sau Trung Quốc) để thay thế dần cho hàng hóa từ phía đối thủ Trung Quốc. Tuy nhiên, số liệu thống kê từ Cục đầu tư nước ngoài của Việt Nam cho thấy trong năm tháng đầu năm nay, trong 49 dự án FDI ngành gỗ Việt Nam, Trung Quốc chiếm tới 21 dự án, tương đương 43% tổng vốn FDI đầu tư ngành này. Năm 2018, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) và Tổ chức Forest Trends cảnh báo có sự gian lận thương mại bằng việc nhập các loại gỗ dán của Trung Quốc vào Việt Nam, gia công chút ít và xuất khẩu vào Mỹ với thương hiệu Việt Nam. Hiện Cơ quan Thương mại Mỹ cũng ra thông báo điều tra 5 công ty nhập khẩu ván ép từ Trung Quốc về vấn đề này. Không loại trừ khả năng tương lai Mỹ sẽ chĩa mũi nhọn vào các doanh nghiệp Việt Nam nếu nghi ngờ có hành vi gian lận xuất xứ, tiếp tay cho hàng Trung Quốc tránh thuế.

Ưu tiên lựa chọn các dòng vốn đầu tư vào công nghệ

Dòng vốn FDI đã trở thành một mạch máu chính, không thể một sớm một chiều thay đổi. Tuy nhiên, Việt Nam cần một sân chơi công bằng hơn. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ với báo KH&PT rằng ở các nước khác, khi một FDI đàm phán đầu tư đều mong muốn được đối xử tương đương với doanh nghiệp nước sở tại, chỉ riêng Việt Nam làm ngược lại, cho FDI quá nhiều ưu đãi khiến các doanh nghiệp Việt bị thiệt thòi và khó có thể cạnh tranh.

Ít nhất trong trung hạn, dòng vốn FDI vào đất nước sẽ vẫn có xu hướng tăng nhanh. Liệu chúng ta có thể cấm các dòng vốn FDI có tiềm ẩn rủi ro về gian lận thương mại từ một số quốc gia như Trung Quốc? Câu trả lời là không thể. Bởi vì, bằng việc đồng ý tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do cũng như các hiệp định đối tác song phương và đa phương, Việt Nam đã cam kết không phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chính phủ hoàn toàn có thể điều chỉnh sự phân bổ các dòng vốn bằng việc định hướng lại những ngành cần thu hút đầu tư, thay đổi các cơ chế ưu đãi, tăng tiêu chuẩn chọn lọc dự án, nâng cao thực hiện cam kết của các doanh nghiệp FDI và đánh giá hiệu quả đầu tư tốt hơn.

Thời gian gần đây, chính phủ đang ra sức điều chỉnh các luật về đầu tư, kinh doanh và xây dựng chính sách thu hút FDI “thế hệ mới” phù hợp với bối cảnh tương lai hơn. Chủ trương bắt đầu chuyển hướng từ chạy theo số lượng sang chú trọng chất lượng và chọn lọc các dòng vốn kĩ hơn. FDI đang được ưu tiên chảy vào những ngành ứng dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, phù hợp thông lệ quốc tế đồng thời gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng (dựa trên tăng năng suất và đổi mới sáng tạo) của đất nước.

Phải đi lên từ nội lực

Các con số về FDI là minh chứng cụ thể cho việc vốn ngoại có thể đem lại cả thành tựu về tăng trưởng và bất cập về chất lượng cho nền kinh tế quốc gia. Từ nhiều năm nay, chuyên gia kinh tế và nhà quản lý trong nước liên tục đưa ra thông điệp Việt Nam phải “tự lực, tự cường” nhiều hơn. Chúng ta không thể đặt hết kì vọng vào các doanh nghiệp FDI trong khi họ có thể rút chân bất kì lúc nào.

Hiện nay, với một loạt các hiệp định FTA đang có hiệu lực, doanh nghiệp nội sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách lớn hơn. Trọng tâm của những câu chuyện về CPTPP hay EVFTA không phải là áp lực cạnh tranh buôn bán khiến doanh nghiệp “tồn tại hoặc diệt vong” trong ngắn hạn, mà là cách các doanh nghiệp Việt sẵn sàng thay đổi những gì để tăng năng lực cạnh tranh đạt tiêu chuẩn quốc tế. “Chúng tôi rất kỳ vọng các Hiệp định thương mại tự do khác chỉ là đòn bẩy. Còn bản thân các doanh nghiệp sẽ vươn lên bằng chính chất lượng, bằng nhu cầu của mình thay vì nhường sân cho FDI.”, Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhấn mạnh tại hội thảo “CPTPP: Cơ hội, thách thức và giải pháp để phát huy lợi thế” được tổ chức vào cuối tháng 5 tại TP.Hồ Chí Minh.

Cách đây vài ngày, Financial Time, một tờ báo nổi tiếng về kinh doanh quốc tế có trụ sở tại London, có bài viết về sự trỗi dậy của tập đoàn đa ngành khổng lồ VinGroup cũng như ảnh hưởng lan tỏa nhanh chóng của nó tới khắp các lĩnh vực kinh tế-xã hội. VinGroup được so sánh như một Chebol của Hàn Quốc, và minh chứng cho việc doanh nghiệp Việt không còn là cái bóng mờ nhạt phía sau những công ty ngoại khổng lồ. Nhưng VinGroup không phải và không nên là doanh nghiệp duy nhất làm được điều đó. Để có thể giành lại lợi thế từ tay các doanh nghiệp FDI thì Việt Nam cần nhiều hơn nữa những công ty nội địa hùng mạnh về quy mô và công nghệ.

Một vài năm tới hứa hẹn khả năng nhiều dòng tiền đầu tư mới từ các nước phát triển và nhóm G7 chảy vào Việt Nam. Chúng ta đang đứng trước vị thế có nhiều lựa chọn và sẽ cần lựa chọn khôn ngoan ở đúng chỗ, đúng thời điểm. Tuy nhiên, việc chuẩn bị về môi trường đầu tư kinh doanh, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, khả năng hấp thụ công nghệ,.. sẽ là nhân tố quan trọng quyết định liệu Việt Nam có thể gặt hái được các lợi ích tương xứng.