Mới diễn ra trong vài tháng, nhưng tác động của dịch COVID-19 tới các nền kinh tế đã bắt đầu bộc lộ. Dự báo của một số tổ chức quốc tế cho biết tổng thiệt hại kinh tế toàn cầu do dịch COVID-19 có thể lên tới 160 tỷ USD, lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS.

Trung Quốc là mắt xích quan trọng trong nhiều chuỗi cung toàn cầu | Ảnh: Xinhua
Trung Quốc là mắt xích quan trọng trong nhiều chuỗi cung toàn cầu | Ảnh: Xinhua

Kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng

Trước thềm năm 2020, nhiều tổ chức quốc tế như World Bank đều đánh giá kinh tế thế giới sẽ tiếp tục xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, sự xuất hiện bất ngờ của dịch COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ kéo tốc độ tăng trưởng xuống hơn, bởi Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ), đóng góp khoảng 33% tổng mức tăng trưởng kinh tế thế giới và có khả năng ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia trong chuỗi cung toàn cầu.

Trước đây, vào năm 2003, dịch suy hô hấp cấp tính nặng SARS do một chủng virus corona khác - cũng bắt nguồn từ Trung Quốc, và gây ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên tại thời điểm đó, vai trò của nền kinh tế Trung Quốc nhỏ hơn, chỉ khoảng 4% GDP toàn cầu, so với quy mô gần 18% GDP toàn cầu hiện tại. Sau gần 2 thập kỉ, nền kinh tế thế giới và Trung Quốc trở nên kết nối và phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ hơn. Nhờ có sự xuất hiện của nhiều công nghệ truyền tin mới như mạng xã hội, hiệu ứng truyền thông sẽ góp phần không nhỏ trong việc khuyếch đại tác động của dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến kinh tế.

Dự báo của một số tổ chức quốc tế cho biết tổng thiệt hại kinh tế toàn cầu do dịch COVID-19 có thể lên tới 160 tỷ USD, lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS.

Tuy nhiên hiện nay, các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra những con số tác động về tăng trưởng. Tổng Giám đốc IMF chỉ đưa ra nhận định rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ “chịu ảnh hưởng nhẹ, ít nhất là trong ngắn hạn” từ dịch COVID-19. Đồng quan điểm, giới chuyên gia kinh tế Mỹ tỏ ra dè dặt trong việc đưa những dự báo về ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nhưng cũng cho rằng tác động với nền kinh tế Trung Quốc và kinh tế thế giới sẽ “chỉ ở mức hạn chế”.

Với Trung Quốc, nhiều tổ chức cho rằng ngay cả khi chính quyền nước này có thể dập tắt dịch bệnh theo kịch bản kết thúc vào quý I/2020 hoặc quý II/2020, Bắc Kinh vẫn sẽ vấp phải một cú sốc kinh tế ngắn hạn. Dự báo mức tăng trưởng của Trung Quốc năm 2020 có thể giảm từ xuống 5% so với ước tính ban đầu 6%.

Ở châu Á, tác động của dịch bệnh có thể rõ ràng hơn do nhiều nước phụ thuộc Trung Quốc cả đầu vào và đầu ra. Theo Fitch Solutions Macro Research, tăng trưởng khu vực có thể giảm từ mức 4,3% năm 2019 xuống còn 4% năm 2020; trong đó, trong khối ASEAN, Singapore và Thái Lan có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đến là Hong Kong và Việt Nam. Các quốc gia này đã lần lượt tự giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của mình từ 0,4 – 1,7 điểm %.

Những ngành chịu tác động trực tiếp

Du lịch, thương mại, tiêu dùng, vận tải, hàng không là những ngành bị tác động trực tiếp mạnh nhất của dịch COVID-19 do việc hạn chế và cấm đi lại trong nội địa và giữa Trung Quốc với các quốc gia bên ngoài. Hiện khoảng 170 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài mỗi năm, tạo ra doanh thu khoảng 260 tỷ USD.

Một số chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc tạm thời bị gián đoạn, nhất là cung ứng thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, công nghệ cao, phụ tùng ô tô. Việc lưu chuyển thương mại xuyên quốc gia cũng bị gián đoạn vì các lệnh hạn chế di chuyển và tăng cường kiểm dịch.

