Các thầy cô giáo gọi việc dùng AI để trợ giúp là “đi chợ” còn việc “xào nấu” nội dung sao cho đúng, cho hay và cho phù hợp với nhận thức của học sinh vẫn là phần việc giáo viên phải làm.

Tập huấn sử dụng Bard cho các giáo viên tại Cao Bằng. Ảnh: Nguyễn Thành Chung
Tập huấn sử dụng Bard cho các giáo viên tại Cao Bằng vào tháng 10/2023. Ảnh: Thành Chung

Theo ông Đỗ Hoàng Sơn, đại diện Liên minh STEM, trong vòng ba tháng cuối năm 2023, có hơn 1.000 giáo viên THCS và THPT ở các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn đã được tập huấn cách dùng Google Bard (vừa đổi tên thành Google Genimi), một công cụ chatbot AI đàm thoại tương tự như ChatGPT nhưng có khả năng truy cập Internet và hoàn toàn miễn phí

Đây là một phần hoạt động trong chương trình "Tỏa sáng sức mạnh tri thức" của cô giáo Đào Thị Hồng Quyên do UNICEF tài trợ, nhằm nâng cao năng lực giáo dục STEM ở các tỉnh miền núi.

Chỉ sau vài buổi tập huấn, các thầy cô vùng cao đã quen với cách ra lệnh cho Bard viết một giáo án theo quy định của Bộ GD&ĐT, lên kế hoạch cho một bài học STEM cụ thể, và tạo ra các ảnh minh họa, câu hỏi cho một nội dung bài học nhất định.

“Mọi người cảm thấy thích thú và được mở mang rất nhiều. Quan trọng hơn, họ có thể dùng nó để thực chiến”, ông Sơn nhấn mạnh.

Dĩ nhiên, các thầy cô hiểu được ngôn từ mà AI (trí tuệ nhân tạo) viết ra có thể có sắc thái chưa phù hợp và thiếu chính xác, nhưng phần khung và dàn bài mà nó tạo ra thì rất xuất sắc. Do vậy, họ chỉ cần đưa kiến thức, kinh nghiệm của mình vào để chỉnh sửa sản phẩm trên nền mà AI tạo ra. Có cô giáo đã thốt lên rằng “như vậy mỗi ngày sẽ tiết kiệm được tới hai giờ để soạn bài!”.

Một thầy giáo nói khi dạy học, việc nghĩ ra câu hỏi cho chủ đề là tương đối khó. Anh đã nhờ AI thử soạn giúp “50 câu hỏi về muỗi” và thu được kết quả chỉ sau 5 giây, bao gồm cả những câu hỏi đóng và câu hỏi mở. Điều này cuốn học sinh của anh vào một loạt câu hỏi phụ khác nhau và sau vài tiếng đồng hồ đào xới, họ đã có thêm kha khá thông tin hữu ích để thảo luận. Anh thậm chí còn thử ra lệnh cho Bard “giải thích vấn đề này theo cách hiểu của một học sinh lớp ba” để tham khảo.

Tập huấn giáo viên STEM tại phòng giáo dục huyện Si Ma Cai - Lào Cai vào tháng 11/2023. Ảnh: Q.D
Tập huấn giáo viên STEM tại phòng giáo dục huyện Si Ma Cai - Lào Cai vào tháng 11/2023. Ảnh: QD

Các thầy cô giáo vùng cao tạm gọi việc dùng AI để trợ giúp là “đi chợ” còn việc “xào nấu” nội dung sao cho đúng, cho hay và cho phù hợp với nhận thức của học sinh vẫn là phần việc giáo viên phải làm. Họ cũng nhận thấy trí tuệ nhân tạo “rất khôn” vì khi các thầy cô giáo càng yêu cầu nó làm việc nhiều thì nó cũng sẽ “hiểu mình hơn”.

Họ cũng nhanh chóng phát hiện ra rằng để ra lệnh cho AI làm việc tốt thì bản thân họ phải viết được những từ khóa tốt theo một kết cấu dễ hiểu. “Điều này đòi hỏi các thầy cô phải tự làm giàu ngôn ngữ của mình và nâng cao kiến thức hàn lâm về cách sử dụng ngôn từ và truyền đạt. Ngoài ra, họ phải chuẩn hóa các thuật ngữ của mình. Có như vậy AI mới làm việc hiệu quả,” ông Sơn nhận xét.

Theo ông Sơn, trong năm nay, các giáo viên vùng cao ở Cao Bằng và Lạng Sơn sẽ tiếp tục được tăng cường kỹ năng nhờ việc tham gia vào các khóa đào tạo tiếp theo về cách huấn luyện AI bằng dữ liệu riêng của mình. Họ cũng sẽ được giới thiệu những AI chuyên dụng mà các thầy cô khác trong cộng đồng giáo viên STEM đã bỏ công đào tạo, ví dụ như AI chuyên viết báo cáo khoa học kỹ thuật, AI hỗ trợ làm slide trình chiếu, hay AI dạy về chủ đề bảo tồn văn hóa.

Theo một cách nào đó, Việt Nam đang bắt đầu “xóa mù AI” từ những thầy cô ở nơi xa xôi và khó khăn nhất của Tổ quốc. “Khi chúng tôi hỏi các giáo viên ở Hà Nội trong một hội thảo lớn, nhiều người không biết ChatGPT là gì và rất ngạc nhiên khi được minh họa về khả năng của chúng. Tôi nghĩ điều này nên thay đổi. Nếu không học cách dùng AI thì chúng ta sẽ lạc hậu, vì AI không còn xa lạ nữa,” ông Đỗ Hoàng Sơn nói.