Năng suất phơi sấy tăng gấp 3 lần, chỉ cần một nhân công vận hành, tiết kiệm điện nhờ sử dụng năng lượng mặt trời,… là những hiệu quả kinh tế mang lại cho Hợp tác xã Tương Lai (huyện Củ Chi, TPHCM) khi sử dụng hệ thống sấy cá sặc rằn bằng sàn sấy tự động.

Hệ thống do ThS. Phan Văn Hiệp cùng nhóm cộng sự trường Đại học Văn Hiến (TP.HCM) nghiên cứu, chế tạo.

Hiện nay các hợp tác xã, cơ sở chế biến cá sặc rằn ở Củ Chi TP HCM thường sấy cá bằng máy hoặc phơi nắng, do vậy thịt cá xơ cứng nhanh, không đạt độ ngọt và độ dai thịt cá, màu sắc không đảm bảo cảm quan, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm lại không đảm bảo. Nếu vào mùa mưa, việc sấy cá của bà con càng gặp nhiều khó khăn, đồng thời các loại máy này sử dụng chất đốt, khí đốt vào ban đêm, gây ô nhiễm môi trường, nhiều tốn kém xây dựng nhà xưởng và nhân công... Trước thực tế đó, Th.S Phan Văn Hiệp và cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo máy sấy cá với dàn sấy tự động để khắc phục được những nhược điểm trên của các máy hiện nay.

Máy sấy cá sặc rằn được lắp đạt tại HTX Tương Lai (Củ Chi, TPHCM). Ảnh: P.V Hiệp

Theo ThS Hiệp, ưu điểm của hệ thống này là có thể điều khiển từ xa bằng công nghệ IoT, với chỉ một nhân công vận hành máy. Nhờ có nhiều dàn phơi (bố trí đối xứng 3 mặt phẳng phơi trên trục quay 3600) nên năng suất phơi sấy tăng lên gấp 3 lần. Từ đó tiết kiệm được không gian nhà xưởng, giảm chi phí xây dựng cơ bản. Do tự động điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm, số vòng quay, vận tốc dòng không khí, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người trong quá trình phơi sấy nên giảm nguy cơ nhiễm vi sinh và nhân công lao động trực tiếp.

“Quá trình hoạt động không phụ thuộc vào thời tiết, không tạo ra chất thải, nên thân thiện với môi trường - ThS Hiệp nói và cho biết, chất thải từ quá trình sơ chế được Hợp tác xã Tương Lai dùng làm thức ăn nuôi cá trê lai. Nước thải từ việc vệ sinh buồng phơi sấy cũng đảm bảo vệ sinh và an toàn cho môi trường.

“Trên cơ sở mô hình thiết bị và quy trình công nghệ đã được xác lập, có thể mở rộng năng suất phơi sấy cá sặc rằn cho các buồng phơi sấy hiện có của cơ sở. Thời gian tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu bổ sung bộ phận cắt nắng buổi trưa để giảm nhiệt độ và thay thế hệ thống phun sương hiện hữu bằng phun sương siêu âm. Đồng thời, mở rộng nghiên cứu đối với các loại cá cần chế biến khô có giá trị cao như cá dứa, lóc, chạch,... và các loại nông sản khác” - ThS Hiệp chia sẻ.