Các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát các con hẻm tại phường 4,5 và 7 thuộc quận Gò Vấp (TP.HCM), từ đó đề xuất mô hình cải tạo, phát triển không gian hẻm trong bối cảnh đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu có sự tham gia của cộng đồng.

phiên chợ sáng tại quận Bình Thạnh Nguồn: M. Gibert, 2011
Những con hẻm là cốt lõi của khung đô thị TP.HCM và tạo nên không gian sống của gần 85% dân số. Trong ảnh là phiên chợ sáng tại quận Bình Thạnh. Nguồn: M. Gibert, 2011

Theo nghiên cứu "Mạng lưới đường hẻm TP.HCM trong quá trình hiện đại hóa: Dự án phát triển cục bộ, thách thức chung cho toàn đô thị" của Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu Đô thị (PADDI) vào năm 2016, “mặc dù vắng mặt trong phần lớn đồ án quy hoạch của Thành phố, những con hẻm lại là cốt lõi của khung đô thị TP.HCM và tạo nên không gian sống của gần 85% dân số. Mật độ dân số trong hẻm phố rất cao, có thể lên tới 80.000 người/km2, khiến công tác hiện đại hóa và mở rộng lộ giới hẻm trở nên vô cùng phức tạp”.

Với lộ giới nhỏ hơn 12m, đường hẻm không có vỉa hè, chỉ bao gồm một làn đường duy nhất và thường chỉ người đi bộ và xe hai bánh mới có thể lưu thông. Đôi khi trong một số hẻm rộng nhất, xe ô tô có thể qua lại được. Dù lộ giới hạn chế, đường hẻm chính là khung xương và yếu tố cấu trúc nên các ô phố và khu dân cư rộng lớn của Thành phố theo mô hình phân nhánh. Đường hẻm tại TP.HCM gắn bó vô cùng mật thiết với đời sống của cư dân nơi đây. Các tác giả của báo cáo nhận định hẻm phố là những “góc khuất của siêu đô thị” tại TP.HCM.

Đứng trước những thay đổi nhanh chóng của quá trình đô thị hóa và tình hình biến đổi khí hậu, việc đầu tư phát triển cảnh quan hẻm góp phần nâng cao đời sống người dân là đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì lẽ đó, CN. Lê Nguyễn Ái Huyền và các cộng sự thuộc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ đã tiến hành đề tài “Mô hình không gian, cảnh quan hẻm trong bối cảnh đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu có sự tham gia của cộng đồng tại TP.HCM (Điển cứu tại phường 4, 5 và 7 - Quận Gò Vấp)”. Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ chương trình Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ trẻ.

Các nhà khoa học hướng đến tìm hiểu và đề xuất mô hình lý tưởng góp phần cải tạo, phát triển không gian hẻm trong bối cảnh đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu có sự tham gia của cộng đồng. Cụ thể, họ sẽ mô tả hiện trạng các con hẻm ở phường 4,5,7 Gò Vấp; xác định nhu cầu của người dân trong việc cải tạo, phát triển không gian hẻm trong bối cảnh đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu có sự tham gia của cộng đồng; đề xuất mô hình cải tạo, phát triển không gian hẻm trong bối cảnh đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu có sự tham gia của cộng đồng.

Theo Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN CESTI (Sở KH&CN TP.HCM), nhóm nghiên cứu nhận thấy lối đi trong các con hẻm khá ngoằn nghèo, không có vỉa hè cho người đi bộ. Các hẻm có nhiều kích thước, chia thành bốn loại: hẻm chính, hẻm nhánh, hẻm cụt và hẻm chung. Đối với các hẻm kích cỡ từ 2m – 4,5m chủ yếu chỉ để di chuyển, hầu như không có tương tác xã hội, cảnh quan hai bên hẻm không có mảng xanh. Các hẻm có lộ giới từ 5m trở lên, dùng để lưu thông phương tiện, đậu xe, buôn bán, giao lưu. Với các hẻm có diện tích từ 8m – 12m, diện tích thông thoáng hơn nhưng mảng xanh và cơ sở hạ tầng cũng rất đơn điệu. Các lối đi chủ yếu làm từ bê tông, xi-măng, những loại vật liệu hấp thụ nhiệt cao. Hơn nữa, lưu lượng xe lưu thông đông, khói bụi và hiện tượng đảo nhiệt (hiện tượng nhiệt độ trung bình ở khu vực phát triển đô thị, công trình nhân tạo cao hơn khu vực công viên và nông thôn có môi trường tự nhiên tại cùng thời điểm) ngày càng tăng.

