Nghiên cứu do Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên chủ trì đã lập hồ sơ, nhân giống, xây dựng quy trình trồng hai giống mận đặc trưng của vùng Tây Bắc, góp phần tăng năng suất thu hoạch và cải thiện thu nhập cho người dân.

Mận đỏ Hoàng Su Phì – Đặc sản Hà Giang. Ảnh: Internet
Mận đỏ Hoàng Su Phì – Đặc sản Hà Giang. Ảnh: Internet

Mận đỏ Hà Giang, còn có tên gọi là mận máu hay Chí Kháy Là, là trái cây đặc trưng của vùng núi Tây Bắc. Mận được thu hoạch vào đầu tháng 6, chín rộ trong khoảng tuần đầu tháng 6 đến giữa tháng 7; có màu đỏ sậm, ăn giòn, ngọt, chắc, được nhiều người dân miền xuôi yêu thích.

Giống cây này được trồng nhiều nhất ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), nơi đem lại thu nhập trung bình cho các gia đình từ 20 - 50 triệu đồng/vụ. Trước đây, mận máu được bán với quy mô nhỏ lẻ và rất ít, chỉ đủ tiêu thụ trong vùng lân cận đổ lại. Nhưng ngày nay, Hoàng Su Phì đã mở rộng quy mô tới 420 ha để đem sản phẩm đi bán ở các khu vực trong và ngoài nước. Năm ngoái, địa phương này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Mận máu Hoàng Su Phì”, có hiệu lực ít nhất 10 năm.

Các dòng mận chín sớm của Lạng Sơn – thu hoạch vào tháng 3 hằng năm – cũng có mùi vị đặc trưng và được ưa chuộng. Mận chín sớm quả to màu vàng, khi chín có vị chua nhẹ, khá được ưa chuộng trên thị trong nước và được xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm năm trở lại đây, giá của mận chín sớm không ngừng tăng, gấp 5-10 lần giá trị của vải, đào, táo. Tuy nhiên, giống mận này chỉ còn một diện tích nhỏ trên địa bàn huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Văn Quan của tỉnh Lạng Sơn.

Điều kiện thâm canh lạc hậu và sự di thực của nhiều giống mận từ nơi khác đến đã gảnh hưởng đến năng suất, chất lượng giống mận chín sớm của địa phương, vì vậy giống mận này đang bị lẫn tạp, gây khó khăn cho việc trồng trọt và làm giảm hiệu quả kinh tế của người dân.

Nhận thấy giá trị kinh tế của hai giống mận này, từ năm 2019, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã thực hiện đề tài cấp quốc gia “Khai thác và phát triển nguồn gen bản địa mận Đỏ và mận Chín sớm tại Hà Giang và Lạng Sơn”, mã số: NVQG- 2019/ĐT.12

Nhóm tác giả tập trung vào việc xây dựng một bộ tài liệu mô tả đặc điểm nông sinh học của hai dòng mận bằng cách theo dõi cây trồng tại các xã khác nhau, phân tích mẫu đất, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, và đánh giá sinh trưởng của cây.

Đồng thời, họ cũng tuyển chọn 18 cây đầu dòng (8 cây mận chín sớm Lạng Sơn, 10 cây mận đỏ Hà Giang) để lưu trữ gen bản địa, tạo nguồn vật liệu cho quá trình nhân giống. Bằng cách sử dụng các công nghệ sinh học nhân giống trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tạo được một vườn cây mẹ (0,5 ha mận chín sớm và 0,5 ha mận đỏ) nhân từ cây đầu dòng. Theo đánh giá, cây sinh trưởng tốt và sạch bệnh.

Để chuẩn bị cho việc cung cấp giống chọn lọc cho người dân, các nhà nghiên cứu cũng xây dựng một vườn ươm cây con khác, nhân giống bằng phương pháp ghép mắt với công suất đạt 5.000 cây/năm.

Trong hơn 3 năm, dự án đã sử dụng cây mẹ để thử nghiệm các mô hình trồng mới (3ha/giống) và mô hình thâm canh (1ha/giống). Họ xem xét nhiều khía cạnh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của quả, chẳng hạn như hoạt động thụ phấn từ các nguồn khác nhau, sử dụng chế phẩm bón lá v.v

Kết quả, các mô hình trồng mới đã giúp tăng năng suất cây trồng ít nhất 15% so với mô hình đại trà hiện nay. Theo ước tính, hiệu quả kinh tế đem lại từ mô hình mới sẽ cao hơn khoảng 20% so với cách trồng truyền thống.

Các mô hình trồng này hiện được sử dụng như một nơi trao đổi kinh nghiệm cho những người dân trong khu vực muốn cải tạo vườn cũ hoặc mở rộng diện tích trồng mới.

Đề tài do ThS. Vi Đại Lâm (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) chủ nhiệm, triển khai từ tháng 9/2019 đến 8/2023 với kinh phí 4,68 tỷ đồng.

Các kết quả vừa được Bộ KH&CN nghiệm thu vào tháng 10/2023, xếp loại đạt.