Đầu tư quốc tế chịu tác động dưới hai góc độ: Dòng đầu tư quốc tế vào Trung Quốc và đầu tư Trung Quốc ra nước ngoài. Dịch bệnh khiến cho môi trường chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu càng trở nên bất trắc, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, co lại, do đó làm suy yếu động lực đầu tư. Xu hướng phân tán rủi ro trong đầu tư quốc tế sẽ được đẩy mạnh hơn theo hướng dần di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sắp xếp lại mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Tăng trưởng nhiều ngành bị gián đoạn bởi dịch bệnh | Ảnh: ANI
Tăng trưởng nhiều ngành bị gián đoạn bởi dịch bệnh | Ảnh: ANI

Lĩnh vực bảo hiểm đang bị ảnh hưởng mạnh do gia tăng chi trả bồi thường thiệt hại vì dịch gây ra, trước mắt là bảo hiểm du lịch, nhân thọ, kinh doanh. Nếu dịch kéo dài, tác động lan rộng, có khả năng bảo hiểm sẽ là khâu kích hoạt cú sốc tài chính toàn cầu.

Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có nhiều hoạt động sản xuất - thương mại phụ thuộc vào Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Một số doanh nghiệp lớn đã ghi nhận ảnh hưởng doanh thu đáng kể như Vietnam Airlines, Navico…

Các gói giải pháp kinh tế ứng phó hậu COVID-2019

Trước tình hình dịch bệnh, nhiều quốc gia đang ưu tiên cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể, nhưng đồng thời cũng bắt đầu triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động của dịch cho giai đoạn trong và sau khi hết dịch.

* Trung Quốc

Trung Quốc thực hiện các biện pháp nới lỏng trong ngắn hạn để ổn định nền kinh tế, như tung ra thị trường hơn 240 tỷ USD thông qua hợp đồng mua lại trên hệ thống ngân hàng để tạo thanh khoản.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 này yêu cầu các tổ chức tài chính tạo thuận lợi cho vay đối với các công ty nhỏ để họ có thể duy trì hoạt động kinh doanh, như tăng thời hạn vay, giảm lãi xuất và lãi vay quá hạn, cung cấp các khoản vay mới cho các công ty có thanh khoản thấp, rút ngắn thời gian xét duyệt trong vòng 2 ngày để các doanh nghiệp liên quan chống chọi với ảnh hưởng của dịch…

Trung Quốc cắt giảm thuế hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhằm bảo đảm nguồn cung; giảm chi phí đầu vào như khấu trừ thuế và miễn, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp. Thành phố Bắc Kinh và Tô Châu cho phép chậm nộp bảo hiểm xã hội, miễn lệ phí hành chính, giảm tiền thuê đất thuộc sở hữu nhà nước.

* Thái Lan

Thái Lan công bố các biện pháp mới để thúc đẩy nền kinh tế, hạ lãi suất từ 1,25% xuống 1%, giảm điều kiện kinh doanh, tăng miễn thuế doanh nghiệp cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án quy mô lớn, nới lỏng các điều khoản trả nợ, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân từ tháng 3 đến tháng 6.

Thái Lan tuyên bố không hạn chế khách du lịch đến quốc gia này hay loại bỏ chương trình không tính phí visa lấy tại sân bay - vốn được áp dụng chủ yếu nhằm thu hút khách đại lục. Sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế Thái Lan vào khách du lịch Trung Quốc cũng là một lý do khác để quốc gia này tiếp tục mở rộng cánh cửa, bởi chi tiêu của khách du lịch chiếm gần 20% GDP Thái Lan.

* Singapore

Singapore đang chuẩn bị một gói tài chính để đối phó (dự kiến công bố ngày 18/2) và đã công bố một loạt các biện pháp cho ngành du lịch, bao gồm miễn phí giấy phép cho khách sạn, đại lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch...

* Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc các biện pháp có tổng trị giá 500 tỷ yen nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về dòng tiền do tác động của dịch COVID-19. Chính phủ dự định sẽ sử dụng ngân sách dự phòng cho tài khóa 2019 để cung cấp các khoản tín dụng khẩn cấp cho các đối tượng này.

* Việt Nam

Trong giai đoạn này, Chính phủ Việt Nam chưa đưa ra động thái cụ thể về những điều chỉnh công cụ kinh tế liên quan, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ 2 gói giải pháp trong tháng 1/2020. Nếu tình hình diễn biến xấu hơn, chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc các biện pháp.

Một số nhà kinh tế độc lập bày tỏ ý kiến rằng do nền kinh tế năm nay gặp nhiều thử thách hơn năm ngoái, cộng thêm dịch bệnh COVID-19 nên “một chính sách tiền tệ nới lỏng là cần thiết”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng “Dịch bệnh là cơ hội để Việt Nam nhìn lại chính mình, thấy được các điểm yếu của nền kinh tế để đẩy nhanh quá trình sắp xếp, tái cơ cấu nền kinh tế” đang bị đình trệ nhiều năm, theo hướng ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc và tăng khả năng chống chịu các biến động ngoài.