Ở Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), số giảng viên có công bố quốc tế hằng năm tăng khoảng 10-15% và theo PGS.TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban Khoa học và Công nghệ của trường, chính sách thưởng tiền đóng góp đáng kể vào con số này.

Tuy nhiên, ông Tích cho rằng, để nhiều giảng viên tham gia nghiên cứu hơn và bền hơn thì còn cần thêm sự hỗ trợ của những yếu tố khác.

PGS-TS Vũ Văn Tích. Ảnh: NVCC
PGS-TS Vũ Văn Tích. Ảnh: NVCC

Thưởng của Việt Nam tương đương quốc tế

Xin ông cho biết, hiện VNU đang có những quy định như thế nào về việc thưởng cho các bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus?

Cơ chế thưởng cho bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín thực tế đã được quy định tại Nghị định 99/2014/NĐ-CP ban hành ngày 25/10/2014 của Chính phủ. Theo đó, mức thưởng được tính không quá 30 lần mức lương cơ bản, tương đương khoảng 35-36 triệu cho một công bố quốc tế. Đây là mức thưởng mang tính chất khuyến khích, động viên, còn để thực hiện một công bố, chi phí tốn kém hơn nhiều.

Ở VNU, những đề tài đã nhận tài trợ sẽ không được thưởng, trường chỉ tính thưởng cho những đề tài không có bất cứ khoản tài trợ nào. Đối tượng là bất cứ nhà khoa học, nhóm nghiên cứu của trường hoặc nhà nghiên cứu độc lập phối hợp thực hiện với trường.

Cụ thể, VNU tính thưởng theo cách nào, thưa ông?

Giống như các trường đại học khác, VNU cũng dựa vào chỉ số ảnh hưởng IF. Căn cứ theo tiêu chí nhóm tạp chí, lĩnh vực nghiên cứu, mức thưởng lần lượt là 50 triệu đồng, 30 triệu đồng, 20 triệu đồng, 10 triệu đồng,... Mức thưởng này, theo tôi được biết, tương đương với nhiều nước ở châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Tới đây, VNU sẽ hướng tới khoán theo sản phẩm đầu ra, các nhà khoa học không phải “đau đầu” lo các thủ tục phức tạp như trước kia, mà chỉ cần nộp kết quả cuối cùng, nếu đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của đề tài; và toàn bộ quá trình xét duyệt đề tài, thanh quyết toán, hóa đơn, chứng từ sẽ không cần thiết nữa.

Số nhà nghiên cứu có công bố quốc tế của VNU tăng 10-15% mỗi năm. Ảnh: Hoàng Anh
Số nhà nghiên cứu có công bố quốc tế của VNU tăng 10-15% mỗi năm. Ảnh: Hoàng Anh

Theo đó, mỗi công bố quốc tế đạt chỉ số ảnh hưởng IF theo quy định (chọn từ cao xuống thấp) sẽ nhận được số tiền tương ứng từ 200 triệu đến 300 triệu đồng. Cũng cần phải hiểu rằng mức thưởng này bao gồm cả chi phí hỗ trợ cho giảng viên điều tra dữ liệu, họp nhóm nghiên cứu, dự hội nghị, hội thảo quốc tế…

Tuy nhiên, theo tôi, nếu các trường đại học thả lỏng việc quản lý tới mức không cần biết nhà khoa học làm gì, ở đâu, cứ có bài báo công bố quốc tế là thưởng thì lại không ổn bởi có nguy cơ dẫn đến các khả năng: nội dung nghiên cứu không hỗ trợ công tác đào tạo; không tạo ra nhóm nghiên cứu mạnh; nhà trường sẽ không chủ động trong việc quản lý chất lượng của các công trình nghiên cứu. Do đó, theo tôi, vẫn cần có sự điều tiết của cơ quan quản lý.


Muốn động viên, có nhiều cách

Xin ông cho biết, chính sách thưởng cho công bố quốc tế của VNU những năm qua có mang lại những kết quả như kỳ vọng không?

Chính sách thưởng đã được VNU áp dụng khoảng 5 năm và kết quả đạt được phù hợp với chi phí cũng như chất lượng khoa học mà nhà trường yêu cầu. Đó là số người tham gia công bố các bài báo quốc tế hằng năm tăng khoảng 10-15% và đã tạo nên “văn hóa ISI” ở VNU. Các nhóm nghiên cứu mạnh cũng được hình thành từ văn hóa này và các kết quả nghiên cứu đó sẽ hỗ trợ các chương trình đạo tạo của nhà trường.

Tuy nhiên, theo khảo sát của TS Đặng Văn Sơn - Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội - tỷ lệ bài trên đầu tiến sỹ của trường mới chỉ là 0,3-0,4 bài/người/năm, thậm chí có người chưa bao giờ có công bố, và việc công bố trên các tạp chí quốc tế mới chỉ tập trung ở một số nhà khoa học mà chưa lan tỏa thành phong trào nghiên cứu của trường.

Do đó, theo tôi, mức thưởng hiện nay mới chỉ là để mọi người cố gắng. Nếu muốn tạo phong trào nghiên cứu của trường thì chi phí thưởng chắc chắn phải lớn hơn nhiều. Vì thế, mức thưởng 200 triệu cho một bài công bố quốc tế gây xôn xao thời gian qua, theo tôi, sẽ tạo động lực đáng kể để khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu nhiều hơn và bền hơn.

Theo ông, để tạo ra thói quen nghiên cứu và công bố cho các giảng viên, chỉ thưởng thôi có đủ không, kể cả thưởng lớn?

Thứ nhất, nhà khoa học cần được động viên theo nhiều cách, có thể bằng tiền thưởng, bằng sự vinh danh hoặc sự thăng tiến trong công việc (là trưởng nhóm nghiên cứu mạnh, trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm…). Bên cạnh đó, họ cũng cần được tạo điều kiện tiếp xúc với đồng nghiệp quốc tế để học hỏi, trao đổi, biến ý tưởng thành sản phẩm và chuyển giao gắn với doanh nghiệp. Đây là những giá trị cao nhất trong tháp nhu cầu mà Maslow đưa ra (được tôn trọng và được thừa nhận). Tiền chỉ là một phần trong nhu cầu tối thiểu.

Xin cảm ơn ông!

Để xếp hạng trường đại học, có 3 nhóm yếu tố để đánh giá: (1) Sản phẩm khoa học công nghệ và bài báo công bố quốc tế chỉ là một trong số đó; (2) Phản ánh của doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực được đào tạo từ trường đại học; (3) Đánh giá của sinh viên, học viên, đặc biệt là sinh viên quốc tế. Khi 3 yếu tố này cùng hợp nhất và được đánh giá toàn diện thì mới thể hiện chính xác đẳng cấp của một trường đại học.