Một năm sau khi được cấp nhãn hiệu tập thể, hiện làng nghề bánh đa Kinh Giao (Hải Phòng) có gần 40 cơ sở với 93 hộ tham gia sản xuất. Đời sống của người dân tham gia sản xuất bánh đa đã thay đổi rõ rệt.

Vào tháng 6/2016, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố Hải Phòng trao quyết định và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề của thành phố, trong đó có làng nghề bánh đa Kinh Giao.

Bánh đa cua từ lâu đã là đặc sản nổi tiếng của Hải Phòng. Có thể bắt gặp món ăn bình dân ở bất cứ con phố nào của thành phố cảng, từ quán vỉa hè đến các nhà hàng sang trọng. Điều làm nên sức hấp dẫn cho bát bánh đa cua chính là sợi bánh to, dai, mềm và óng đỏ của thôn Kinh Giao, xã Tân Tiến, huyện An Dương.

Người dân làng nghề Kinh Giao cho biết, để có được sợi bánh mềm và dai thì gạo phải có độ nở tốt, hạt trắng, hương thơm tự nhiên. Trước khi xay, gạo được ngâm cho mềm và trắng, rồi bỏ vào cối xay và đổ nước từ từ theo lượng gạo để tạo thành bột sánh mịn. Ở nhiều nơi, màu đỏ của bánh đa là do sử dụng phẩm màu nhưng riêng ở Tân Tiến, người thợ dùng đường mía cô đặc nên sợi bánh óng, thơm và giữ được màu khi nấu.

Làng nghề bánh đa Kinh Giao - Hải Phòng.

"Một tín hiệu vui là 1 năm sau khi được cấp nhãn hiệu tập thể, sản phẩm bánh đa Kinh Giao đã được nâng cao uy tín trên thị trường, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài thành phố đặt mua" - thông tin từ Trung tâm khoa học và công nghệ Hải Phòng cho biết.

Theo đó, sản lượng bánh mỗi ngày tăngbình quân 15-20 tạ so với trước đây. Đời sống các hộ dân làng nghề được cải thiện rõ rệt. Thêm nhiều việc làm được tạo ra cho người lao động tại địa phương với tiền công từ 200- 300 nghìn đồng/ngày.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các cơ sở sản xuất đều thiếu vốn đầu tư máy móc, chủ yếu duy trì sản xuất bán thủ công. Trong khi đó, với nhu cầu thị trường hiện nay, để đảm bảo cung ứng đủ, người dân cần đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nước thải, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường và nguồn nguyên liệu để bảo đảm sản xuất đủ số lượng.

Theo tính toán, mỗi cơ sở cần hỗ trợ vay vốn từ 400 - 500 triệu đồng. Để làm được điều này, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, chính quyền địa phương.

Được biết hiện lãnh đạo Thành phố Hải Phòng, Sở KH&CN cũng đang tìm cách phát huy vai trò cầu nối, tăng cường các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất.