Khởi nghiệp là quá trình khó khăn và nhiều thách thức, đầy rủi ro. Để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp, Bình Phước rất cần sự hỗ trợ và chung tay của các đơn vị từ trung ương và các địa phương lân cận để hoạt động này ngày càng đi vào chiều sâu.

Đó là chia sẻ của TS. Đặng Hà Giang – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước tại Hội thảo “Bình Phước – Những tiền đề cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0”. Sự kiện này do UBND Tỉnh Bình Phước tổ chức tại Bình Phước ngày 28/12.

*Phát biểu khai mạc hội thảo, Bà Huỳnh Thị Hằng - Phó Chủ tịch thường trực Tỉnh Bình Phước kỳ vọng Bình Phước sẽ trở thành cái nôi khởi nghiệp trong vùng và vươn ra cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bà Huỳnh Thị Hằng - Phó Chủ tịch thường trực Tỉnh Bình Phước kỳ vọng: Bình Phước sẽ trở thành cái nôi khởi nghiệp trong vùng và vươn ra cả nước.

Hiện nay, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Bình Phước còn quá mới mẻ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Bình Phước vẫn chưa hình thành, hoạt động kết nối giữa 4 nhà (nhà nước – nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân) vẫn chưa chặt chẽ.

Cùng với sự tham dự của các đại biểu tại địa phương, hội thảo này cũng thu hút sự tham dự của nhiều diễn giả đến từ các lĩnh vực khác nhau, nhưng cùng chung khát khao xây dựng và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp cho địa phương vững bền, dựa trên chính những kinh nghiệm kinh doanh và tư vấn trong nước và quốc tế như: ông Trần Lương Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Phần mềm Vietsoftware kiêm Giám đốc chương trình MITFive, ông Đoàn Hữu Đức – Tổng Giám đốc Công ty Vietnam Consulting Group, ông Vũ Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước), ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận Professional Citizen (Công Dân Chuyên Nghiệp).

Thông qua các bài tham luận và phiên thảo luận tại Hội thảo, các diễn giả và khách mời tham dự cùng nhau trao đổi về những kiến thức và kinh nghiệm có giá trị thực tiễn để chung tay phát triển một tỉnh Bình Phước năng động, đổi mới sáng tạo, sẵn sàng cùng Chính phủ xây dựng làn sóng khởi nghiệp ở địa phương, hòa cùng không khí quốc gia khởi nghiệp.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo.

Cho rằng môi trường khởi nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ bắt đầu phát triển, PGS-TS. Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, cần ưu tiên triển khai các hoạt động phù hợp với thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh các hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các tỉnh, thành trong khu vực cũng như liên kết vùng nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. Trong đó, chú trọng hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn khu vực cho các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư, các cán bộ quản lý, vận hành các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp….

Ông Đà cũng đề xuất Bình Phước có thể đưa ra những khó khăn của mình để huy động các nguồn lực từ bên ngoài cùng chung tay giải quyết.

Trong khi đó, từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch – chia sẻ 5 vấn đề lớn trong khởi nghiệp nông nghiệp: Mua và bán nông sản - vấn đề thị trường; Vốn cho sản xuất; Sản xuất theo chuẩn; Quản lý trang trại; Thống kê và dự đoán, dự báo sản lượng; từ đó đúc rút ra những bài học cho nông sản, thực phẩm Việt Nam trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão và người dân cần có sản phẩm sạch với thông tin minh bạch, đáng tin cậy.

Cùng với việc kiến nghị xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung của vùng về khoa học và công nghệ, TS. Đặng Hà Giang cũng kiến nghị sự cần thiết phải xây dựng chương trình liên kết vùng về khoa học và công nghệ trong đó chú trọng tới nội dung về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thật cụ thể, phân công trách nhiệm của các địa phương trong quá trình thực hiện cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ, cũng như thực hiện việc nhân rộng, chuyển giao các mô hình khởi nghiệp đã thành công...

Được biết, Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có tổng diện tích đất tự nhiên là 687.154 ha. Trong đó, hầu hết là đất có chất lượng cao và trung bình trở lên, thích hợp với phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày, giúp cho Bình Phước có diện tích các cây công nghiệp như cao su, điều, tiêu cao nhất cả nước.