UBND huyện Cần Giờ, TPHCM, vừa ban hành Kế hoạch phối hợp xây dựng Chương trình hành động Vì một Cần Giờ Xanh, đề xuất trồng rừng gắn với tín chỉ carbon.

Kế hoạch trồng rừng gắn với tín chỉ carbon chia theo giai đoạn. Trong đó, UBND huyện Cần Giờ giao Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ và Phòng Kinh tế huyện rà soát đề xuất và triển khai các nội dung trồng rừng theo các chương trình, kế hoạch hiện hành. Cụ thể:

Giai đoạn 2024 - 2025: Trồng rừng 180 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 200 ha; chăm sóc rừng trồng giai đoạn 2016 – 2020 (150 ha).

Giai đoạn 2026 -2030: Trồng rừng 280 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 200 ha; Chăm sóc rừng trồng giai đoạn 2024 – 2025 (150 ha).

Đồng thời Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ và Phòng Kinh tế nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ dữ liệu về trữ lượng và hệ số chuyển đổi carbon của các loài cây rừng ngập mặn tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ - TPHCM nhằm góp phần triển khai nội dung xác định khả năng hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn Thành phố, cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng tín chỉ carbon.

Ngoài ra, có giải pháp, biện pháp lâm sinh tỉa chăm sóc rừng đước, để nâng cao chất lượng rừng và tạo giá trị thẩm mỹ cho cảnh quan rừng, nâng cao chất lượng của hệ sinh thái đất ngập nước.

Về quy đổi các giải pháp xanh ra tín chỉ carbon, UBND huyện Cần Giờ giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp triển khai đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, rà soát hiện trạng sử dụng các giải pháp xanh trong sản xuất, các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh, các trụ sở sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái, khu vực rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, tham mưu UBND huyện quy đổi ra tín chỉ carbon.

v
Cần Giờ có tiềm năng lớn trong trao đổi tín chỉ carbon. Ảnh: Internet

Được biết, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ có tổng diện tích rừng ngập mặn là 75.740ha, được chia làm ba phần: phần lõi (4.721ha); vùng chuyển tiếp (29.880ha); vùng đệm (41.139ha), có tiềm năng lớn nếu tham gia vào hoạt động trao đổi tín chỉ carbon. Theo tính toán sơ bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, rừng ngập mặn Cần Giờ cung cấp khoảng 8 triệu tấn O2/ha và hấp thụ gần 11 triệu tấn CO2/ha, một phần trong số đó có giá trị trao đổi tín chỉ carbon.

Cần Giờ được kỳ vọng sẽ là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu "net zero" (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế. Để thực hiện mục tiêu này, TPHCM đang định hướng tập trung đầu tư xây dựng Cần Giờ ở các lĩnh vực giao thông xanh, trong đó, các phương tiện giao thông trên địa bàn phải sử dụng nhiên liệu xanh, năng lượng xanh. Ngoài ra, xử lý rác thành điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt; xây dựng Cần Giờ không rác thải nhựa; phát triển du lịch xanh;…