Ngư dân phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) đầu tư hệ thống tời thủy lực vào khai thác hải sản.

Những năm gần đây, nhiều chủ tàu có công suất lớn tại các huyện ven biển tỉnh ta đã chủ động đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào khai thác hải sản, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng và hiệu quả cho mỗi chuyến vươn khơi.

Ngư dân phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) đầu tư hệ thống tời thủy lực vào khai thác hải sản.

Ông Đỗ Quang Nam, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) chủ tàu cá mang biển hiệu TH 91692 TS, cho biết: Những năm trước, dù đã đi biển nhiều năm, đánh bắt ở nhiều ngư trường nhưng do tàu có công suất nhỏ, trang bị thô sơ nên việc khai thác hải sản hiệu quả kinh tế không cao.

Năm 2015, ông đã mạnh dạn đầu tư vay vốn đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67/NĐ-CP, công suất 829 CV với nghề lưới chụp. Vừa qua, ông Nam đã đầu tư hệ thống đèn LED trên tàu để khai thác hải sản. Nhờ đó, sản lượng khai thác đánh bắt hải sản cao hơn hẳn so với tàu sử dụng đèn đốt truyền thống. Nhiên liệu sử dụng để phát điện cho hệ thống đèn LED giảm 1/3 so với đèn đốt và vùng chiếu sáng rộng hơn.

Đang kiểm tra lại các thiết bị chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới, anh Trịnh Tứ Thành, phố Tân Lập, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) chủ tàu cá TH 91773 TS có công suất 500 CV chia sẻ: Vừa qua anh đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để cải hoán, lắp đặt thêm các trang thiết bị hiện đại trên tàu cá của mình, như: Hầm bảo quản sản phẩm trên tàu bằng vật liệu polyurethane (PU); lắp tời hơi, sào sắt, giàn sắt, tăng gông phục vụ cho công việc khai thác, đánh bắt hải sản hiệu quả hơn.

Trước đây, khi đánh bắt hải sản bằng tàu, máy có công suất nhỏ, anh phải thuê khoảng 15 lao động, chi phí cao, năng suất thấp. Thế nhưng từ khi đầu tư tàu, máy có công suất lớn, các trang thiết bị hiện đại, sản lượng khai thác hải sản hiệu quả hơn, anh chỉ thuê khoảng 8-10 lao động khai thác ở ngư trường Vịnh Bắc bộ và khu vực đánh cá chung. Mỗi chuyến đi biển, thuyền viên trên tàu có thu nhập ổn định từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó đời sống của người lao động ổn định hơn trước. Thời gian tới anh sẽ tiếp tục đầu tư lắp đặt thêm các thiết bị điện tử hiện đại trên tàu cá, như: Máy dò cá ngang, ra đa, thông tin liên lạc tầm xa... để phát hiện luồng cá sớm hơn.

Cũng tại phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), một số chủ tàu cá khác cũng đã đầu tư lắp đặt các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc phát hiện sớm, tìm, dò đàn cá, như ông Đỗ Văn Lai, ông Trần Văn Thuận ở phố Trung Thịnh đã đầu tư mua máy dò ngang (Sonar) của Nhật Bản với góc quét chếch 45o, đường kính rộng 1.600 m và các thiết bị hiện đại khác cho tàu của mình nên đã giúp gia đình các chủ tàu có những chuyến ra khơi hiệu quả kinh tế.

Ông Trần Học Đính, Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến, cho biết: Phường Quảng Tiến xác định nghề khai thác hải sản là kinh tế mũi nhọn. Chính vì vậy phường đã tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân có điều kiện đóng mới, cải hoán, nâng công suất tàu cá; đồng thời, lắp đặt các thiết bị hiện đại, như: Đèn LED, thiết bị liên lạc định vị vệ tinh, Icom tầm xa VX1700, máy dò ngang, dò vây, máy tầm ngư cho các tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên. Lắp đặt hệ thống hầm bảo quản sản phẩm hải sản sau thu hoạch bằng bọt xốp PU, máy phả lạnh, lót hầm tàu bằng inox... bảo quản, bảo đảm chất lượng sản phẩm sau khai thác, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, hiện nay trên địa bàn phường đã đóng mới được 6 tàu cá, trong đó 5 tàu đánh bắt, 1 tàu dịch vụ hậu cần (4 tàu vỏ gỗ và 2 tàu vỏ thép). Toàn phường hiện nay có 250 tàu cá, tổng công suất 78.000 CV; trong đó, có 212 tàu công suất 90 CV trở lên. Sản lượng khai thác năm 2017 đạt 18.500 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ, giá trị đạt 328 tỷ đồng. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền cho bà con ngư dân và các chủ tàu tiếp tục đầu tư, cải hoán, đóng mới và lắp đặt thêm các trang thiết bị hiện đại để phục vụ khai thác hải sản ngày càng hiệu quả kinh tế hơn.

Nói về hiệu quả của việc lắp đặt các thiết bị hiện đại cho các tàu cá trên địa bàn tỉnh, ông Lê Bá Lực, Trưởng Phòng Quản lý khai thác nghề cá, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa, cho biết: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu khai thác hải sản theo hướng giảm tàu cá khai thác vùng ven bờ (có công suất dưới 20 CV), tăng tàu có công suất đánh bắt xa bờ (có công suất từ 90 CV trở lên), ngư dân các địa phương ven biển của tỉnh đã nỗ lực cải hoán, đóng mới, nâng công suất tàu để vươn khơi xa khai thác hải sản.

Cùng với đó, các tàu cũng được trang bị các thiết bị điện, điện tử hiện đại, như: Máy dò cá ngang, máy thông tin liên lạc tầm xa, phao vô tuyến, định vị vệ tinh Icom, máy đo sâu. Lắp đặt hệ thống thiết bị cơ giới kết hợp với bơm thủy lực hoặc thiết bị điện kết hợp với bơm thủy lực, như máy thu lưới, thu câu, thu cáp, máy nâng hạ thủy lực, hệ thống chiếu sáng đèn LED.

Một loại công nghệ mới mà ngư dân trong tỉnh đã lắp đặt và sử dụng bảo quản hải sản mang lại hiệu quả cao là hầm bảo quản sản phẩm làm bằng vật liệu PU được bọc inox 304 có tác dụng cách nhiệt tốt. Hầm PU hạn chế lượng nước đá tiêu hao đến 95%, giảm tổn thất sản lượng sau khai thác, chất lượng sản phẩm bảo đảm xuất khẩu.

Các địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa cũng đã tích cực triển khai Nghị định 67 của Chính phủ. Đến hết tháng 12-2017 toàn tỉnh đóng được 58 tàu, trong đó, có 23 tàu vỏ thép, 35 tàu vỏ gỗ (41 tàu khai thác hải sản, 17 tàu dịch vụ hậu cần).

Tổng số tiền cam kết cho vay theo các hợp đồng tín dụng là 653 tỷ đồng; đến nay đã giải ngân được 621 tỷ đồng và đã có 50 tàu hạ thủy, đưa vào khai thác hải sản và 8 tàu đang hoàn thiện để hạ thủy trong thời gian tới. Nhờ ứng dụng các trang thiết bị hiện đại mà hiệu quả kinh tế trong khai thác hải sản tăng đáng kể so với trước. Tổng sản lượng khai thác năm 2017 đạt 106.650 tấn, tăng 0,2% kế hoạch và tăng 6,4% so với cùng kỳ.