Việc luân canh lúa, màu và hoa trên đất chuyên trồng màu giúp đem lại hiệu quả kinh tế tối ưu cho Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, mô hình trồng hoa loa kèn - lúa mùa - hoa lily đem lại giá trị gia tăng gần 1,38 tỷ đồng/ha mỗi năm.

Đây là kết luận từ kết quả nghiên cứu, đánh giá hiệu quả kinh tế của một số công thức luân canh cây trồng tại vùng Đồng bằng sông Hồng, do các nhà khoa học Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện.


Vườn thực nghiệm công thức luân canh dưa chuột - lúa mùa - hoa layơn tại Hà Đông, Hà Nội.  Ảnh: Nguyễn Lâm
Vườn thực nghiệm công thức luân canh dưa chuột - lúa mùa - hoa layơn tại Hà Đông, Hà Nội.Ảnh: Nguyễn Lâm


Đất màu nhưng phải trồng luân canh


Nhóm nghiên cứu do thạc sỹ Nguyễn Văn Lam - Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng - đứng đầu đã tiến hành điều tra, khảo sát 3 loại hình sử dụng đất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Hồng, bao gồm đất chuyên trồng lúa, đất sản xuất lúa - màu và đất chuyên trồng màu. Các cán bộ nghiên cứu cũng tiến hành đánh giá hiệu quả kinh tế của 18 công thức luân canh cây trồng chính, đại diện cho ba loại hình sử dụng đất nông nghiệp nêu trên.


Kết quả điều tra cho thấy, loại hình sử dụng đất chuyên trồng màu mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, lợi nhuận trung bình đạt hơn 106 triệu đồng/ha mỗi năm. Trong đó, việc trồng hoa và cây cảnh mang lại lợi nhuận cao nhất - hơn 981 triệu đồng/ha mỗi năm. Đây cũng là loại hình sử dụng đất thu hút được nhiều lao động nhất.


Tại vùng đất này, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng đã tiến hành thử nghiệm và đánh giá hiệu kinh tế của 4 loại hoa (hoa cúc, hoa loa kèn, hoa lay ơn và hoa lily), hai loại cây màu (dưa chuột và đậu tương) và 5 công thức luân canh cây trồng bao gồm: Dưa chuột - lúa mùa - hoa layơn, dưa chuột - lúa mùa - hoa cúc, dưa chuột - lúa mùa - hoa lily, đậu tương - lúa mùa - hoa lily, hoa loa kèn - lúa mùa - hoa lily tại Phú Mỹ - Biên Giang (Hà Đông - Hà Nội).


Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả 4 loại hoa và cây dưa chuột thử nghiệm đều cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó cao nhất là hoa lily. Công thức luân canh hoa loa kèn - lúa mùa - hoa lily đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, giá trị gia tăng đạt xấp xỉ 1,38 tỷ đồng/ha mỗi năm, lợi nhuận hơn 925 triệu đồng/ha mỗi năm.


Cần giảm lúa,tăng hoa, màu

Tuy việc trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút số lượng lớn lao động, có khả năng tạo ra nhiều việc làm cho nông dân, song nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo rằng, với loại cây trồng này, mức chi phí đầu tư và yêu cầu kỹ thuật sản xuất cũng rất cao.

Phân tích hiệu quả kinh tế của các công thức luân canh trong chu kỳ sản xuất 1 năm, nhóm nghiên cứu cho biết, loại hình sử dụng đất sản xuất lúa - màu với công thức luân canh chính là 2 lúa 1 màu hoặc 2 màu 1 lúa có giá trị gia tăng bình quân hơn 362 triệu đồng/ha mỗi năm. Trong đó, công thức trồng lúa xuân - hoa cúc hè - xúplơ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, giá trị gia tăng đạt trên 711 triệu đồng/ha mỗi năm.


Còn đối với loại hình sử dụng đất chuyên trồng màu, giá trị gia tăng trung bình đạt 608 triệu đồng/ha mỗi năm. Trong đó, công thức luân canh cải thìa - hành - cải bắp mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất (giá trị gia tăng đạt 615.168.000 đồng/ha mỗi năm).


Theo thạc sỹ Nguyễn Văn Lam, kết quả thử nghiệm cho thấy, việc sản xuất lúa cho hiệu quả thấp, không thu hút được nhiều công lao động, người nông dân thường chỉ lấy công làm lãi.


Tuy nhiên, cây lúa mang lại lợi ích lớn về luân canh (luân cạnh cạn - nước), góp phần làm giảm sâu bệnh, sâu hại cho các loại cây trồng vụ sau, giải quyết lương thực tại chỗ và chiếm ưu thế lớn tại các vùng đất thấp trũng.


Vì vậy thạc sỹ Nguyễn Văn Lam cho rằng, ở vùng Đồng bằng sông Hồng cần quy hoạch diện tích đất sản xuất phù hợp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo xu hướng giảm diện tích lúa, tăng diện tích trồng các cây hoa màu khác mới có thể tăng hiệu quả sản xuất cho người nông dân.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu trên, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng cũng đề nghị đưa 4 loại hoa: Cúc, layơn, loa kèn và lily vào cơ cấu cây trồng thời vụ ở vùng Đồng bằng sông Hồng và chú ý áp dụng các kỹ thuật luân canh, ứng dụng công thức hoa loa kèn - lúa mùa - hoa lily vào thực tiễn sản xuất.


Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần giảm tỷ lệ diện tích đất trồng 2 vụ lúa, tăng tỷ lệ diện tích sản xuất cây vụ đông, thay thế vụ lúa xuân bằng sản xuất cây màu, giữ nguyên vụ lúa mùa để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và tăng tính bền vững trong phát triển nông nghiêp tại vùng Đồng bằng sông Hồng.