Là mục tiêu mà hội nghị "Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ" hướng tới. Hội nghị do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông và tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức diễn ra ngày 22/6 tới tại Nghệ An.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức hội nghị "Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ" tại TP Vinh, Nghệ An vào ngày 22/6.

Hội nghị quy tụ lãnh đạo/ đại diện các bộ, ngành, địa phương, viện, trường, nhà khoa học, đặc biệt là các doanh nghiệp trong và ngoài vùng cùng trao đổi thảo luận về tiềm năng, lợi thế và các thách thức của vùng trong phát triển nông nghiệp cũng như phương thức tổ chức mới nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế đó.

Đây cũng là dịp để các nhà quản lý lắng nghe tiếng nói từ các doanh nghiệp về định hướng phát triển sản phẩm của doanh nghiệp tại hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ.

Đặc biệt, lãnh đạo các tỉnh sẽ trình bày quan điểm cũng như ý định hợp tác giữa các địa phương nhằm hướng đến hình thành vùng sản xuất thực sự đối với hành lang đường Hồ Chí Minh.

Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Nằm trên các trục giao thông huyết mạch của cả nước, vùng Bắc Trung Bộ là cầu nối giữa các tỉnh vùng Bắc Bộ với các tỉnh vùng phía Nam, giữa các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bắc Trung Bộ được coi là cầu nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế theo trục Bắc - Nam.

Chăm sóc, phát triển dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn, Thanh Hóa.

Kể từ khi Chính phủ quyết định đầu tư và đưa vào hoạt động tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, cả 6 tỉnh trong vùng đều có tuyến đường chạy qua đã tạo ra vùng sản xuất rộng lớn dọc theo hành lang đường Hồ Chí Minh, bao gồm 24 huyện, thị xã. Lợi thế nổi bật nhất của tuyến hành lang này là điều kiện để phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn do có tiềm năng về đất đai với điểm nổi bật là một số doanh nghiệp lớn đã tiên phong đầu tư một cách bài bản, phát triển theo chuỗi giá trị tạo ảnh hưởng lớn, thu hút được người dân tham gia.

Vùng cũng sở hữu sự đa dạng sinh học cao, nguồn cây thuốc phong phú..., thích hợp để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.

Theo báo cáo về tình hình phát triển kinh tế của các tỉnh trong vùng, đã có rất nhiều thay đổi kể từ khi tuyến đường được đưa vào sử dụng, đến nay đã hình thành và thu hút được khá đông các doanh nghiệp (3.587 doanh nghiệp đang hoạt động), song nhìn chung phát triển sản xuất kinh doanh ở dọc hành lang tuyến đường vẫn ở dạng nhỏ lẻ, manh mún. Trừ một vài doanh nghiệp có đầu tư lớn về công nghệ, sản xuất ra một số sản phẩm ở quy mô hàng hóa, còn lại đều đang sản xuất rất thô sơ, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường.