Phần Lan đã chuyển đổi từ giảng dạy từng môn học đơn lẻ theo kiểu truyền thống sang giảng dạy theo các “chủ đề” liên môn rộng hơn.

Thay đổi này không có nghĩa là các trường học Phần Lan sẽ bỏ dạy toán, lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc và các môn học khác. Nhưng thay vì đào tạo theo từng môn học riêng lẻ, chương trình học của Phần Lan đào tạo học sinh theo các chủ đề có tính liên môn, chẳng hạn như Liên minh Châu Âu, xã hội, biến đổi khí hậu, hoặc 100 năm độc lập của Phần Lan, ... Và mỗi chủ đề sẽ bao gồm các mô-đun thuộc về các lĩnh vực khác nhau như ngôn ngữ, địa lý, khoa học, toán học hay kinh tế.

Cần phải nhấn mạnh hai đặc điểm cơ bản của hệ thống giáo dục Phần Lan để có thể thấy được bức tranh thực tế. Thứ nhất, hệ thống quản lý giáo dục của Phần Lan phi tập trung hóa rõ rệt, mỗi đơn vị hành chính đều có quyền sắp xếp chương trình học tùy theo hoàn cảnh địa phương. Chính quyền trung ương chỉ ban hành luật, chi ngân sách cho các trường, và cung cấp một khung hướng dẫn chung về những nội dung trường học nên dạy. Thứ hai, Khung chương trình giảng dạy quốc gia của Phần Lan chỉ là một tiêu chuẩn chung rất khái quát. Các chính quyền địa phương có rất nhiều khoảng mở để tìm ra những cách dạy và học phù hợp nhất. Do đó, các chương trình dạy và học ở mỗi nơi thường được tùy chỉnh theo nhu cầu và tình huống tại địa phương.

Ở Phần Lan, các giờ học được khuyến khích tích hợp các môn học, kỹ năng và hoạt động khác nhau. Nguồn: news.com.au

Học tập dựa trên chủ đề

Cải cách giáo dục ở Phần Lan diễn ra từ năm 2016, với việc giới thiệu Khung chương trình giảng dạy quốc gia mới (NCF).

Đây là một tài liệu mang tính bắt buộc thực thi trên toàn quốc, đặt ra các mục tiêu tổng thể của việc học, mô tả các nguyên tắc dạy và học, và cung cấp các hướng dẫn về giáo dục đặc biệt, sức khỏe học sinh, các dịch vụ hỗ trợ và phương thức đánh giá học sinh. Khái niệm giảng dạy “dựa trên hiện tượng” - một sự chuyển hướng khỏi “các môn học” và hướng tới các chủ đề liên môn - là vấn đề trung tâm trong NCF.

Tích hợp các môn học và sử dụng cách tiếp cận toàn diện trong việc dạy và học không phải là điều mới mẻ ở Phần Lan. Từ những năm 1980, các trường học Phần Lan đã thử nghiệm phương pháp này và nó đã trở thành một phần của văn hóa giảng dạy ở nhiều trường học Phần Lan kể từ đó. Tuy nhiên, cải cách năm 2016 này vẫn buộc các giáo viên dạy “bộ môn” ở các trường trung học cơ sở của Phần Lan phải thay đổi, từ việc dạy các môn học riêng lẻ sang làm việc nhóm với các đồng nghiệp ở các bộ môn khác để thiết kế và giảng dạy các “chủ đề” liên môn cho học sinh.

Trường học quyết định chương trình

Kể từ thay đổi năm 2016, tất cả các trường học dành cho học sinh từ 7 đến 16 tuổi phải dành ra một khoảng thời gian dạy và học liên môn, dựa trên chủ đề, trong chương trình giảng dạy hằng năm của mình. Các trường được tự quyết định khoảng thời gian dạy và học liên môn này sẽ diễn ra khi nào và kéo dài bao lâu. Helsinki, thủ đô của Phần Lan và là thành phố có hệ thống trường học địa phương lớn nhất, đã quyết định, các trường trong khu vực phải thực hiện hai giai đoạn dạy học như vậy, và mỗi giai đoạn phải bao gồm tất cả các môn học và tất cả học sinh ở mọi trường học trong khu vực.

