Sau 4 năm tự bỏ tiền túi ra làm nghiên cứu, ThS Trương Tiến Hải - hiện là cán bộ BQL Dự án nguồn lợi ven biển, thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa - cho biết đã phục tráng thành công giống vịt Cổ Lũng vốn bị lai tạp quá nhiều.

Phục tráng giống vịt với tỷ lệ đồng nhất 95%

Vịt Cổ Lũng (Bá Thước – Thanh Hóa) nổi tiếng xưa nay là giống thủy cầm đặc sản bản địa. Theo mô tả của những người cao tuổi ở địa phương và các hộ nuôi, giống vịt này có đặc điểm mình bầu, chân ngắn, cổ ngắn và to, màu lông giống chim sẻ, đặc biệt quanh cổ có viền khoang trắng, thịt rất thơm ngon.

Thạc sỹ Trương Tiến Hải tại mô hình nuôi vịt Cổ Lũng của gia đình. Ảnh: Hoàng Nam

Thế nhưng, lần đầu tiên quan sát, đo đếm các đàn vịt mà các hộ dân đang chăn nuôi tại địa phương cách đây sáu năm, ThS chuyên ngành nuôi trồng thủy sản Trương Tiến Hải nhận thấy màu sắc của vịt lộn xộn, đen pha trắng, 70% không có khoang cổ, cổ nhỏ và dài. Qua nghiên cứu, anh đánh giá sơ bộ vịt Cổ Lũng đã bị lai tạp với vịt Bầu đất, Bầu cánh trắng, vịt siêu trứng, tỷ lệ lai tạp chiếm đến trên 60%. Nhận thấy loài vịt này có thể phục hồi được nguồn gene, anh đã quyết định đem về cho sinh sản, nuôi ghép, chọn lọc.

Vì muốn tập trung cho nghiên cứu, đầu năm 2014 anh Hải xin thôi vị trí Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa, và về nhà mở trang trại.

Bởi việc nghiên cứu hoàn toàn do cá nhân thực hiện, không nằm trong đề tài hay dự án nào thuộc nhà nước nên anh gặp không ít khó khăn. “Đầu tiên phải nói đến vốn đầu tư trang trại, vốn mua thức ăn, mua giống. Đồng lương của giáo viên thì ít ỏi, cho nên tôi phải làm rất nhiều nghề mà đến bây giờ nhiều khi nghĩ mãi không hiểu tại sao lúc đó mình làm được” - anh Hải tâm sự.

Ban đầu, anh Hải chia toàn đàn (có tỷ lệ lai tạp trên 60%) ra làm 6 ô chuồng, mỗi ô chuồng là một đàn khác nhau về nguồn gốc, gồm 2 trống 8 mái. Sau một tháng lấy trứng, anh cho đảo trống giữa đàn nọ với đàn kia, cứ như vậy đến hết lượt. Chỉ những trứng thu trong nửa sau của tháng mới được đưa vào ấp, tránh trường hợp tinh trùng của đàn trống cũ vẫn còn trong đàn mái ban đầu. Sau đó, anh tiếp tục nuôi đàn vịt con lên 4 tháng tuổi, chọn lọc theo đặc điểm gần giống mô tả nhất, rồi lại cho lai theo phương pháp ban đầu. Cứ như vậy sau 4 năm nghiên cứu, Ths Hải đã tạo được đàn vịt sản xuất với tỷ lệ đồng nhất so với mô tả trên 95%, đồng thời có sức đề kháng tốt hơn giống vịt gốc cũ, cân nặng cũng tăng từ trung bình 1,3 kg lên 1,8 kg.


Mở rộng ra các tỉnh khác

Tự hào nói về kết quả của mình, anh Hải cho biết: “Trước khi được phục tráng, số vịt bị lai tạp là 100%, tổng số vịt có trong dân từ 1.000-1.500 con. Sau khi phục tráng, số vịt bị lai tạp giảm xuống còn khoảng 10%, tổng số vịt có trong dân tăng lên hơn 15.000 con. Riêng gia đình tôi ở thời điểm hiện tại sở hữu đàn "ông bà" 100 con, đàn "bố mẹ" 400 con, đàn vịt thịt 1.500 con, vịt giống 1.000 con”.

Theo anh Hải, giống vịt phục tráng chống chịu tốt với biến đổi của thời tiết, ít dịch bệnh, đặc biệt có lợi nếu tận dụng nuôi vào thời điểm sau khi gặt. Anh Hải còn nghiên cứu thức ăn công nghiệp cho giống vịt này với thành phần bao gồm men vi sinh, thảo dược và một số loại ngũ cốc. Kết quả, thời gian nuôi ngắn hơn 20 ngày, hàm lượng glutamic trong thịt (hay độ ngọt của thịt) dựa trên phân tích bằng máy cho thấy cao hơn 2,5 lần so với vịt cánh trắng, trong khi tỷ lệ mỡ thấp.

Do những ưu điểm nêu trên, giờ đây, vịt Cổ Lũng không chỉ được nuôi ở Bá Thước mà còn lan ra các huyện khác như Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa hay phường Quảng Thành… Khi cung cấp giống cho bà con, anh Hải đều hướng dẫn cách chăm sóc và tiêm phòng cho vịt và hiện đã có hai huyện Bá Thước và Hoằng Hóa chủ động được giống.

“Một số đơn vị ở các tỉnh ngoài cũng đã đặt hàng tôi, đó là Yên Bái, Hà Nam, Nghệ An” – anh Hải vui mừng chia sẻ.

TS Võ Văn Sự - nguyên Trưởng bộ môn Động vật quý hiếm và đa dạng sinh học, Viện Chăn nuôi Quốc gia:

Cách đây 10 năm tôi có biết đến giống vịt Cổ Lũng hay còn gọi là vịt Quốc Thành, vịt Mường Khòong là giống vịt nhà bản địa của huyện Bá Thước. Thế nhưng ở thời điểm đó, giống vịt đã bị thoái hóa, lai tạp rất nhiều.

Thạc sỹ Hải đã rất nhanh nhạy trong việc khai thác tiềm năng của giống bản địa bằng việc tự đầu tư nghiên cứu để phục tráng giống vịt quý. Từ kết quả đối chiếu tỷ lệ đồng nhất 95% so với mô tả của giống gốc, có thể khẳng định đây là một nghiên cứu rất thành công. Ý nghĩa lớn nhất của việc phục tráng vịt Cổ Lũng là giúp người dân có thể làm kinh tế từ chính giống bản địa của địa phương mình.