Môi trường đầu tư thông thoáng, tiềm lực kinh tế dồi dào, Long An là điểm đến lý tưởng của hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ttỉnh chú trọng đẩy mạnh KH&CN và việc thành lập các doanh nghiệp KH&CN là chiến lược quan trọng mà tỉnh hướng đến.

Trên cơ sở phát huy các thành tựu đạt được và giúp doanh nghiệp đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, tỉnh Long An - cụ thể là Sở KH&CN, đã hỗ trợ thành lập 6 doanh nghiệp KH&CN, 7 tổ chức KH&CN, tăng cường những cơ chế, chính sách phù hợp để các doanh nghiệp và tổ chức KH&CN hoạt động trong điều kiện tốt nhất.

Công ty TNHH cơ khí công - nông nghiệp Bùi Văn Ngọ là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên ở Long An được công nhận vào năm 2013. Từ đó đến nay, doanh nghiệp luôn xác định đổi mới công nghệ, áp dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học và quản trị vào sản xuất kinh doanh là yếu tố sống còn để đứng vững trên thị trường.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH cơ khí công - nông nghiệp Bùi Văn Ngọ. Ảnh: NV
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH cơ khí công - nông nghiệp Bùi Văn Ngọ. Ảnh: NV

Sau hơn hai năm được công nhận, việc phát triển KH&CN đã trở thành kế hoạch chính thức của doanh nghiệp. Năm 2014, công ty đã trích quỹ KH&CN trên 10 tỷ đồng cùng với quỹ phát triển doanh nghiệp để đổi mới công nghệ cắt kim loại bằng máy cắt laser thế hệ mới; đầu tư máy gia công cơ khí công nghiệp tổ hợp dao CNC với dòng máy hiện đại nhất.

Hiện thương hiệu máy chế biến lúa gạo do doanh nghiệp này sản xuất có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, là niềm tự hào của ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp không chỉ của Long An mà cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để giữ vững giá trị thương hiệu cơ khí Bùi Văn Ngọ và thị phần trong nước, chiến lược của doanh nghiệp là phát triển thị trường ở các nước Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Định hướng sắp tới của công ty là nghiên cứu sâu về công nghệ chế biến nông sản dạng hạt như lúa, càphê, đậu xanh, mè, hồ tiêu… ở hầu hết các khâu thiết kế, gia công cơ khí, chất lượng kim loại, công nghệ chế tạo, mỹ thuật công nghiệp, công nghệ chế biến. Mục đích là giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng giá trị nông sản trong toàn chuỗi, cung ứng ra thị trường các thiết bị và hệ thống thiết bị chế biến với phương châm hiện đại, thích nghi và hiệu quả.

Song song với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, bảo vệ môi trường là vấn đề hết sức cần thiết để phát triển bền vững. Nhiều nghiên cứu khoa học trong nước và thế giới cho thấy, việc sử dụng các chế phẩm hóa học tuy có đem lại hiệu quả trong một thời gian nhưng song song với nó là nhiều hệ lụy về sức khỏe người sử dụng, sức khỏe vật nuôi, cây trồng, thiên địch, ô nhiễm môi trường…

Để tránh những hệ luỵ đó, Công ty TNHH sinh học Phương Nam chuyên nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm và thương mại hóa các chế phẩm sinh học trong lĩnh vực thực phẩm, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và xử lý môi trường theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, bảo vệ môi trường.

Công ty có trên dưới 40 cán bộ, viên chức và người lao động, làm việc ở phòng kỹ thuật, phòng nghiên cứu, phòng KCS, phòng sản xuất… Họ cho ra đời 28 chế phẩm sinh học, bao gồm: Chế phẩm BIO-I và BIO-II, chế phẩm VEM gốc, chế phẩm BIO-F và BIO-AP… Trong số đó có 7 sản phẩm cho cây trồng, 16 sản phẩm cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, còn lại là sản phẩm dùng cho môi trường. Công ty đã được Sở KH&CN Long An công nhận là doanh nghiệp KH&CN vào tháng 7/2015.

Việt Nam là nước nông nghiệp nên định hướng của công ty là tận dụng các phụ phế liệu công, nông nghiệp như khô đậu nành, bột bắp, cám mì, bã khoai mì, cám gạo, các loại đường, than bùn, cao nấm men, cao thịt, các acid amin… để sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp bằng công nghệ lên men vi sinh. Điều này rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Long An trong thời gian tới.

Với nhiều thành tích nổi bật, cùng đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học yêu nghề, đam mê sáng tạo, tin rằng các doanh nghiệp KH&CN Long An đủ sức cạnh tranh, có thương hiệu trên thị trường trong nước và thế giới. Việc áp dụng KH&CN gắn với đổi mới sẽ góp phần làm gia tăng giá trị trong toàn chuỗi sản xuất nông nghiệp, tạo ra tích lũy từ nội bộ nền sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công chương trình nông thôn mới.