Ở hầu hết các trường ở các vùng khác của Phần Lan, học sinh có thể thực hiện một “dự án” liên môn song song với việc học các môn học riêng lẻ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các cơ quan quản lý giáo dục của Phần Lan lại tìm cách tập trung vào việc tích hợp và giảng dạy dựa trên chủ đề, trong khi kết quả thi quốc tế của học sinh Phần Lan liên tục giảm trong các năm trước cải cách 2016. Câu trả lời là các nhà giáo dục ở Phần Lan cho rằng các trường học nên dạy những gì học sinh sẽ cần trong cuộc sống, chứ không vì kết quả thi cao.

Nhiều người đồng tình, cho rằng giới trẻ Phần Lan cần các kiến ​​thức và kỹ năng tổng hợp về các vấn đề và cách tiếp cận tích hợp, dựa trên các chủ đề, làm cho việc học tập trở nên có ý nghĩa thực tế hơn đối với học sinh.

Học sinh tham gia thiết kế bài học

Khía cạnh đáng ngạc nhiên nhất của cải cách giáo dục ở Phần Lan, nhưng lại ít được đề cập, đó là NCF 2016 quy định, học sinh phải tham gia vào việc lập kế hoạch cho các giai đoạn dạy và học dựa trên chủ đề, và học sinh phải có tiếng nói trong việc đánh giá những gì các em đã học được từ giai đoạn đó.

Một số giáo viên ở Phần Lan coi cải cách năm 2016 là một mối đe dọa và là cách sai lầm để cải thiện việc dạy và học trong trường học. Nhưng cũng có các giáo viên cho rằng việc phá bỏ sự thống trị của các môn học truyền thống, và sự cô lập các mảng kiến thức trong giảng dạy, là cơ hội để thay đổi các trường học một cách căn bản.

Trong khi một số trường ở Phần Lan đã nắm bắt cơ hội để thiết kế lại việc dạy và học theo hướng các chủ đề liên môn, một số trường khác vẫn chọn (và được phép chọn) những hướng cải cách chậm rãi hơn. Nhưng dù sao việc giảng dạy các môn học lịch sử, nghệ thuật, toán, v.v... sẽ tiếp tục dưới hình thức này hay hình thức khác ở các trường học Phần Lan.

Đáng ngạc nhiên, nếu ở Mỹ, 90% số sinh viên vào đại học ngay trong năm kết thúc trung học thì ở Phần Lan con số này chỉ có 20%. Lí do là việc tuyển sinh đại học ở Phần Lan có tính chọn lọc cao. Các trường đại học lâu đời ở Phần Lan yêu cầu học sinh vượt qua các kỳ thi đầu vào gồm nhiều bài thi và có thể kéo dài cả tháng, bởi vậy học sinh rất khó có thể cùng lúc hoàn thành tốt cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đầu vào đại học trong cùng một năm, do đó những học sinh mới ra trường thường có thành tích thi vào đại học kém hơn những học sinh lớn hơn vài tuổi và có nhiều thời gian chuẩn bị hơn. Vì phải tham gia trực tiếp kỳ thi đầu vào của trường ứng tuyển, học sinh khó có thể đồng thời nộp đơn vào nhiều hơn một hoặc hai cơ sở đào tạo. Vì có ít lựa chọn dự phòng, nếu đã không vào được các trường đại học danh tiếng nhất mà mình đã nhắm đến ban đầu thì học sinh sẽ không vào được trường nào.

Kết quả, rất nhiều học sinh thông minh nhất của Phần Lan cuối cùng phải mất ít nhất một và đôi khi là vài năm gap year (khoảng nghỉ giữa trung học và đại học). Nhiều người cho rằng điều này có hại cho nền kinh tế. Tuomas Pekkarinen ở Viện Nghiên cứu Kinh tế Vatt của chính phủ, cho biết, Phần Lan là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Âu. Trong khi học sinh chờ đợi để vào đại học, 1/5 số công việc ở Phần Lan đang được thực hiện bởi những người có kỹ năng thấp hơn mức lý tưởng.

Chính phủ Phần Lan đang cố gắng điều chỉnh: kể từ năm ngoái, các trường đại học được yêu cầu phải nhận ít nhất một nửa số ứng viên chỉ dựa trên điểm thi ở trung học mà không cần phải thi đầu vào. Theo Pekkarinen, có những dấu hiệu ban đầu cho thấy cách làm này đang giúp giảm độ tuổi bắt đầu đi học đại học của hầu hết học sinh.