Sáng kiến “Máy thụ phấn mãng cầu” của ông Lâm Văn Mal, Phó trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, đã giúp người dân tiết giảm được thời gian thụ phấn cho vườn mãng cầu xiêm mà vẫn đạt tỷ lệ đậu trái tương đương so với phương pháp thủ công.

Chiếc máy giúp nhà vườn có thể thụ phấn cho những bông mãng cầu ở cành xa mà tay và thang không tiếp cận được.

Do sớm thấy được những khó khăn, vất vả của nhiều hộ trồng mãng cầu xiêm trên địa bàn huyện Châu Thành nên ông Mal đã mày mò sáng tạo ra thiết bị thụ phấn sử dụng công tơ điện gọi là “máy thụ phấn mãng cầu”. Ông Mal nhớ lại: “Diện tích trồng mãng cầu xiêm tại huyện tăng đáng kể vì dân cải tạo từ vườn cam, bưởi đã bị hư hại. Tuy nhiên, muốn cây mãng cầu cho trái nhiều, đồng đều, nông dân phải thụ phấn bằng tay, mất nhiều thời gian, công sức. Bởi, người dân phải trèo lên cây, chấm phấn cho từng bông mãng cầu. Chưa kể là quá trình thực hiện gặp nhiều nguy hiểm, còn năng suất làm việc lại thấp”.

Sau khi chiếc máy ra đời đã giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, cũng như công lao động rất nhiều. Theo đánh giá bước đầu của nhiều nhà vườn đang áp dụng thử nghiệm chiếc máy trên địa bàn huyện Châu Thành, trong đó có ông Nguyễn Văn Lắm, ở ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, chiếc máy cho hiệu quả rất tích cực. Bởi theo ông Lắm, thời gian qua, để giúp cây mãng cầu xiêm trong khu vườn rộng hơn 0,5ha thụ phấn và ra trái nhiều, ông phải huy động 3 thành viên trong gia đình làm mới xuể.

“Mỗi lần thực hiện công đoạn thụ phấn thường rất tốn thời gian và công sức. Cụ thể, từ 4-5 giờ chiều, tôi phải đi cắt các bông để thu hạt phấn. Đến sáng lại tiếp tục ra vườn để thụ phấn cho nhụy cái. Tuy nhiên, nhiều bông ở trên cao, tay không với tới nên số trái thu được chưa đạt như mong muốn. Do đó, có chiếc máy này rồi, từ đây về sau, gia đình tôi sẽ làm bằng nhân công nhà mà không cần phải tốn tiền thuê mướn thêm người. Bởi một đêm, chiếc máy giải quyết được 500-800 bông, hơn mướn 3 người chấm nhụy bằng tay”, ông Lắm chia sẻ.

Ưu điểm vượt trội của chiếc máy này là giúp nhà vườn có thể thụ phấn cho những bông mãng cầu ở cành xa mà tay và thang không tiếp cận được. Ông Nguyễn Quốc Việt, ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Hồi trước, tôi phải bỏ những bông quá cao vì không thụ phấn bằng tay được. Bây giờ, chỉ cần đưa máy lên cho đụng hoa rồi bật công tắc lắc đều trên hoa cho hạt phấn bám vào nhụy là xong, không sót bông nào. Nếu so với thực hiện bằng tay thì chiếc máy cho công suất cao gấp 4 lần. Khi sử dụng xong thì thu gọn máy lại bằng cách tháo các ống nối”.

Tuy nhiên, theo ông Lâm Văn Mal, chiếc máy này vẫn còn một số khuyết điểm nhất định. Cụ thể, khi hoạt động vào những ngày mưa thì tỷ lệ thụ phấn không cao, vì máy hoạt động yếu. Bên cạnh đó, thân máy còn khá cồng kềnh, nặng nên người trực tiếp vận hành thường bị mỏi tay khi sử dụng. Vì vậy, tới đây ông Mal sẽ tiến hành thay thân máy bằng ống nhựa nhỏ hơn, đồng thời cải tiến môtơ chạy bằng pin tiểu thay cho pin đại, khắc phục hạn chế vào mùa mưa.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nhận xét: “Máy thụ phấn mãng cầu của ông Mal dù đơn giản nhưng rất hiệu quả. Bởi chiếc máy đã giải quyết được khó khăn, vất vả cho người trồng mãng cầu xiêm. Sáng kiến này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang công nhận và tặng giấy khen. Hiện nay, chúng tôi đã giới thiệu cho người dân nhiều nơi tiếp cận và ứng dụng chiếc máy vào quá trình thụ phấn trên vườn mãng cầu xiêm”.

Chiếc máy thụ phấn mãng cầu được cấu tạo khá đơn giản, gồm các ống bằng nhựa nhiều kích cỡ nối với nhau thành thân máy, chiều dài tùy theo nhu cầu người sử dụng. Ở đầu nhỏ của thân có lắp 1 công tơ điện mini được gắn bộ phận thụ phấn gồm nhiều que tre nhỏ, kết hợp quấn bông gòn tây. Cuối thân máy là 1 công tắc nguồn đã được nối dây điện từ đầu công tơ điện mini đến bộ phận pin. Chỉ cần bật công tắc là phía đầu máy, các que tre xoay tròn như chong chóng. Từ đây, phấn được chấm vào bông gòn quấn sẵn trên que tre sẽ theo đó mà dính vào nhụy cái rồi thụ phấn, tạo ra trái mãng cầu sau này. Vì cấu tạo máy đơn giản nên giá thành của mỗi chiếc máy dao động từ 50.000-100.000 đồng, tùy theo vật liệu thân máy làm bằng ống nhựa hoặc bằng tre.