Ngày 21/8/2023, UBND TPHCM đã phê duyệt Quyết định số 35/2023/QĐ-UBND ban hành Quy chế Quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước TPHCM.

Quyết định số 35/2023/QĐ-UBND (Quy chế 35) thay thế cho Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 24/11/2016 về việc ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN trên địa bàn TPHCM và Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND ngày 07/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 48/2016.

Riêng các nhiệm vụ KH&CN đã được cấp có thẩm quyền duyệt nhiệm vụ trước ngày Quyết định số 35/2023/QĐ-UBND có hiệu lực, thì tiếp tục áp dụng theo Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND và Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND, cho đến khi kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng đã được phê duyệt.

Quyết định 35 bao gồm 6 chương và 28 điều, với một số nội dung cần lưu ý. Cụ thể, điều kiện đối với tổ chức đăng ký chủ trì là pháp nhân được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam, có chức năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Bổ sung thêm trường hợp tổ chức không đủ điều kiện do có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ sẽ không được đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời gian 1 năm kể từ khi có quyết định đình chỉ của Sở KH&CN; Vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định của Luật KH&CN.

Đối với cá nhân đăng ký chủ nhiệm, không quy định số lượng nhiệm vụ do cá nhân chủ trì. Cá nhân không đủ điều kiện đăng ký khi có vi phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ do mình làm chủ nhiệm trong thời gian 3 năm kể từ khi có quyết định của Sở KH&CN.

v
Một phòng thí nghiệm tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Ảnh: Internet

Về nguyên tắc cấp kinh phí, Quyết định 35 quy định, cấp tối đa đến 100% tổng kinh phí đối với nhiệm vụ thuộc danh mục nhiệm vụ theo thông báo của Sở KH&CN; Nhiệm vụ được xét giao trực tiếp theo quy định. Ngoài ra, cũng xét 100% kinh phí cho nhiệm vụ, được Hội đồng đánh giá đạt từ 80/100 điểm trở lên và có sản phẩm đáp ứng một trong các tiêu chí như phục vụ cho khu vực công, người dân, doanh nghiệp của Thành phố; sản phẩm mang tính đột phá so với sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường hoặc sản phẩm có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Đối với nhiệm vụ không thỏa mãn các tiêu chí nêu trên, sẽ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí ngân sách nhà nước, nhưng không quá 1 tỷ đồng đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên, không quá 500 triệu đồng đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Trường hợp đặc biệt sẽ do UBND Thành phố quyết định.

Đối với Tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ, trước đây, theo Quyết định 48 trường hợp nhiệm vụ có thời gian thực hiện dưới 12 tháng hoặc kinh phí dưới 150 triệu đồng, sẽ không cần thực hiện giám định. Tuy nhiên, Quyết định 35 sẽ có Tổ thẩm định kinh phí cho tất cả các nhiệm vụ. Tổ thẩm định có từ 3 - 5 thành viên và ít nhất phải có 1 thành viên có chuyên môn thuộc lĩnh vực tài chính.

Nhiệm vụ của Tổ này là đánh giá sự phù hợp của dự toán kinh phí đối với các nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ; đánh giá khả năng đối ứng vốn ngoài ngân sách nhà nước; kiến nghị tổng mức kinh phí thực hiện tỷ lệ sở hữu các kết quả nghiên cứu theo quy định; Phương án xử lý tài sản.

Quyết định 35 cũng quy định, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ phải thực hiện định kỳ báo cáo 3 tháng mỗi lần thay vì 6 tháng theo quy định cũ, nhằm đảm bảo tiến độ đề tài.