Đặt trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu, nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định: thứ nhất, quá trình quy hoạch, xây dựng làm các ao hồ, kênh thoát nước bị lấp, gây ra ngập cục bộ, thoát nước kém. Bên cạnh đó, đô thị hóa quá nhanh khiến các con hẻm dần mất mỹ quan và ngày càng nhỏ đi do bị lấn chiếm. Thứ hai, về việc thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm gần đây thiên tai xảy ra nhiều và phức tạp hơn. Tại các đô thị, khí hậu ngày càng oi bức, nắng mưa thất thường, triều cường gây ngập lụt thường xuyên và có sự đảo nhiệt trong đô thị.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tổng hợp và đưa ra bộ tiêu chí đánh giá về cảnh quan hẻm thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ tiêu chí được chia làm ba nhóm gồm môi trường, kinh tế và xã hội. Nhóm tiêu chí về môi trường gồm: mảng xanh thực vật bao phủ; vật liệu xanh; không khí trong lành; không tiếng ồn; không mùi hôi; chất thải, nước thải, rác thải được thu gom, xử lý đúng quy định; hệ thống thoát nước; công tác vệ sinh phòng dịch; giao thông thân thiện với môi trường; năng lượng tái tạo. Nhóm tiêu chí về xã hội gồm: không gian công cộng, không gian văn hóa; các hoạt động ngoài trời, sự kiện; cơ sở hạ tầng thân thiện (đường, điện….); hẻm an toàn, không có tệ nạn; sự tham gia của người dân trong các hoạt động phát triển cảnh quan hẻm. Nhóm tiêu chí về kinh tế gồm: tiện nghi cho cộng đồng; hạ tầng xanh (điện năng lượng mặt trời, gạch thấm nước…); môi trường kinh doanh ổn định; phát triển khu vực dịch vụ và các làng nghề thủ công truyền thống.

h
Một số ảnh chụp tại các hẻm trên đường Nguyễn Kiệm, Phạm Ngũ Lão (Gò Vấp, TP.HCM). Ảnh: CESTI

Các phương án cải tạo hẻm

Dựa trên kinh nghiệm từ những chiến dịch “hẻm xanh” của các thành phố lớn trên thế giới và lý thuyết phát triển bền vững, nhóm nghiên cứu đề xuất các phương án, giải pháp phát triển cảnh quan lồng ghép ba yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội.

Cụ thể, với yếu tố môi trường, họ đề xuất bảo vệ môi trường hệ sinh thái thông qua sử dụng gạch lát thấm nước, nhựa đường sinh học, vật liệu tái chế, bổ sung thùng rác, tăng cường các hoạt động vệ sinh hẻm, cải tạo hệ thống thoát nước… Ngoài ra, cần trồng thêm các loại cây dây leo như thằn lằn, hoa giấy, tigon… vừa tiết kiệm diện tích hẻm vừa tăng mảng xanh, giảm lượng nhiệt chiếu xuống mặt đường, giúp nước mưa tự thấm vào lòng đất, giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị. Đối với yếu tố xã hội, các nhà nghiên cứu cho rằng nên cải tạo không gian kinh doanh, buồn bán, lồng ghép tạo các không gian xanh, giao lưu văn hóa trong hẻm qua việc vẽ tranh tường theo chủ đề văn hóa, xã hội, đồng thời thiết kế, phân luồng giao thông cho người đi bộ, xe đạp và các phương tiện. Đối với yếu tố kinh tế, cần sử dụng năng lượng tái tạo đèn mặt trời tiết kiệm điện thay vì dùng nguồn điện truyền thống.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất sử dụng loại đèn có công suất 30W kích thước 360x19x55mm. Đèn có 1 khoang bóng, sở hữu 60 bóng LED với cường độ chiếu sáng 3000 lumens, có khả năng bảo vệ và chống lại vấn đề bị ngập nước có độ sâu từ 15cm đến 1m. “Kết quả nghiên cứu không chỉ áp dụng cho các hẻm thuộc địa bàn Gò Vấp mà những khu vực khác cũng có thể tham khảo cách tiếp cận của đề tài này khi thực hiện cải tạo hoặc làm mới hẻm và tuyến đường trên địa bàn”, các nhà khoa học cho hay.