Các tổ chức tài chính công đang đầu tư vào khí đốt tự nhiên nhiều gấp bốn lần so với năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời, bất chấp các cam kết về khí hậu

Theo một báo cáo mới của Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD), các tổ chức tài chính quốc tế đang cấp vốn cho các dự án khí đốt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình nhiều gấp bốn lần so với năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời.

Từ năm 2017 đến năm 2019, các dự án khí đốt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình nhận được bình quân gần 16 tỷ USD mỗi năm từ các tổ chức tài chính công quốc tế - 60% trong số này đến từ Ngân hàng Thế giới và ba chính phủ: Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ.

Một hệ thống khí đốt tự nhiên ở Quảng Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: chinadaily.com.cn

Trong khi đó, theo báo cáo, không cần thiết sử dụng khí đốt để đáp ứng nhu cầu năng lượng của các quốc gia này, bởi các giải pháp năng lượng tái tạo thay thế đã sẵn sàng đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu năng lượng, xây dựng và các ngành kỹ thuật công nghiệp nhẹ. Nghiên cứu cho thấy, đối với hầu hết các mục đích sử dụng, năng lượng tái tạo đã rẻ hơn hoặc dự kiến ​​sẽ rẻ hơn khí đốt vào năm 2030.

Do đó, báo cáo đề nghị các tổ chức tài chính quốc tế chấm dứt mọi hỗ trợ cho hoạt động khai thác và sản xuất khí đốt, xây dựng các nhà máy điện khí mới cũng như cơ sở hạ tầng khí đốt lâu dài khác, chẳng hạn như các dự án xây dựng đường ống dẫn khí. Thay vào đó, các tổ chức này nên đầu tư vào việc giúp đỡ các quốc gia ở nam bán cầu phát triển các nền kinh tế bền vững, bằng cách tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và hỗ trợ các nước này tiếp cận với năng lượng sạch toàn cầu.

Greg Muttitt, tác giả chính của báo, nói: “Một số tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, đã quyết định dừng tài trợ cho các dự án dầu khí mới để phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Nhưng những tổ chức khác vẫn tiếp tục hỗ trợ cho dầu khí. Khi các quốc gia như Úc và Mỹ ồ ạt mở rộng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng, nguồn tiền hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho khí đốt mới dường như chỉ để phục vụ các lợi ích của mình, hơn là giúp các nước ở nam bán cầu đáp ứng nhu cầu của họ”.

Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD) là một think tank độc lập tại Canada thúc đẩy các giải pháp hướng đến khí hậu ổn định, tài nguyên bền vững và nền kinh tế công bằng. IISD nhận tài trợ từ chính phủ Canada, Mỹ, các quỹ đầu tư và khu vực tư nhân.

Nguồn:

Media Climate Net, IISD